Thị trường bất động sản tỉnh lẻ hưởng lợi từ những trục giao thông nghìn tỷ

(NTD) - Những thông tin tích cực đến từ việc khởi động các dự án giao thông nghìn tỷ đồng trong thời điểm cuối năm 2018 đã khiến bất động sản tỉnh lẻ trở nên sôi động.

Tại cuộc họp về kinh tế - xã hội TP.HCM 11 tháng năm 2018 mới đây, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã cho biết: "Thành phố đang xem xét tiềm năng ưu tiên phát triển về hướng Tây Bắc vì khu vực này còn nhiều quỹ đất phát triển đô thị, giá đất còn rẻ; kết nối về phía tỉnh Long An, Tây Ninh, cửa khẩu Mộc Bài…".

Lãnh đạo Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM cũng cho biết thời gian qua, TP.HCM đã đầu tư nhiều dự án đường hướng tâm như quốc lộ 22, đường Phan Văn Hớn, tỉnh lộ 9, tỉnh lộ 15, tỉnh lộ 22… Đặc biệt, một trong những dự án trọng điểm để tháo nút thắt cho cửa ngõ Tây Bắc đang được thi công gấp rút là nút giao thông An Sương (quận 12). Công trình này sẽ tạo thông thoáng cho trục đường huyết mạch từ TP.HCM đi các tỉnh miền Đông, miền Tây và ngược lại; cũng như từ trung tâm thành phố về huyện Củ Chi, Long An, Tây Ninh…

Chưa hết, mới đây Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý với kiến nghị của tỉnh Tây Ninh về việc sớm triển khai dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Việc này được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho khu vực cửa ngõ Tây Bắc của TP.HCM phát triển mạnh trong thời gian tới.

Trục giao thông Tây Bắc khiến thị trường khu vực Long An và cả Tây Ninh thay đổi gần đây khi nhiều chủ đầu tư bắt đầu dòm ngó và xí phần đất nhằm phát triển những dự án lớn.

Một trục giao thông lớn khác kết nối tam giác phát triển TP.HCM – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu liên tục đón nhận những công trình lớn. Kể từ khi tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Quốc lộ 51 mở rộng, khoảng cách di chuyển từ TP.HCM đến Bà Rịa Vũng Tàu rút ngắn một nửa thời gian so với trước đây. Sắp tới, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đưa vào sử dụng, sẽ kết nối toàn khu vực miền Tây với Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, sân bay lưỡng dụng Hồ Tràm, đường hầm xuyên biển nối Cần Giờ - Vũng Tàu… được quy hoạch và từng bước đi vào hoạt động đã thúc đẩy xu hướng đầu tư đón đầu tiềm năng bất động sản trung tâm Bà Rịa - Vũng Tàu. Việc khơi thông dòng kết nối không chỉ thuận lợi với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, mà còn rất dễ dàng kết nối với miền Tây Nam Bộ.

Quan sát trên thị trường thời gian qua có thể thấy, cùng với sự khan hiếm về quỹ đất và nguồn cung bất động sản tại TP.HCM đã khiến thị trường đất nền ở các khu vực giáp ranh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu... sôi động mạnh mẽ, đặc biệt phân khúc đất nền luôn được ưu tiên săn đón do tỉ suất sinh lời cao và tâm lý mua đất “làm của để dành”. Đây cũng là lý do các doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh tăng tốc hoạt động bán hàng tại các thị trường này.

Tại Bà Rịa Vũng Tàu, thị trường cũng đang nóng sốt cuối năm. Theo khảo sát của Công ty Asian New Time, tại các trục đường chính của TP.Bà Rịa như Hùng Vương, Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng có mức giá giao dịch trung bình từ 25 đến 30 triệu đồng/m2, tăng từ 2 đến 2,5 lần so với đầu năm 2018.

Ngoài TP.Vũng Tàu thì TP.Bà Rịa cũng đang trở thành tâm điểm với nhiều dự án được đầu tư bài bản, thu hút sự quan tâm lớn của khách hàng. Trong đó, dự án khu đô thị Barya Citi có 427 căn nhà phố thương mại được Công ty Bất động sản Danh Khôi làm chủ đầu tư xây sẵn. Dự án có vi trí 3 mặt tiền đường Trường Chinh (Quốc lộ 55), đường Cách Mạng Tháng Tám và đường Nguyễn Văn Cừ thuộc TP.Bà Rịa khá thu hút khách hàng.

Ông Nguyễn Quốc Vy Liêm, Phó Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư LDG, chính sự khan cung lại thúc đẩy những dự án đã và đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng có thanh khoản tốt. Từ đó, nhiều khả năng giá ở các dự án này sẽ tăng vào cuối năm 2018 và năm 2019. Đồng thời, vì khan hiếm sản phẩm nên theo ông Liêm việc mua đi bán lại các BĐS cũ sẽ diễn ra nhiều hơn. Trong đó, những sản phẩm bất động sản tại Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An dự báo sẽ có giao dịch tốt cuối năm 2018 và năm 2019.

 Nguyên Vũ

Theo www.nguoitieudung.com.vn

Từ khóa : bất động sản, tỉnh lẻ, trục giao thông