Bất động sản Vũng Tàu đang thiếu điều gì?
(NTD) - Bất động sản TP.Vũng Tàu chưa nhiều những dự án có quy mô đủ lớn để tạo nên tổ hợp du lịch giải trí nghỉ dưỡng hoàn chỉnh, đồng thời tại thời điểm này, chưa thấy xuất hiện các thương hiệu quản lý vận hành lớn và nổi tiếng như Sheraton, Intercontinental, Marriott, Accor... để thu hút sự chú ý của thị trường.
Chưa khai thác hết tiềm năng
Hạ tầng giao thông kết nối và thành phố biển xinh đẹp nằm kề cạnh TP.HCM luôn thu hút một số lượng khách du lịch vô cùng lớn hàng năm. Đó chính là 2 cơ sở để khẳng định chắc chắn giúp TP.Vũng Tàu phát triển mạnh mẽ. Và một trong những lĩnh vực hưởng lợi nhất đó chính là bất động sản, trong đó bất động sản nghỉ dưỡng TP.Vũng Tàu luôn được đánh giá rất cao.
Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây rút ngắn đoạn đường di chuyển từ TP.HCM đến TP.Vũng Tàu còn 95 km (thay vì 120 km) với khoảng thời gian 1 giờ 20 phút. Quốc lộ 51 với, đường ven biển từ Bình Châu (Bà Rịa – Vũng Tàu) – La Gi – Hàm Thuận Nam – Phan Thiết – Bắc Bình đến Tuy Phong thông ra Quốc lộ 1A. Đường thủy với hệ thống các cảng biển lớn (cụm cảng Cái Mép – Thị Vải), ngoài ra có thể kết nối với TP.HCM bằng tàu cánh ngầm khiến cho Vũng Tàu có vị trí kết nối vô cùng thuận lợi.
Chưa hết, các dự án giao thông đang và sẽ triển khai như: Cao tốc Bến Lức – Long Thành là công trình kết nối giữa đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, hình thành tuyến đường cao tốc có tổng chiều dài 154 km. Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu với tổng chiều dài toàn tuyến 46.8 km.
Tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu chiều dài gần 84 km, điểm đầu ở khu vực Trảng Bom thuộc tuyến đường sắt Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai), điểm cuối là ga Tiền Cảng (phường 9, TP. Vũng Tàu). Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sắp xây dựng, với công năng vừa vận chuyển khách và vừa vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đến các khu công nghiệp và cụm cảng biển Cái Mép – Thị Vải. Và tuyến đường thủy tàu cao tốc Sài Gòn – Cần Giờ – Vũng Tàu tuyến tàu có điểm đầu từ bến Bạch Đằng đi qua các sông Sài Gòn, Nhà Bè, Lòng Tàu, Ngã Bảy rồi đến bến Tắc Suất (huyện Cần Giờ), từ đó tiếp tục di chuyển qua mũi Gành Rái để tới bến Khu Du lịch cáp treo Hồ Mây (TP.Vũng Tàu) hứa hẹn sẽ thúc đẩy kinh tế Vũng Tàu phát triển mạnh hơn nữa.
Ngoài ra, giao thông phát triển thuận lợi sẽ kéo theo sự đi lên của du lịch, theo số liệu của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch BR-VT, 5 tháng đầu năm 2018, tỉnh này ước tính lượt khách do các cơ sở lưu trú phục vụ là 1,470,000 lượt, tăng 12.99% so với cùng kỳ. Kế hoạch đến năm 2020, tổng doanh thu du lịch đạt 28,242 tỷ Đồng, tốc độ tăng doanh thu bình quân hàng năm là 14%, tốc độ tăng trưởng khách du lịch là 11%/năm, các đơn vị kinh doanh du lịch đón khoảng 106 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 3.7 triệu lượt khách quốc tế. Tập trung phát triển 4 loại hình du lịch (du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch hội nghị, hội thảo, du lịch lịch sử tâm linh và du lịch sinh thái chất lượng cao).
Bất động sản Vũng Tàu vì thế trở mình mạnh mẽ trong thời gian qua khi rất nhiều "ông lớn" độ bộ về đây tìm kiếm quỹ đất tạo lập các dự án bất động sản quy mô. Tuy vậy, so với những tiềm năng lớn thì sự phát triển của địa ốc lại chưa tương xứng.
Chờ khai phá
Theo phân tích của DKRA Việt Nam, lượng khách đến Bà Rịa – Vũng Tàu lớn nhưng thời gian lưu trú trung bình lại khá thấp, do đó doanh thu mang lại từ dịch vụ du lịch thấp hơn so với các địa điểm du lịch khác như: Khánh Hòa, Phú Quốc, Đà Nẵng, Bình Thuận. Lý do, BR – VT chưa nhiều những dự án có quy mô đủ lớn để tạo nên tổ hợp du lịch giải trí – nghỉ dưỡng hoàn chỉnh, đồng thời tại thời điểm này, chưa thấy xuất hiện các thương hiệu quản lý vận hành lớn và nổi tiếng như Sheraton, Intercontinental, Marriott, Accor,... để thu hút sự chú ý của thị trường. Hiện nay, Vũng Tàu vẫn chưa thoát khỏi danh nghĩa thành phố du lịch một đêm hay thành phố du lịch trong ngày.
Theo tìm hiểu của phóng viên, TP.Vũng Tàu bắt đầu có những dự án tầm cỡ được các chủ đầu tư lớn rục rịch triển khai. Trong đó, FLC mong muốn đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng và nông nghiệp công nghệ cao tại BR-VT. FLC đã khảo sát thực tế các dự án du lịch, khu dân cư, gồm: Khu đô thị Tây Nam TP.Bà Rịa (gần 1.700ha), khu tổ hợp du lịch Núi Dinh (2.400ha), vườn thú hoang dã Safari (hơn 600ha), chợ du lịch Vũng Tàu (3,7ha), khu đất góc đường Thống Nhất - Lý Thường Kiệt (TP.Vũng Tàu). Công ty Korea Infrastructure Company Limited (Hàn Quốc) cũng đã trình bày với UBND tỉnh dự án đầu tư du lịch, nghỉ dưỡng tại khu đất Paradise và khu đô thị mới Bàu Trũng (TP.Vũng Tàu). Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã chi cả ngàn tỷ đồng để mua 4 dự án có quy mô lớn ngay trung tâm TP.Vũng Tàu. Còn Tập đoàn Novaland thì tham gia vào dự án Palm Beach Vũng Tàu.
Trong khi đó, ông Vũ Lý Cung, Phó tổng giám đốc DKRV cho biết, đơn vị này đã và đang phối hợp cùng Công ty TNHH Allgreen Vượng Thành – Trùng Dương phát triển dự án Vung Tau Regency thành một tổ hợp nghỉ dưỡng đẳng cấp 5 sao đầu tiên tại TP.Vũng Tàu.
Ông Cung cho biết, theo kế hoạch Vung Tau Regency sẽ được thiết kế với quần thể gồm 192 căn biệt thự, tổ hợp condotel và khách sạn cùng hệ thống tiện ích nội khu đẳng cấp và hấp dẫn, thiết kế theo kết cấu lệch tầng với mảng xanh lên đến hơn 77%, với mục tiêu tạo điểm nhấn cho du khách khi tới Vũng Tàu, nơi thành phố này đang thiếu và yếu.
Với sự gia nhập của nhiều tên tuổi, cũng như việc thay đổi tư duy từ các chủ đầu tư, thị trường bất động sản du lịch Vũng Tàu sắp tới hứa hẹn sẽ cạnh tranh sòng phẳng với những thành phố du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc...
Vũ Sơn
Theo www.nguoitieudung.com.vn
Từ khóa : Bất động sản, Vũng Tàu