Thu hút FDI: Công bằng chính là sự hấp dẫn bền vững
(Chinhphu.vn) - Việt Nam hiện đã có quan hệ kinh tế-thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, là thành viên của nhiều tổ chức thương mại quan trọng ở khu vực và trên thế giới.
(Chinhphu.vn) - Việt Nam hiện đã có quan hệ kinh tế-thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, là thành viên của nhiều tổ chức thương mại quan trọng ở khu vực và trên thế giới.
Theo bà, kết quả thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) được nêu trong Nghị quyết 22 nên được nhìn nhận ra sao?
Bà Phạm Chi Lan: Việt Nam được xem là điển hình khá thành công trong thu hút FDI ở giai đoạn vừa qua, nhưng cũng đang phải giải quyết hàng loạt vấn đề liên quan. Chúng ta vẫn chưa đạt được mục tiêu thu hút FDI để học hỏi về công nghệ. Sức lan tỏa của khối FDI đến khu vực doanh nghiệp (DN) trong nước cũng vẫn còn hạn chế. DN FDI hầu như phát triển tách biệt với DN trong nước hoặc chỉ dùng những sản phẩm, dịch vụ rất sơ đẳng từ nhà cung cấp Việt Nam, còn lại đầu vào vẫn chủ yếu nhập khẩu. Các sự cố về môi trường ở khu vực FDI vẫn xuất hiện. Tình trạng DN FDI né thuế hay chuyển giá vẫn là dấu hỏi lớn.
Tôi được biết, Bộ KH&ĐT đang chuẩn bị trình Chính phủ, để sau đó trình ra Quốc hội các điều chỉnh liên quan tới đầu tư nước ngoài. Trong đó, chính sách không chỉ tập trung vào thu hút FDI có trình độ công nghệ cao, mà còn đòi hỏi nhiều hơn về các yếu tố liên quan đến bảo vệ môi trường, về tính lan tỏa tới nền kinh tế, cũng như hạn chế tình trạng chuyển giá.
Phải khẳng định rằng Việt Nam vẫn rất cần phải thu hút đầu tư nước ngoài. Bởi ngay cả ở những nước tiên tiến nhất như Mỹ, Nhật Bản… thì chính sách thu hút FDI vẫn rất quan trọng. Việt Nam lại là nước đang phát triển, và đang rất cần bước vào giai đoạn phát triển mới - giai đoạn dựa trên khoa học, công nghệ để tạo ra những đột phá về năng suất lao động. Vì vậy, càng phải tiếp tục cố gắng thu hút FDI.
Nếu Việt Nam “làm căng” với hiện tượng chuyển giá có phần nào khiến cho tính hấp dẫn trong thu hút FDI giảm đi?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi không cho là như vậy. Tôi nghĩ thiết kế chính sách thu hút đầu tư nước ngoài tới đây sẽ theo chủ trương “ưu đãi cho FDI không cao hơn các DN trong nước”. Theo đó, các nhà đầu tư không phân biệt quốc tịch Việt Nam hay nước ngoài, nếu rót vốn vào những lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên, hoặc dự án có trình độ công nghệ cao, thân thiện môi trường… cũng sẽ được hưởng ưu đãi như nhau.
Ngoài ra, trong mọi quan hệ thương mại, đừng e ngại Việt Nam làm như vậy thì sẽ ảnh hưởng tới các cam kết quốc tế, vì từ WTO trở đi có nguyên tắc “đối xử quốc gia” (National Treatment). Tức nhà đầu tư nước ngoài khi rót vốn vào một quốc gia thành viên sẽ được phần ưu đãi không kém hơn mức các nhà đầu tư trong nước đang hưởng.
Tôi tin rằng sự bình đẳng, công bằng chính là tính hấp dẫn lâu dài và bền vững của một môi trường đầu tư.
Nghị quyết 22 cũng nói rõ “gắn thu hút đầu tư với giám sát quá trình thực thi”. Theo bà, từ kết quả cụ thể hóa chủ trương này chúng ta nên tiếp tục thực hiện ra sao?
Bà Phạm Chi Lan: Trước hết, tôi nghĩ cần xem lại phân cấp về quyết định đầu tư. Hiện chúng ta đang thực hiện phân cấp cho các địa phương là chính. Nhưng theo tôi, không phải địa phương nào cũng đủ trình độ để thẩm định và quyết định dự án. Do đó, tôi cho rằng những dự án hoặc có quy mô lớn, hoặc có rủi ro lớn về môi trường, hoặc có trình độ công nghệ cao hay sử dụng nhiều tài nguyên (đất đai, điện, nước…) đều phải do chính quyền Trung ương, nơi đủ năng lực tập hợp đội ngũ chuyên gia thẩm định và trực tiếp ra quyết định đầu tư, thay vì để địa phương “tự quyết”.
Bên cạnh đó, dù tạm gác lại những tranh cãi về lợi ích ngầm thì tôi vẫn e ngại nhất là tình trạng các địa phương trong lúc quá “khao khát” cạnh tranh thu hút FDI để có được thành tích mà bất chấp hơn-thiệt chung của cả nền kinh tế, làm ảnh hưởng đến môi trường, xã hội…
Giải pháp ứng xử với thu hút FDI mà tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện năm 2018 có thể xem là một cách làm hay cần được các địa phương “tham chiếu”. Tại đây, sau cuộc hội thảo để lắng nghe ý kiến từ đại diện 7 tỉnh thành liên quan và nhiều chuyên gia về kinh tế, môi trường, Vĩnh Phúc đã từ chối một dự án FDI về dệt nhuộm trị giá hơn 300 triệu USD vì e ngại rủi ro có thể xảy đến với nguồn nước sông ở khu vực hạ lưu. Đây là quyết định đầy dũng cảm cần được nhân rộng.
Với những dự án do “lịch sử để lại”, nếu vi phạm các quy định cơ bản và quan trọng tại pháp luật Việt Nam thì vẫn cần kiên quyết xử lý tới nơi, tới chốn, thậm chí có thể dừng luôn dự án để tránh vướng phải hệ lụy lâu dài.
Gắn thu hút đầu tư nước ngoài với đảm bảo an ninh kinh tế cũng là một nội dung đã được khẳng định tại Nghị quyết 22. Những năm qua có thể nói rất nhiều chỉ số vĩ mô về kinh tế, tài chính, tiền tệ của Việt Nam đã chuyển biến theo hướng tích cực. Còn khía cạnh nào khác mà một nhà đầu tư ngoại nên hiểu về mục tiêu này không, theo bà?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ nhà đầu tư cũng cần hiểu thêm rằng để “đảm bảo an ninh kinh tế”, Việt Nam luôn nói rõ lĩnh vực nào cho phép FDI tham gia, lĩnh vực nào Việt Nam cương quyết từ chối để Nhà nước nắm quyền kiểm soát. Nếu đó là dự án có nguy cơ, rủi ro xâm phạm tới lợi ích chung của xã hội, của cả nền kinh tế thì ngay cả DN trong nước cũng bị khước từ.
Việt Nam đã từng cương quyết dừng xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vì những ưu tiên cấp thiết hơn cho đầu tư các cơ sở hạ tầng đồng bộ khác. Nói “không” với một dự án đã tốn kém khá nhiều thời gian và kinh phí cho công tác chuẩn bị nên được xem là quyết định đáng hoan nghênh, thể hiện trách nhiệm đối với tương lai của đất nước.
Tương tự, tôi tin là quan điểm quản lý này cũng sẽ được áp dụng triệt để trong thu hút FDI tới đây.
Cũng tại chủ trương về thu hút FDI, Nghị quyết 22 nhấn mạnh mục tiêu thu hút FDI phải bảo đảm cả hiệu quả kinh tế-xã hội-môi trường. Có vì “đa mục tiêu” mà Việt Nam có vẻ “chậm nhịp” hơn so với tiềm năng không, thưa bà?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ cân bằng giữa 3 mục tiêu trên là chủ trương đúng đắn cho dù điều đó có thể khiến chúng ta phải chậm lại và đối mặt với nguy cơ “già trước khi giàu”. Một công dân không thể vì muốn giàu mà làm điều bất chính, một quốc gia cũng không thể làm giàu bằng mọi giá. Về mặt quản lý Nhà nước, càng cần quan tâm hơn tới phát triển bền vững và phát triển bao trùm, để tất cả mọi người dân cùng hưởng lợi, để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Nếu không cân bằng 3 mục tiêu trên thì dễ xảy ra tình trạng chỉ một nhóm thiểu số, hay một khu vực kinh tế nhỏ hẹp nào đó được hưởng lợi, còn số đông, môi trường và xã hội phải chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Tôi nghĩ ở điều kiện của Việt Nam, khi đặt vấn đề về thu hút FDI thì yêu cầu về an ninh quốc phòng cũng lớn không kém. Theo thông lệ ứng xử của thế giới, trong những thời điểm các bên có căng thẳng thì nước chủ nhà thường từ chối các đề xuất đầu tư từ phía bên kia nếu xét thấy đó là những dự án có thể gây ra quan ngại về an ninh-quốc phòng.
Xin cám ơn bà về những chia sẻ trên!
Phương Hiền (thực hiện)
Theo baochinhphu.vn
Từ khóa : FDI