Cói mỹ nghệ Kim Sơn: Nâng tầm giá trị

Dù đã xuất khẩu đi 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới nhưng sản phẩm cói Kim Sơn (Ninh Bình) vẫn chưa phát triển mạnh do chưa có nhãn hiệu tập thể. Trước thực tế này, Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình đã phối hợp với Trung tâm Phát triển doanh nghiệp nông thôn Việt (VietED) thực hiện Dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cói mỹ nghệ Kim Sơn.

Doanh thu từ chế biến cói của Kim Sơn ước đạt trên 200 tỷ đồng mỗi năm

Ông Dương Tự Hào- cán bộ phụ trách dự án - cho biết: Khó khăn nhất đối với làng nghề hiện nay là sản phẩm chưa được sự đón nhận của người dân trong nước. Hầu hết sản phẩm làm ra đều được xuất khẩu sang các nước châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, thông qua công ty đầu mối thu gom trực tiếp từ các cơ sở sản xuất của người dân. Vì vậy, sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài lại được gắn với thương hiệu của công ty xuất khẩu. Điều này khiến thương hiệu của làng nghề Kim Sơn không được người tiêu dùng biết đến, có nguy cơ mất chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Theo Hiệp hội cói Ninh Bình, hiện nay 100% làng, xã ở Kim Sơn đều tham gia chế biến cói, với hơn 5.000 doanh nghiệp, cơ sở và hộ cá thể tham gia trồng cói. Mỗi năm, doanh thu từ chế biến cói ước đạt trên 200 tỷ đồng, tăng thu nhập cho 23.250 lao động địa phương.Sở dĩ, cói mỹ nghệ của Kim Sơn được thị trường, nhất là thị trường nước ngoài ưa chuộng vì sản phẩm được làm bằng nguyên liệu thiên nhiên, thân thiện với môi trường, bền đẹp, đa dạng về kiểu dáng, màu sắc mà giá thành lại rẻ. Tuy nhiên, nhiều năm nay, cói Kim Sơn vẫn chưa thể phát triển thành thương hiệu thủ công mạnh do chưa có nhãn hiệu tập thể. Trước thực tế này, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã phối hợp với VietED thực hiện Dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cói mỹ nghệ Kim Sơn. Trong thời gian 22 tháng (từ tháng 8/2013- 5/2015), dự án tập trung vào việc xác lập quyền sử dụng đối với nhãn hiệu tập thể “Cói mỹ nghệ Kim Sơn” dùng cho các sản phẩm làm từ cói huyện Kim Sơn; thiết lập và vận hành mô hình quản lý nhãn hiệu tập thể trên thực tế với mô hình thí điểm; nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, tạo lập và phát triển các kênh thương mại nhằm đảm bảo tính ổn định của đầu ra cho sản phẩm. Khi tham gia dự án, người trồng, chế biến, sản xuất cói được hướng dẫn, giám sát thực hiện từ quy trình sản xuất đến khi đưa sản phẩm ra thị trường, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Người sản xuất sử dụng logo, tem, nhãn sản phẩm, ký hiệu, nhận biết sản phẩm nhãn hiệu tập thể, đồng thời được giúp tiêu thụ sản phẩm thông qua các kênh thương mại do dự án xây dựng và phát triển. Ngoài ra, các sản phẩm cói mỹ nghệ mang nhãn hiệu tập thể Kim Sơn sẽ được pháp luật bảo vệ khi thương hiệu cói Kim Sơn bị vi phạm. Đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước sẽ được mua sản phẩm có chất lượng theo từng dòng đã quy định, sản phẩm được đảm bảo bằng các hệ thống hay các ký hiệu nhận diện, các tiêu chí về chất lượng đặc trưng của từng sản phẩm.“Khi nhãn hiệu tập thể “cói mỹ nghệ Kim Sơn” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ chắc chắn uy tín và khả năng cạnh tranh của sản phẩm cói mỹ nghệ Kim Sơn trên thị trường trong nước và quốc tế được nâng cao” – ông Hào cho biết.

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Ninh Bình đã thực hiện nhiều đề án hỗ trợ cho vùng trồng và chế biến cói ở Kim Sơn như mở lớp đào tạo nghề; hỗ trợ thiết kế mẫu mã cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ... Qua đó, giúp người lao động có tay nghề khẳng định được vị thế trong xã hội.


Theo Thanh Tâm (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : Cói mỹ nghệ Kim Sơn,làng nghề