Nghề trồng hoa Tết ở Ninh Phúc
Đầu tư trồng hoa Tết không đơn giản. Thời tiết thuận lợi, chất lượng giống đảm bảo, hoa nở đẹp, đúng dịp, bán được giá thì người trồng hoa mới có lãi. Tuy nhiên, ở thời điểm này vẫn còn quá sớm để khẳng định sự thành bại của vụ trồng hoa Tết năm nay, nhất là khi gần đây thời tiết bất thường, mùa đông vẫn nắng nóng, sương muối nhiều và năm nay lại nhuận 2 tháng 9 âm lịch...
Tất bật chăm sóc
Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán ất Mùi - 2015 nhưng thời điểm này, các hộ trồng hoa ở thôn Đoài Thượng, xã Ninh Phúc (thành phố Ninh Bình) đã tất bật chăm sóc để chuẩn bị hoa phục vụ dịp Tết. Dạo quanh mấy khu vườn trồng hoa ở đây, cảm nhận rõ nét nhất là không khí nhộn nhịp của người nông dân trong việc chăm sóc, tìm kiếm bạn hàng, kiểm tra quá trình sinh trưởng và cả việc nghiên cứu dự báo thời tiết từ nay cho đến Tết để có giải pháp hữu hiệu trong việc chăm sóc hoa.
Một số khu đất rộng đã được phủ kín bởi hàng trăm chậu cây lớn nhỏ xếp thẳng hàng. Nhiều nhà lưới đã được dựng lên. Hệ thống ống nước, bóng điện thắp sáng, ni lông che phủ đã được lắp đặt hoàn chỉnh, chủ yếu hiện nay người trồng hoa đang bận rộn với việc tưới nước, bón phân...
Rút kinh nghiệm từ những vụ hoa trước, năm nay làng hoa Ninh Phúc trồng chủ yếu là các loại hoa cúc, dơn và hoa ly. Hoa cúc thì nhập giống của Nam Định, hoa dơn lấy giống ở Đà Lạt còn hoa ly thì lấy giống của các nước Hà Lan, Chi Lê và Pháp. Trong đó, giống hoa ly phải mua từ 18.000 đến 20.000 đồng/củ. Bác Vũ Văn Bảng, 58 tuổi ở thôn Đoài Thượng cho biết, năm ngoái gia đình bác đầu tư gần 100 triệu đồng trồng hoa, thu về gần 200 triệu đồng.
Năm nay nhà bác đầu tư gần 200 triệu đồng trồng gần 3 sào hoa, riêng hoa ly trồng hơn 1 sào. Nếu thời tiết thuận lợi, bán được giá thì vụ hoa Tết năm nay gia đình bác cũng thu được trên 300 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu của gia đình bác là ở Ninh Bình, ngoài ra các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh cũng thường xuyên lấy hoa về tiêu thụ trong dịp Tết.
Khác với gia đình bác Bảng, gia đình bác Vũ Văn Chăm lại trồng nhiều loại hoa, trong đó có nhiều hoa cúc chậu. Khu vườn nhà bác đã được phủ kín bởi hàng ngàn chậu cúc lớn nhỏ xếp thẳng hàng, chủ yếu là các loại cúc vàng, trắng và tím. Bác Chăm cho biết, trồng hoa cúc có thuận lợi hơn là không phải chăm sóc tỉ mỉ, thận trọng như các loại hoa ly, hoa dơn…; giống hoa cúc cũng rẻ hơn rất nhiều và đặc biệt là trồng hoa cúc trong chậu rất thuận lợi cho việc mang đi bán khi hoa đã nở. Tuy nhiên, mỗi chậu cúc muốn bán được giá phải cắt tỉa ngay từ bây giờ để đến tay người mua hoa đã là một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh. Do đó, việc cắt tỉa cũng tốn nhiều công sức.
Gia đình bác Vũ Văn Hải ở thôn Đoài Thượng thì không trồng hoa cúc trong chậu mà lại trồng trên vườn. Với mảnh vườn không lớn, nhưng khi đến vụ thu hoạch, toàn bộ hoa cúc nhà bác được tiêu thụ hết tại tỉnh Hà Tĩnh. Do có nguồn tiêu thụ ổn định nên hàng năm gia đình bác cũng có thu nhập từ 40-50 triệu đồng từ trồng hoa...
Vẫn còn nỗi lo
Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân ở Ninh Phúc cho biết, đầu tư trồng hoa không đơn giản. Thời tiết thuận lợi, chất lượng giống đảm bảo, hoa nở đẹp, đúng dịp, bán được giá thì người trồng hoa mới có lãi. Tuy nhiên, ở thời điểm này vẫn còn quá sớm để khẳng định sự thành bại của vụ trồng hoa Tết năm nay, nhất là khi gần đây thời tiết bất thường, mùa đông nắng như đổ lửa, sương muối nhiều và năm nay lại nhuận 2 tháng 9 âm lịch...
Chia sẻ về nỗi lo này, bác Vũ Văn Bảng cho biết, năm nay nhuận 2 tháng 9 nên khi mua giống ly về, chất lượng củ đã quá thời gian quy định, đành phải có một số giải pháp để hãm lại sự tăng trưởng của hoa. Các loại hoa ly, cúc gấm phải tiêu thụ trước ngày 20 tháng chạp còn các loại hoa khác cũng cần phải bán trước ngày 25 tháng chạp thì mới đảm bảo. Nếu hoa nở sớm hoặc muộn hơn thì coi như vụ trồng hoa đã thất bại. Chính vì vậy, năm nay việc chăm sóc hoa ly khá phức tạp, qua theo dõi diễn biến quá trình sinh trưởng của hoa, cần phải có kinh nghiệm lâu năm mới có giải pháp chăm sóc thích hợp, nhất là việc điều tiết bằng điện sáng…
Bác Vũ Văn Hải cũng tâm sự: Chẳng hiểu diễn biến thời tiết thế nào, năm nay mùa đông nóng như mùa hè, tôi sợ chất lượng hoa không được tốt. Trồng hoa cúc, chỉ cần mưa nặng hạt kéo dài là thối rễ, dẫn đến chết cây. Mưa lạnh cũng là điều kiện tốt để dịch bệnh phát triển. Năm ngoái, nhiều vườn trồng cúc của các gia đình trồng hoa ở đây cũng bị hư hại nhiều do thời tiết không thuận. Vụ năm nay cũng khó đoán vì chưa mưa nhiều và các đợt rét cũng ít hơn mọi năm...
Bên cạnh nỗi lo về thời tiết, người trồng hoa ở Ninh Phúc còn trăn trở vì năm nay chi phí đầu tư cho giống hoa tăng khoảng 7-10% so với năm ngoái. Ngoài ra, tiền cát, phân bón, ống nước, ni lông, lưới che, giá thuê nhân công... đều cao hơn so với năm ngoái. Tổng chi phí cho 1 sào trồng hoa cao hơn rất nhiều. Nếu thời tiết thuận lợi, hoa nở đúng dịp Tết thì không biết nên bán với giá bao nhiêu để có thu nhập. Nếu bán rẻ thì không có lãi, bán đắt hơn thì sợ ít người mua vì năm nay đời sống của người dân khó khăn hơn so với những năm trước…
Mặt khác, hầu hết các hộ trồng hoa ở Ninh Phúc chủ yếu là sản xuất theo vụ, số vốn bỏ ra không nhỏ. Nhiều gia đình trồng hoa ở đây trước khi vào vụ đã phải đi vay của người thân hoặc ở các ngân hàng để đầu tư mua giống, nhà lưới... Nếu thời tiết thuận lợi, hoa phát triển tốt và bán được giá thì còn có lãi. Nếu thời tiết không thuận lợi, tiêu thụ kém, chất lượng hoa không cao thì coi như mất trắng. Đây cũng là trăn trở, là nỗi lo của nhiều người dân trồng hoa ở làng hoa Ninh Phúc.
Theo Xuân Tứ (baoninhbinh.org.vn)
Từ khóa : Nghề trồng hoa Tết,Ninh Phúc