Thu hút thêm 80.000-100.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

(thegioitiepthi.vn) - Bộ NN-PTNT và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt mục tiêu thu hút khoảng 80.000-100.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trong thời gian tới. Trong đó, phấn đấu có khoảng 3.000-4.000 doanh nghiệp đầu tư với quy mô lớn.

Sáng nay (22/1), tại Hà Nội, Tổng hội NN-PTNN Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Doanh nghiệp đồng hành cùng nông nghiệp, nông dân, nông thôn năm 2019”.

Đầu tư nhỏ lẻ, thiếu thông tin... khả năng tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp nông nghiệp rất hạn chế. Ảnh minh họa: IT.

Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội NT-PTNN Việt Nam - nhận định, năm 2018 được đánh giá là năm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhiều nhất với 2.200 doanh nghiệp đầu tư mới, nâng tổng số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này lên con số 9.235 doanh nghiệp. Tuy nhiên, số doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi mới đạt con số gần 5.000, chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Đây là con số quá nhỏ.

Tại diễn đàn, một vấn đề được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm là việc khó tiếp cận được các nguồn vốn vay của ngân hàng, nhất là các doanh nghiệp nhỏ do phương án kinh doanh chưa khả thi, chưa đủ điều kiện thế chấp và tín chấp đối với khoản vốn muốn vay. Ngoài ra, khả năng tiếp cận thị trường quốc tế của doanh nghiệp nông nghiệp còn yếu do còn thiếu thông tin về thị trường và các quy định của thương mại quốc tế. Do vậy dẫn đến khả năng tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp nông nghiệp rất hạn chế.

Bà Trần Kim Liên - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) – cho hay, sản xuất nông nghiệp đối mặt với nhiều rủi ro, tỷ suất lợi thấp. Hiện, 92,5% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là doanh nghiệp nhỏ. Vì vậy, doanh nghiệp cần chính sách để tập trung ưu đãi.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 210/2013/NĐ-CP. Đây là những cú hích cực kỳ tốt để khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, đến thời điểm này, về phía địa phương vẫn chưa có văn bản nào để triển khai những ưu đãi này. Bà Liên kiến nghị, cần sớm ban hành văn bản, thông tư để Nghị định 57 sớm được thực thi.

Một vấn đề nữa đó chính là khơi thông dòng vốn đầu tư vào nông nghiệp. Hiện nay có Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư vốn vào nông nghiệp, nông thôn. Nhưng nghị định này có nhiều bất cập. Chính sách lỗi thời, không khơi thông dòng vốn thì không thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào.

Bà Liên cho rằng, cần có hành lang pháp lý đảm bảo doanh nghiệp tích tụ tập trung ruộng đất để chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp được tham gia chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, thông tin dự đoán, dự báo nhu cầu thế giới.

Tại diễn đàn, các chuyên gia kiến nghị, thời gian tới, doanh nghiệp cần chú trọng đến việc tập trung nguồn vốn, ruộng đất, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sản phẩm chất lượng cao, mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt tận dụng hội nhập với các hiệp định thương mại để tạo đầu ra cho sản phẩm…

Đối với vấn đề tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp, để chính sách này có tính khả thi, bền vững và có hiệu quả thực chất, Nhà nước cần tập trung xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý thông thoáng, ổn định và minh bạch, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của các bên liên quan.

Trước kiến nghị của các doanh nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - ông Nguyễn Hoa Cương - cho biết, đang có làn sóng đầu tư mạnh vào nông nghiệp. Hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có thông tư hướng dẫn việc hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, tháo gỡ các rào cản về đầu tư. Mục tiêu đặt ra trong thời gian tới là thu hút khoảng 80.000 - 100.000 doanh nghiệp có hoạt động đầu tư vào nông nghiệp. Trong đó phấn đấu có khoảng 3.000-4.000 doanh nghiệp đầu tư với quy mô lớn, 6.000-8.000 doanh nghiệp đầu tư với quy mô vừa.

Theo số liệu của Bộ NN-PTNT, chỉ riêng lĩnh vực chế biến trái cây, trong năm 2018 có tới 16 doanh nghiệp lớn vào đầu tư với tổng vốn khoảng 8.700 tỷ đồng. 

“Dự án nào, doanh nghiệp nào đầu tư với quy mô lớn, dây chuyền công nghệ hiện đại thì thường có ngay các đơn hàng, thậm chí đơn hàng kéo dài 5 năm - 10 năm. Còn nếu cứ làm ăn kiểu nhỏ lẻ thì cũng không bán được”.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : Thu hút, doanh nghiệp, đầu tư, nông nghiệp