Những doanh nhân tài thành đạt sinh năm 1975
(thegioitiepthi.vn) - 44 năm sau ngày đất nước thống nhất là khoảng thời gian đủ dài để hình thành một thế hệ với những định hướng mới và cả những suy nghĩ mới về kinh tế. Trong đó, những doanh nhân sinh năm 1975, đã và đang không ngừng nỗ lực để khẳng định mình. Xin giới thiệu một số người như thế...
Ông Trịnh Văn Quyết và giấc mơ hàng không 5 sao
Ông Trịnh Văn Quyết (sinh ngày 27/11/1975), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Tổng Giám đốc Công ty Luật SmiC, và là nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways.
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC. Ảnh: Tiến Chương.
Là một trong những gương mặt doanh nhân đáng chú ý nhất ở thời điểm hiện tại, ông Quyết được biết đến là người có khát vọng kinh doanh mạnh mẽ. Ngay từ khi còn là sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội, ông đã thành lập văn phòng gia sư, sau đó là mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh điện thoại.
Năm 24 tuổi, ông Quyết thành lập Công ty Cổ phần Vietnam Trade Corp, kinh doanh trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Tiếp đó, ông mở công ty chuyên về tư vấn và giám sát đầu tư, lấy tên là SMiC, rồi mở tiếp Văn phòng luật SMiC (2001). Đến năm 2008, ông Quyết thành lập công ty quan trọng nhất của mình - Công ty TNHH Đầu tư Trường Phú Fortune, với vốn điều lệ ban đầu là 18 tỷ đồng. Đơn vị này sau đó đổi tên là FLC Group.
Quý IV/2011, FLC Group chính thức niêm yết trên sàn HNX. 1 năm sau, công ty tiến hành sáp nhập FLC Land, tăng vốn điều lệ từ 170 tỷ lên 772 tỷ đồng. Kể từ đó, FLC mở rộng đầu tư bất động sản bằng việc thâu tóm và phát triển một loạt dự án tại Hà Nội cũng như xây dựng những khu nghỉ dưỡng có tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng tại các địa phương khác.
Chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm, từ một công ty nhỏ, FLC vươn lên thành "đại gia" trên thị trường bất động sản. Đồng thời, ông Trịnh Văn Quyết cũng trở thành một trong những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Gần đây, cá nhân ông Quyết và Tập đoàn FLC tiếp tục thu hút sự chú ý của giới đầu tư - kinh doanh khi hãng hàng không Bamboo Airways chính thức thức cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên trong những ngày đầu năm 2019. Không hề giấu giếm mục tiêu của mình khi chia sẻ cùng phóng viên Báo NTNN, ông Trịnh Văn Quyết tự tin bày tỏ: “5 năm tới, tôi kỳ vọng Bamboo Airways sẽ trở thành hãng hàng không 5 sao, phục vụ tốt nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế. Quốc tế sẽ biết tới Bamboo Airways với tư cách một hãng hàng không 5 sao của Việt Nam”.
Theo ông Quyết, Bamboo Airways chắc chắn sẽ đóng góp đáng kể cho sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Số lượng du khách quốc tế tới với Việt Nam sẽ tăng trưởng đột biến trong năm 2019 và các năm tiếp theo.
Tự tin lựa chọn mô hình Hybrid - một mô hình khá mới mẻ, kết hợp giữa hàng không truyền thống (đầy đủ dịch vụ) và hàng không chi phí thấp (dịch vụ có cắt giảm), lãnh đạo Bamboo Airways kỳ vọng mô hình này sẽ giúp hãng có thể chiếm khúc thị phần nằm giữa Vietnam Airlines và Vietjet Air. Điều này được thể hiện qua việc Bamboo Airways tuyên bố lựa chọn tập trung vào các đường bay "ngách" đi các tỉnh thay vì chen chân vào đường bay Hà Nội - TP.HCM, sân chơi chính của Vietnam Airlines và Vietjet Air.
Ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav. Ảnh: Hoàng Thắng.
Bphone và triết lý khác biệt của ông Nguyễn Tử Quảng
Hai lần phóng viên Báo NTNN có dịp trò chuyện cùng CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng, không khó để nhận ra vị doanh nhân sinh năm 1975 này là một con người chân tình và cởi mở. Trong thâm tâm ông luôn tồn tại một khát khao cháy bỏng, thậm chí đến mức… máu lửa về việc tạo ra một sản phẩm có giá trị dành cho người Việt Nam.
Theo thống kê, trong số 500 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tổng tài sản của những doanh nhân sinh năm 1975 đang chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 20% tổng số tài sản top 500, tương ứng giá trị hơn 34.000 tỷ đồng.
Từ một dự án nhỏ tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, ông Nguyễn Tử Quảng cùng những cộng sự của mình đã đưa Bkav phát triển, trở thành một doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam với khoảng 1.500 nhân viên.
Sự kiện đánh dấu bước phát triển của Tập đoàn Bkav là việc Bkav chính thức được thương mại hóa với các phiên bản phần mềm diệt virus BkavPro, BkavEnterprise và BkavGatewayScan. Song cũng từ sau những sự kiện đó, mỗi lỗi nhỏ của sản phẩm cũng như những phát ngôn của ông Nguyễn Tử Quảng đều chịu cái nhìn vô cùng khắt khe của cộng đồng mạng cũng như giới truyền thông trong nước.
Đặc biệt, sau khi Bkav ra mắt 2 mẫu điện thoại Bphone 1 và Bphone 2 với những phát ngôn gắn với từ "chất" và "tuyệt vời", nhưng không đạt được thành công về doanh thu, biệt danh Quảng “nổ” dường như đã gắn chặt với CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng.
Chia sẻ với người viết, ông Quảng cho biết, khi quyết định làm điện thoại, tiền không phải là vấn đề được ông đặt ra đầu tiên, mà hướng đến cái lớn hơn, đó là làm ra sản phẩm hữu ích cho xã hội, làm vì đam mê. “Nếu làm bất cứ sản phẩm gì mà đặt ra bao nhiêu năm có lãi, nếu không thành công sẽ chán nản ngay. Còn một khi đã làm vì đam mê, vì hữu ích thì việc chưa có lãi chỉ là công việc phải làm trong tương lai mà thôi” - ông Quảng chia sẻ.
Trong vòng 8 năm, chi phí cho Bphone hết khoảng 500 tỷ đồng. Nhiều người thấy 500 tỷ đồng là khoản tiền lớn nhưng với ông Quảng, nếu xét tới mục đích để Việt Nam có một nền công nghiệp sản xuất smartphone và rộng hơn nữa là nước ta có một nền công nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ, thì số tiền đó lại quá nhỏ bé. “Mọi người cứ nghe dự án nghìn tỷ hay chục nghìn tỷ rất nhiều, nhưng tại sao mọi người vẫn rất để ý tới dự án của Bkav dù chỉ 500 tỷ đồng thôi. Chắc chắn đó là khát khao, niềm tự hào của người Việt muốn có một sản phẩm công nghệ tự mình làm ra” - ông Quảng nói.
Mới đây, Tập đoàn công nghệ Bkav đã tiến hành bán cổ phần nội bộ của Bkav Pro, một doanh nghiệp chuyên về phần mềm diệt virus. Đây là bước chuẩn bị cho kế hoạch lên sàn chứng khoán vào năm 2020. Dù hoạt động theo hình thức công ty cổ phần nhưng có đến 95% cổ phần Bkav thuộc về cá nhân ông Nguyễn Tử Quảng.
Ngoài công ty Bkav Pro được định giá lên đến 1.500 tỷ đồng, các công ty con khác của Bkav cũng được đánh giá là rất có tiềm năng khi xu hướng kết nối mạng mạnh mẽ hơn như an ninh mạng, nhà thông minh, phần mềm dịch vụ như chữ ký số, kê khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội qua mạng... Do vậy, ước tính tài sản của cá nhân ông Nguyễn Tử Quảng có thể lên đến nhiều ngàn tỷ đồng.
Ông Hoàng Việt Anh. Ảnh: IT.
Phó Tổng Giám đốc FPT Hoàng Việt Anh và cú nhảy vào “biển lửa”
“Tháng 10/1993, khi còn là sinh viên năm thứ ba Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nghe bạn bè bảo làm việc ở FPT có máy tính, được thực tập thỏa sức và chơi game miễn phí, thế là tôi liền nộp đơn xin việc” - ông Hoàng Việt Anh từng chia sẻ như vậy về quyết định gia nhập FPT.
Ông Hoàng Việt Anh được đánh giá là thế hệ cao thủ “đời thứ hai” của ngành phần mềm FPT. Năm 1998, lần đầu tiên FPT tổ chức thi Trạng nguyên và vị CEO sinh năm 1975 này đã ghi tên mình trên bảng Vàng giải thưởng. Còn chú rùa có gắn tên ông Hoàng Việt Anh sau đó được trưng bày tại Bảo tàng FPT.
Năm 1999, khi FPT tiến vào “kỷ nguyên” xuất khẩu phần mềm bằng làn sóng toàn cầu hóa lần thứ nhất, chàng tân binh với 3 năm kinh nghiệm Hoàng Việt Anh xung phong nhảy vào “biển lửa” để thử sức và cũng bởi “nghe nói làm xuất khẩu phần mềm được đi đây đi đó”.
Trong giai đoạn 2004-2006, với ý tưởng từng được xem là điên rồ: “Cung cấp dịch vụ và triển khai chuyển đổi ứng dựng trên các nền tảng khác nhau sang nền tảng Microsoft”, ông Hoàng Việt Anh cùng đồng nghiệp đã tạo ra một thành tích mới cho lĩnh vực xuất khẩu phần mềm của FPT. Lần đầu tiên, FPT làm tổng thầu tại thị trường nước ngoài với dự án cho khách hàng Petronas tại Malaysia trị giá 6,5 triệu USD. Dự án đã thành công xuất sắc với sự tham gia của gần 350 người trong khoảng gần 2 năm. Đồng thời, đẩy doanh số của Đơn vị Phần mềm Chiến lược số 1 (FSU1, phụ trách các thị trường nói tiếng Anh và một phần Nhật Bản), lên mức 37% toàn FPT Software.
Mới đây, tại đại hội cổ đông năm 2019, FPT đã ra mắt đội ngũ ban lãnh đạo mới bao gồm rất nhiều lãnh đạo trẻ tuổi. Đó là Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc tài chính Nguyễn Thế Phương, 42 tuổi; Phó Tổng Giám đốc Hoàng Việt Anh, 44 tuổi; Giám đốc công nghệ Lê Hồng Việt, 38 tuổi; Giám đốc CDS Trần Huy Bảo Giang, 36 tuổi.
Những người giàu có tuổi Ất Mão
Bên cạnh ông Trịnh Văn Quyết, một số doanh nhân khác sinh năm 1975 (Ất Mão) cũng nằm trong danh sách 500 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam như ông Lê Hồng Thắng (sinh ngày 27/7/1975) - thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến Gỗ Đức Thành (GDT). Ông Thắng là người thứ 3 trong dòng họ Lê ngồi vào chiếc ghế Tổng giám đốc, sau người cha cũng là nhà sáng lập và người chị là bà Lê Hải Liễu. Với việc sở hữu hơn 1,56 triệu cổ phiếu GDT, tương đương 10,5% vốn điều lệ, giá trị tài sản đạt 62,42 tỷ đồng, ông Thắng xếp thứ 476 trong danh sách những người giàu nhất thị trường chứng khoán.
Bà Huỳnh Thị Mai Dung (sinh ngày 6/7/1975), từng tốt nghiệp cử nhân ngành quản trị Kinh doanh, hiện là thành viên HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (API) và Công ty cổ phiếu Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (APS). Bà Dung hiện nắm giữ hơn 4,35 triệu cổ phiếu CSC, 840.000 cổ phiếu APS, 999.000 cổ phiếu API; giá trị tài sản đạt 70,95 tỷ đồng, xếp thứ 436 trong danh sách người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam.
GS - TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài: Quan trọng nhất là môi trường kinh doanh
Điều quan trọng nhất với doanh nghiệp, doanh nhân là môi trường kinh doanh. Người Việt Nam trước đây ở trong môi trường được bao cấp, chỉ cho phép kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể phát triển, đã làm thui chột tất cả động cơ phát triển cá nhân, sáng kiến kinh doanh mới của những muốn kinh doanh, muốn làm giàu cho mình và xã hội. Từ khi có kinh tế thị trường nghĩa là có kinh tế tiền tệ, có kinh tế tiền tệ nghĩa là có sự cạnh tranh. Những con người có hoài bão, ý chí, khát vọng làm giàu, biết tranh thủ thời cơ trở nên giàu có. Từ đó, họ tạo ra công ăn việc làm, đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế đất nước.
Vậy nên, chúng ta phải tạo điều kiện để những người dám làm giàu, dám kinh doanh có điều kiện tốt nhất phát triển. Ở Mỹ, họ không ngăn cấm bất kỳ cá nhân nào làm giàu mà chỉ hỗ trợ cho các cá nhân làm giàu. Đó là lý do nước Mỹ là nơi có nhiều tỷ phú nhất trên thế giới.
Trong một lần tôi trò chuyện với doanh nhân Trịnh Văn Quyết, ông ấy kể rằng, vào thời kỳ khủng hoảng kinh năm 2008, thời cơ kinh doanh chỉ tới chậm khoảng 5 - 6 tháng, chắc chắn doanh nghiệp của ông sẽ phá sản, không thể có Tập đoàn FLC ngày hôm nay. Song ở thời điểm đó, nhờ sự nhanh nhạy hơn người khác, ông Quyết đã vượt qua được rủi ro phá sản, dần tích luỹ được vốn và mở rộng kinh doanh. Khi thị trường chứng khoán dần phát triển trở lại, ông ấy đã mở công ty chứng khoán, đặt nền móng phát triển như hiện nay.
Câu chuyện thành công của các doanh nhân trẻ như ông Trịnh Văn Quyết, Nguyễn Tử Quảng, Trần Uyên Phương mang lại một thông điệp: “Phải có thêm nhiều tập đoàn kinh tế lớn”.
PGS - TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế: Thế hệ doanh nhân trẻ rất tự tin, dám đương đầu thách thức
Thành công của các doanh nhân sinh năm 1975 nói riêng như Trịnh Văn Quyết, Nguyễn Tử Quảng... và thế hệ doanh nhân trẻ nói chung tới từ hai nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nguyên nhân khách quan là môi trường kinh doanh ngày càng thay đổi theo hướng tốt hơn. Còn nguyên nhân chủ quan là thế hệ doanh nhân trẻ hiện nay rất tự tin, dám đương đầu với thách thức mới trong quá trình kinh doanh.
Bên cạnh việc vận dụng hợp lý những kiến thức của bản thân, các doanh nhân trẻ còn có phương thức quản trị nhân sự mới, phát huy tối đa năng lực của nhân viên dưới quyền. Đồng thời, họ cũng là những người biết lắng nghe ý kiến tư vấn từ đội ngũ chuyên gia, cố vấn và thận trọng mỗi khi đưa ra quyết định. Trong vấn đề đầu tư, 3 yếu tố là tính thanh khoản, tỷ lệ rủi ro, pháp lý luôn được các doanh nhân trẻ thành công tính toán kỹ lưỡng. Thực tế hiện nay dù khu vực kinh tế tư nhân đã trở thành “một động lực quan trọng của nền kinh tế”, song việc cắt giảm bãi bỏ điều kiện kinh doanh hiện nay ở nhiều nơi vẫn mang tính chất hình thức. Nhiều quy định vẫn còn chung chung, không rõ ràng, cụ thể, như yêu cầu “phải phù hợp”, “phải đủ”, “phải có đạo đức tốt”, “phải có trình độ”, “phải sạch sẽ”, “phải thoáng mát”… Những quy định chung chung đó đang gây khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí doanh nghiệp nói là cài cắm câu chữ để bẫy doanh nghiệp.
Để có thêm nhiều doanh nhân trẻ thành công hơn nữa, tôi mong muốn cơ quan quản lý hãy nhanh chóng tháo gỡ những rào cản, điều kiện kinh doanh bất hợp lý, tạo ra môi trường kinh doanh công bằng, cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
B.K.T (ghi)
Theo thegioitiepthi.vn
Từ khóa : doanh nhân, thành đạt