Phát triển du lịch thông minh trong bối cảnh công nghiệp 4.0
Phát triển du lịch thông minh đã trở thành xu hướng tất yếu trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi mà công nghệ thông tin phát triển hiện đại được ứng dụng mạnh mẽ vào đời sống xã hội. Ở Việt Nam, hiện cũng đã có những tiền đề nhất định để phát triển mạnh loại hình du lịch thông minh.
Khách du lịch Nhật Bản tham quan chùa Thiên Mụ, địa điểm du lịch nổi tiếng của thành phố Huế. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)
Khuyến khích phát triển du lịch thông minh
Theo ông Lê Quang Đăng, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch), du lịch thông minh được phát triển trên nền tảng ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin truyền thông, nhằm tạo ra những giá trị, lợi ích, dịch vụ tốt nhất, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, doanh nghiệp, cơ quan quản lý du lịch và cộng đồng.
Thuật ngữ “du lịch thông minh” mới xuất hiện ở Việt Nam trong khoảng một vài năm trở lại đây, được nhắc đến nhiều khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chính thức diễn ra.
Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam rất quan tâm và ban hành nhiều văn bản pháp lý nhằm định hướng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông vào phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có du lịch. Thể chế chính sách đi trước là điều quan trọng để khai thông, mở đường và tạo điều kiện nền tảng, hành lang pháp lý cho phát triển du lịch thông minh.
Đặc biệt, ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW, khẳng định “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước."
Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tất yếu phải có giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại. Nghị quyết 08 cũng nêu 3 khía cạnh ứng dụng khoa học công nghệ với các hoạt động du lịch gồm xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực và quản lý nhà nước.
Luật Du lịch năm 2017 cũng khẳng định: "Nhà nước có chính sách trong việc khuyến khích hỗ trợ các hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại phục vụ quản lý và phát triển du lịch” (Khoản 4, Điều 5).
Để tạo bước đột phá trong việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2017/NĐ-CP và Nghị quyết số 124/2017/NQ-CP quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử (e-visa) cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam với 46 nước.
Ông Lê Quang Đăng, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch), cho rằng với hệ thống văn bản pháp quy như đã phân tích trên, có thể khẳng định thể chế chính sách của Việt Nam hiện tương đối đầy đủ, rõ ràng, là căn cứ pháp lý vững chắc để triển khai phát triển du lịch thông minh.
Ngành du lịch vào cuộc
Ông Vũ Quốc Trí, Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch, cho biết trong những năm gần đây, các công nghệ thông minh đã thực sự bùng nổ trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là sự ra đời của các doanh nghiệp thuần túy công nghệ và liên kết mạnh mẽ với các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn...
Với du khách, đa số đều có điện thoại thông minh để tra cứu thông tin và thực hiện các giao dịch. Có thể nói cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động rất lớn đến ngành du lịch Việt Nam.
Ông Trí cũng nêu rõ gần như 100% các doanh nghiệp du lịch đã có website để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Các khách sạn, nhà hàng, điểm vui chơi đã có wifi miễn phí và dịch vụ này đang được nhiều địa phương thực hiện. Nhiều di tích đã ứng dụng robot thuyết minh đa ngôn ngữ.
Để hỗ trợ hoạt động du lịch của du khách, các địa phương cũng đã nghiên cứu, sản xuất và đưa vào sử dụng nhiều phần mềm, tiện ích thông minh, nhất là các tỉnh, thành phố lớn được coi là những trung tâm du lịch của cả nước.
Cụ thể là trong năm 2018, Hà Nội đã đưa vào sử dụng 2 phần mềm tiện ích thông minh hỗ trợ du khách gồm hệ thống thuyết minh tự động tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám và phần mềm hướng dẫn tham quan Hoàng Thành Thăng Long.
Người đi bộ ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Một số tiện ích về bản đồ, tìm đường, trạm xe buýt... cũng đã được nghiên cứu, sản xuất và đưa vào sử dụng. Nhiều điểm trên địa bàn thuộc các quận trung tâm Thủ đô đã lắp đặt trạm phát wifi miễn phí như khu vực quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, các khu phố cổ, đường hoa, chợ hoa, công viên, bến xe, tuyến xe buýt...
Thành phố Hồ Chí Minh tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong ngành du lịch nhằm đưa thành phố trở thành đô thị du lịch thông minh. Thành phố Hồ Chí Minh đưa vào sử dụng một số trạm thông tin du lịch thông minh; phần mềm du lịch thông minh “Vibrant Ho Chi Minh city,” phần mềm tiện ích khác như “Sai Gon Bus,” “Ho Chi Minh City Travel Guide,” “Ho Chi Minh City Guide and Map”.
Đà Nẵng cũng là địa phương đi đầu trong phát triển mô hình du lịch thông minh. Ngoài việc thường xuyên sử dụng các phương pháp marketing điện tử để quảng bá du lịch, Đà Nẵng đã xây dựng các hệ thống phần mềm, tiện ích hỗ trợ du khách như “Da Nang Tourism," “inDaNang,” “ Go! Đà Nẵng,” “Da Nang Bus.”
Đặc biệt, Đà Nẵng đã đưa vào sử dụng ứng dụng chatbot “Da Nang Fantasticity." Đây là công nghệ được sử dụng đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á (cùng với Singapore).
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia nghiên cứu, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng rất nhanh nhạy, tích cực tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư để theo kịp xu hướng kinh doanh mới, đáp ứng nhu cầu du lịch đa dạng của du khách. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động cải tiến để trở thành doanh nghiệp thông minh.
Các hoạt động kinh doanh hầu hết được triển khai trực tuyến, marketing, quảng bá sản phẩm; nghiên cứu mở rộng thị trường; tư vấn, chăm sóc khách hàng; thực hiện các giao dịch mua-bán, thanh toán.
Các doanh nghiệp du lịch hàng đầu Việt Nam cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong kinh doanh du lịch.
Tuy vậy, ông Vũ Quốc Trí, Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch thẳng thắn thừa nhận đã có trên 50% doanh nghiệp du lịch áp dụng các giải pháp bán hàng, thanh toán trực tuyến nhưng hiệu quả không đồng đều, doanh số thu được qua mạng chưa cao.
Có khoảng 10 sàn giao dịch điện tử về du lịch ra đời nhưng mới chiếm khoảng 20% các giao dịch dịch vụ, số còn lại đều do các sàn giao dịch điện tử nước ngoài thực hiện.
Một vấn đề tồn tại nữa là phần lớn các di tích danh thắng của Việt Nam tuy đã có website quảng bá nhưng thông tin chủ yếu mới chỉ bằng tiếng Việt. Đây là hạn chế lớn khi quảng bá, thu hút khách quốc tế.
Theo ông Lê Quang Đăng, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch), có thể lựa chọn 3-5 địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển, đang đứng đầu bảng xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế thực hiện mô hình thí điểm cho phát triển đô thị thông minh và du lịch thông minh.
Việc xác định rõ mô hình và triển khai thí điểm sẽ giúp trung ương và địa phương tập trung nguồn lực cho phát triển du lịch thông minh, tránh thực hiện dàn trải, manh mún, nhỏ lẻ, thiếu hiệu quả và gây lãng phí nguồn lực.
Phát triển du lịch thông minh là xu hướng tất yếu của tương lai, sẽ tạo ra một diện mạo mới cho ngành du lịch của Việt Nam và du lịch thế giới. Do đó, toàn ngành du lịch cũng như các địa phương dù đã nỗ lực nhưng vẫn cần nhiều giải pháp đồng bộ để sẵn sàng tiếp cận, thích ứng với du lịch thông minh trong tương lai.
Theo Vietnamplus
Theo thegioitiepthi.vn
Từ khóa : Phát triển du lịch, du lịch thông minh, công nghiệp 4.0