Thủ phủ 'heo vàng' làm không ngớt tay ngày cuối năm
Mỗi ngày, có cả ngàn con heo đất đủ loại màu sắc, kích cỡ ở Bình Dương được xuất xưởng, đưa đi tiêu thụ khắp mọi miền Tổ quốc.
Những ngày cuối năm Mậu Tuất, sắp bước sang năm mới Kỷ Hợi, tại thủ phủ sản xuất heo đất ở thị trấn Lái Thiêu (thị xã Thuận An) và xã Tân Vĩnh Hiệp (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) , không khí lao động rất nhộn nhịp. Người dân địa phương vẫn quen gọi ở những nơi trên là xóm “heo đất” dù chỉ còn vài hộ theo nghề này.
Theo nhiều người cao tuổi ở xóm “heo đất”, nghề làm heo đất Bình Dương trước đây quy tụ thành nhiều khu vực riêng nhưng những năm gần đây nhiều gia đình đã chuyển sang làm nghề nghề khác. Từ hơn 200 hộ làm heo đất, hiện nay chỉ còn khoảng 20 hộ theo nghề, chủ yếu tập trung ở phường Lái Thiêu. Những ngày cuối năm, xóm “heo đất” cũng rất nhộn nhịp khi hàng ngàn con heo đất liên tục xuất xưởng để cung ứng cho thị trường trong năm Kỷ Hợi.
Heo đất sau khi được đúc trong khuôn được người dân phơi nắng trước khi đưa vào lò nung.
“Những năm gần đây mặt hàng heo đất tiêu thụ chậm vì heo nhựa lấn át và tràn ngập thị trường. Nhiều hộ cũng bỏ nghề hoặc chuyển sang làm công việc khác. Tuy nhiên, do năm tới là năm Kỷ Hợi nên người dân có nhu cầu mua heo đất tăng cao, chúng tôi vui vì heo đất được xuất xưởng nhiều”, chủ cơ sở heo đất ở xã Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên nói.
Để tạo ra con heo đất cân đối, đẹp đòi hỏi người thợ phải có tay nghề. Ngoài ra, chất lượng đất, cách pha trộn cũng là yếu tố quyết định đến việc chế tạo heo đất đẹp, không bị nứt khi nung.
Heo đất sau khi phơi nắng được tập kết lại trước khi đưa vào lò nung. Mỗi con heo đất sau khi tạo hình được chủ xưởng khoét một lỗ nhỏ để người sử dụng nhét tiền tiết kiệm vào khi sử dụng.
Các chú heo đất được xếp ngay ngắn trong lò nung. Công đoạn nung heo đất cũng rất quan trọng. Heo được nung với nhiệt độ khoảng 1.000 độ C trong khoảng thời gian 8 -10 giờ. Heo lớp dưới cùng sẽ được nung đỏ sau đó hơi nóng sẽ lan sang các heo heo ở tầng trên.
Ông Đồng Minh Tân xã Tân Vĩnh Hiệp (thị xã Tân Uyên) cho biết đã có thâm niên hơn 10 năm làm nghề. “Thời điểm cuối năm sức mua tăng cao nên dân làm nghề như tôi cũng vui. Những năm trước nơi đây cũng rất nhiều cơ sở sản xuất nhưng sau đó nhiều hộ chuyển nghề vì heo nhựa lấn át”, ông Tân nói.
Heo đất được “trang điểm” để theo kịp xu thế thị trường. “Con heo đất ở xứ Bình Dương này có cách nung riêng, rất chắc, ít bể và có bí quyết pha, tô màu riêng tạo được hoa văn sắc nét thu hút, bảo đảm những nơi khác không thể nào “nhái” được”, chủ cơ sở heo đất Thu Sương ở thị trấn Lái Thiêu chia sẻ.
“Đàn” heo được các nghệ nhân tô vẽ trước khi xuất xưởng.
“Con heo đất nếu mình biết làm bắt mắt có thể vừa là quĩ tiết kiệm lại vừa là đồ trang trí cho người dân”, chủ cơ sở heo đất Lý Ngọc ở thị trấn Lái Thiêu cho biết.
Hàng trăm con “heo vàng” từ “thủ phủ” heo đất Bình Dương xuất xưởng đi khắp mọi miền Tổ quốc.
“Những ngày cuối năm Mậu Tuất, sắp bước sang năm mới Kỷ Hợi khách đặt hàng với số lượng lớn nhiều lắm nhưng chúng tôi làm không kịp dù tăng cường nhân công. Năm tới là năm Kỷ Hợi nên nhiều người muốn mua “heo vàng” về để trong nhà trang trí cũng như làm nơi để dành tiền tiết kiệm’, chủ cơ sở Lý Ngọc chia sẻ.
Theo thegioitiepthi.vn
Từ khóa : Thủ phủ, heo vàng, heo đất, Lái Thiêu, Bình Dương