Nhiều ông lớn trên thế giới giành thị phần khách sạn hạng sang ở Đà Nẵng

(thegioitiepthi.vn) - Báo Nikkei Asian Review ngày 16/3 nêu thành phố biển Đà Nẵng đang là điểm đến du lịch-nghỉ dưỡng hút khách nhất vùng Đông Nam Á. Các tập đoàn khách sạn lớn của phương Tây dồn dập xây khách sạn hạng sang ở đây.

Tờ báo Nhật mô tả Đà Nẵng là thành phố lớn thứ ba của Việt Nam, đang tích cực cạnh tranh với các khu du lịch nghỉ dưỡng tắm biển nổi tiếng nhất của vùng Đông Nam Á. Thành phố này đã “giật lấy” nguồn du khách nước ngoài từng tìm đến hai điểm nghỉ dưỡng Bali của Indonesia và Phuket của Thái Lan.

Đà Nẵng hiện thu hút du khách Hàn Quốc và Trung Quốc với các khách sạn hạng sang và tiện lợi. Thuận lợi lớn chính là sân bay, khu trung tâm thành phố và các bãi biển rất gần nhau. Bảng xếp hạng các điểm đến du lịch của Airbnb (trang web đăng ký nghỉ dưỡng lớn nhất thế giới, đặt trụ sở ở Mỹ) đã xếp Đà Nẵng ở hạng 5 thế giới, và hạng nhất Đông Nam Á.

Nikkei Asian Review nêu lượng khách du lịch đến vùng Đông Nam Á tăng vọt 40 % từ năm 2012 đến 2017, đạt 100 triệu lượt khách/năm. Một trong những điểm đến hấp dẫn du khách là Đà Nẵng nổi tiếng với những bãi biển cát trắng, các khách sạn hạng sang với hồ bơi khổng lồ và các phòng ngủ cao cấp nằm dọc bờ biển. Hồi cuối năm 2018, Hilton Đà Nẵng là khách sạn hiện đại kiểu phương Tây mới nhất, cho phép khách thuê có dịp thưởng ngoạn cảnh mặt trời mọc trên biển Đông. Khách sạn này nằm gần hai khách sạn Hyatt Regency và International.

Tập đoàn khách sạn Accor (Pháp) là “tay chơi” phương Tây đầu tiên đến với Đà Nẵng từ năm 2011, hiện điều hành 5 khách sạn ở đây, gồm khu nghỉ dưỡng Pullman Danang Beach Resort mở cửa từ năm 2013. Ông Fraser Ross, Tổng giám đốc khách sạn Pullman, nói Đà Nẵng đã tăng hơn 15 % số phòng khách sạn so với một năm trước.

Khách sạn hạng sang Pullman Danang Beach Resorth của tập đoàn Accor - Ảnh : Nikkei Asian Review

Nhiều tập đoàn đa quốc gia tìm đến Đà Nẵng, buộc tập đoàn AccorHotels phải nâng cấp khách sạn hạng sang Pullman sau 5 năm hoạt động. AccorHotels rất muốn ngăn chặn đối thủ cạnh tranh Marriott International (Mỹ), vì đơn vị này cũng nhắm vào mục tiêu thu hút khách nhà giàu thuộc khu vực, bằng các chuỗi phòng hạng sang.

Tại Đà Nẵng, Marriott điều hành khách sạn hạng sang Sheraton Grand Danang Resort (mở cửa hoạt động năm 2018) chỉ cách khách sạn Pullman 10 phút xe. Khách sạn Sheraton có tỷ lệ khách nhận phòng cực kỳ cao, khoảng 80 %, theo lời một đại diện của Marriott, vốn hiện điều hành 2 khách sạn trong cuộc chơi tranh khách với AccorHotels.

Khách sạn Sheraton Grand Danang Resort của tập đoàn Marriott - Ảnh : YouTube

Theo Nikkei Asian Review, tập đoàn Accor đã cắm rễ sâu ở Đông Nam Á, có thị phần phòng khách sạn lớn nhất ở Thái Lan, Indonesia và Singapore, và có số phòng nhiều hàng thứ nhì ở Malaysia, theo dữ liệu của công ty nghiên cứu khách SRT (Anh).

Ông Patrick Basset, quan chức AccorHotels phụ trách mảng khách sạn cao cấp ở khu vực này và Đông Bắc Á, nhận định, các nước Đông Nam Á dễ đón nhận Accor hơn Nhật Bản hoặc Trung Quốc, nơi mà Marriott (số 1 thế giới) đã khẳng định sự hiện diện của mình.

Trong khi mở rộng tại khu vực Đông Nam Á, Accor đã được hưởng lợi từ danh mục đầu tư 33 thương hiệu của mình, từ các khách sạn sang trọng Raffles đến chuỗi kinh doanh của ibis. Khi hợp tác với các đối tác Đông Nam Á, tập đoàn ngay lập tức giới thiệu các khách sạn với mức giá mà các đối tác của họ thèm muốn. Điều này cho phép Accor mở cửa nhanh chóng và tăng thị phần. Theo ông Basset, Accor muốn củng cố ưu thế ở thị phần phát triển nhanh này, bằng cách nhân đôi mạng lưới khách sạn lên 600 điểm trong 10 năm tới.

Marriott chuyên về khách sạn siêu sang dự định thách thức Accor bằng cách củng cố các thương hiệu bình thường và mở thêm nhiều khách sạn W Hotels và các phòng nghỉ năm sao khác. Tập đoàn Mỹ sẽ khai trương một khách sạn Aloft ở đảo du lịch nghỉ dưỡng Bali (Indonesia) vào mùa hè này. Chuỗi khách sạn Aloft nhắm vào lượng khách du lịch trẻ.

Marriott được cho là chiếm một nửa số khách sạn ở Đông Nam Á như Accor, và tập đoàn này đã mua lại Starwood Hotels & Resorts Worldwide hồi năm 2016. Động thái này đem các thương hiệu như Sheraton (đang thành công ở châu Á) về dưới tay tập đoàn. Marriott còn dự tính sẽ sớm mở hoạt động ở Myanmar cùng các thị trường đang nổi khác.

Các “tay chơi” khu vực cũng thụ hưởng một sự hiện diện mạnh, như Archipelago International và Santika Indonesia Hotels & Resorts xếp hạng nhì và hạng ba ở Indonesia, sau Accor. Tại Philippines, Shangri-La Hotels and Resorts (Hồng Kông) dẫn đầu và kế tiếp là một công ty Thái Lan.

Ông Basset nói châu Á mỗi năm tiếp đón 350 triệu lượt khách du lịch, và mỗi năm tăng 6 %, đây là vùng tăng trưởng cao. Số phòng khách sạn mà Accor có ở châu Á chiếm 30 % trong tổng số phòng của tập đoàn. Đa phần khách sạn của tập đoàn này là ở châu Âu, và Accor có ý định xây thêm nhiều khách sạn nữa ở Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á.

Accor cũng có kế hoạch xây thêm khách sạn ở Nhật Bản, nơi ngành du lịch đang mở rộng. Tập đoàn đã khai trương khách sạn Pullman Tokyo Tamachi hồi năm 2018, và trong tháng 4 tới sẽ khai trương một gian triển lãm ở khách sạn Sofitel tại cố đô Kyoto của Nhật Bản.

Tại Trung Quốc, Accor lên kế hoạch mở rộng sự hiện diện bằng cách liên kết với các công ty địa phương.

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : ông lớn, thị phần, khách sạn, hạng sang, Đà Nẵng