Thu nhập thấp, làng chằm nón lá An Hòa chỉ còn vài người 'làm cho đỡ nhớ nghề'

(thegioitiepthi.vn) - Từ ngoài đi vào nếu không để ý thì khó mà nhận ra làng nghề chằm nón lá An Hòa, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Bởi lẽ từ ngày có các khu công nghiệp, số hộ làm nón chỉ rải rác chứ không còn đông đúc, tập trung như xưa. Dù mang danh là làng nghề truyền thống nhưng hiện tại chỉ còn rất ít hộ theo nghề.

Những người giữ lửa cho nón lá quê hương.

Sau vài ba năm, trở lại làng An Hòa chắc chắn nhiều người sẽ ngỡ ngàng trước những thay đổi chóng mặt của mảnh đất nghèo này. Khác với khung cảnh tấp nập, đông vui của ngày trước thì giờ đây những ngôi nhà xung quanh con hẻm nhỏ đã yên ắng và tĩnh mịch hơn vì đa số lớp trẻ đều đi làm ở các khu công nghiệp, trong làng chỉ còn lại người già và trẻ em bên vài chiếc nón đang đan dở.

Cụ Chỉ, 80 tuổi là một trong số các nghệ nhân thâm niên trong vùng. Gia đình cụ có truyền thống 4 đời theo nghề, cũng nhờ cái nghề vất vả, công phu này mà cụ đã nuôi 6 người con trưởng thành. Dù tuổi cao, không còn minh mẫn như trước, nhưng cứ rảnh là cụ lại miệt mài ngồi xâu kim. “Già rồi không làm được gì khác nên cứ may cho khuây khỏa tay chân, kiếm thêm đồng cơm đồng cá”, cụ nói.

Cùng trạc tuổi với cụ Chỉ là cụ Nhành, một nghệ nhân đã hơn 60 năm trong nghề. Cụ Nhành cho biết, trước khi có các khu công nghiệp, khu chế xuất, những hộ dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề làm nón, thu nhập không nhiều nhưng kết hợp canh tác mùa vụ với đan nón quanh năm cũng đủ trang trải cuộc sống. Về sau, nhiều hộ đã bỏ nghề, số ít chỉ làm khi có thời gian rảnh.

Đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân.

Những người trẻ nếu làm liên tục thì một ngày được 10 chiếc nón thưa và khoảng 6 chiếc nón giày. Trung bình một chiếc nón có giá 16.000 đồng thì tiền công chiếm  6.000 đồng. Một người chằm nón nếu trừ chi phí thì mỗi tháng thu nhập xấp xỉ 2 triệu đồng. Theo các nghệ nhân nơi đây, để đảm bảo độ đẹp của chiếc nón lá thì các công đoạn như dệt, vuốt đều phải làm ban đêm.

Hiếm tìm thấy một gia đình nào trong làng có 3,4 thế hệ theo nghề làm nón do thu nhập quá thấp. Chị Lê Thị Nga là người con duy nhất trong gia đình cụ Nhành theo nghề. “Ai không có công ăn việc làm thì mới phải ngồi đan nón. Bây giờ người ta đi làm hãng tháng 9 – 10 triệu đồng còn mình ngồi từ sớm đến tối cũng chỉ được vài chục bạc. Công cán thì chẳng được bao nhiêu nhưng cực lắm”, chị Nga than thở.

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : Thu nhập thấp, làng chằm, nón lá, An Hòa