Vinaconex sau thương vụ thâu tóm ồn ào

(NTD) - Thương vụ thâu tóm Vinaconex rất ồn ào đã đi đến hồi kết nhưng nó có thể mở ra một chương mới đầy biến động khi nhóm cổ đông mới và cũ có quyền lực ngang nhau, không bên nào có quyền quyết định hướng đi cho công ty. Những cuộc “nội chiến” tại Bibica, Vicostone... đã hé lộ tương lai này của Vinaconex.

Thương vụ thâu tóm ồn ào

Thoái vốn Nhà nước khỏi một số công ty lớn đang niêm yết là câu chuyện đã được nhắc tới rất nhiều kể từ năm 2017. Một vài thương vụ thành công rực rỡ có thể kể đến như Sabeco, Nhựa Bình Minh đã mang về cho ngân sách Nhà nước số tiền khổng lồ. Thế nhưng, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) lại không có được may mắn đó.

Ngay sau thành công của Sabeco và Nhựa Bình Minh, Vinaconex “dội một gáo nước lạnh” vào chặng đường thoái vốn Nhà nước khi bất ngờ ế ẩm. Vì vậy, phiên đấu giá lần thứ hai diễn ra trong tháng 11 này được dự báo tiếp tục “nguội lạnh”. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy điều ngược lại. Thương vụ thâu tóm Vinaconex diễn ra rất ồn ào.

Chiều ngày 22/11 đã diễn ra phiên đấu giá cổ phần Vinaconex của SCIC và Viettel. Nhà đầu tư đặt mua trọn lô cổ phần với giá cao nhất 28.900 đồng/cổ phần đã đấu giá thành công. Ở mức giá này, nhà đầu tư đã phải bỏ ra 7.367 tỷ đồng, cao hơn gần 2.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm SCIC công bố.

Nhà đầu tư thắng cuộc chính là Công ty TNHH An Quý Hưng do ông Nguyễn Văn Đông làm giám đốc. khiến dư luận xôn xao vì chỉ có tổng tài sản khoảng 1.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 456 tỷ đồng, quá thấp so với số tiền 7.367 tỷ đồng phải chi ra để mua Vinaconex.

Ngoài ra, trước đó, cũng đã đặt một chân vào Vinaconex khi mua cổ phần tại Vimeco, công ty con của Vinaconex. Tuy nhiên, An Quý Hưng nhanh chóng rút khỏi Vimeco.

Thông qua ông Nguyễn Văn Đông, Hải Phát được cho là đặt chân vào Vinaconex.

Cân bằng quyền lực

An Quý Hưng là một doanh nghiệp ít tên tuổi trên thị trường bất động sản. Còn ông Nguyễn Văn Đông, chủ sở hữu doanh nghiệp lại gây sốc vì được cho là không đủ giàu có để thâu tóm được Vinaconex. Báo chí đã cất công về tận Huế, quê nhà ông Đông và nhận ra gia đình ông Đông chỉ có cửa hàng tạp hóa nhỏ. Chính mẹ ông Đông cũng không tin con mình có nhiều tiền đến vậy.

Tuy nhiên, sẽ không khó lý giải khi ông Đông hiện đang là thành viên Hội đồng quản trị của Hải Phát Invest. Vì vậy, không loại trừ khả năng An Quý Hưng chỉ là đầu mối đứng ra “mua hộ” cho Hải Phát Invest hoặc cho nhiều nhà đầu tư khác.

Nhưng về mặt giấy tờ, sau thương vụ thâu tóm khủng, An Quý Hưng sở hữu tới 57,7% cổ phần Vinaconex. Vì vậy, An Quý Hưng sẽ nắm được quyền chi phối đối với hoạt động của Vinaconex nhưng chưa có “quyền lực tuyệt đối”, không phủ quyết được ý kiến của các cổ đông khác.

Cụ thể, điều lệ của Vinaconex quy định các quyết định của đại hội đồng cổ đông liên quan đến việc sửa đổi và bổ sung điều lệ, chào bán cổ phiếu, tổ chức lại doanh nghiệp, các giao dịch mua bán tài sản có giá trị lớn… chỉ được thông qua khi có từ 65% trở lên số phiếu bầu của các cổ đông có quyền biểu quyết.

Như vậy, nếu muốn làm chủ thực sự của Vinaconex, An Quý Hưng phải có thêm gần 8% cổ phần nữa. Trước khi làm được điều đó, An Quy Hưng phải chấp nhận cảnh “quyền lực cân bằng”.

Các cổ đông khác hiện sở hữu 42,3% cổ phần Vinaconex. Trong đó, cổ đông lớn nhất là CTCP Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị Thăng Long Việt Nam, đơn vị vừa chiến thắng trong phiên đấu giá cổ phần Vinaconex thuộc sở hữu của Viettel.

Với việc sắp chi ra 2.002 tỷ đồng, công ty này sẽ sở hữu 21,28% cổ phần Vinaconex. Đứng sau CTCP Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị Thăng Long Việt Nam về mặt sở hữu là các quỹ PYN Elite Fund (7,1%) và Market Vectors Vietnam ETF (4,45%).

 Vinaconex vừa có phiên đấu giá thành công hơn mong đợi.

Vinaconex có rơi vào “nội chiến”?

Trong phiên đấu giá cuối năm ngoái, Vinaconex ế chỏng gọng. Thông tin này không khiến nhà đầu tư bất ngờ vì Vinaconex đang trên đà… đi xuống. Vì vậy, khi Vinaconex bất ngờ “sốt nóng” trong những ngày cuối tháng 11/2018, giới quan sát tin rằng Vinaconex hấp dẫn An Quý Hưng không phải bởi hoạt động kinh doanh mà bởi quỹ đất “khủng” mà Vinaconex sở hữu. Nghi ngờ này càng đáng tin cậy hơn khi An Quý Hưng và Hải Phát có mối liên hệ với nhau qua ông Nguyễn Văn Đông.

Theo bản công bố thông tin mới nhất, Vinaconex đang quản lý và sở hữu quỹ đất rộng tới 3,2 triệu m2. Quỹ đất “khủng” này bao gồm 131,786 m2 được giao tại 9 công trình và 3 triệu m2 đất thuê đang trong 7 dự án khác.

Tuy nhiên, với việc “chỉ” sở hữu 57,7% cổ phần, An Quý Hưng không thể một mình tự quyết định các chính sách của công ty, trong đó có việc sử dụng quỹ đất khủng như thế nào. Vì vậy, An Quý Hưng phải tìm “đồng minh” cho mình. Nhưng, các cổ đông còn lại không dễ gì để An Quý Hưng thâu tóm hoàn toàn Vinaconex. Vì vậy, nếu 2 nhóm cổ đông không tìm được tiếng nói chung, kết cục của Vinaconex có thể tham khảo qua trường hợp Bibica và Vicostone…

CTCP Bibica là “ông lớn” trong ngành bánh kẹo Việt Nam. Bibica hoạt động kinh doanh khá ổn định trước khi Lotte đặt chân vào doanh nghiệp này. Ban đầu, Lotte xuất hiện với tư cách chỉ là một cổ đông lớn. Sau đó, Lotte âm thầm mua thêm cổ phần và lộ diện kế hoạch thâu tóm Bibica.

Để cân bằng lại quyền lực và gìn giữ thương hiệu Việt, phía Lotte đã phải nhờ cậy đến các cổ đông “thuần Việt”. CTCP Thực phẩm PAN xuất hiện “cứu” giá Bibica. Trong thời kỳ đó, hoạt động của Bibica liên tục sa sút. Sau cuộc chiến quyền lực, Bibica vẫn trong cảnh “cân bằng” khi Lotte nắm giữ 44,03% vốn Bibica. Tỷ lệ của PAN là 43,73%.

Tương tự, Vicostone đã bị chính đối thủ Phenikaa thâu tóm. Tuy nhiên, Vicostone đã vượt qua được “nội chiến” và đang trên đà đi lên. Vì vậy, trước hai “tấm gương” Bibica và Vicostone, Vinaconex nên có chính sách để tránh một cuộc “nội chiến” có thể xảy ra ảnh hưởng đến hoạt động công ty.

Bảo Linh

 

Theo www.nguoitieudung.com.vn

Từ khóa : Vinaconex, thương vụ, thâu tóm