Nghề kim hoàn Châu Khê
Làng Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương xưa nay nổi danh cả nước với nghề chế tác kim hoàn. Và cũng nhờ cái nghề truyền thống này mà Châu Khê đang “thay da đổi thịt” từng ngày.
Lần giở lại lịch sử nghề kim hoàn Châu Khê, ông Nguyễn Duy Thích, một nghệ nhân lâu năm của làng nghề kể rằng, vào thế kỉ XV, thời vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497), quan Thượng thư Bộ lại Lưu Xuân Tín được vua cho phép lập một xưởng đúc bạc nén nên đã đưa người làng Châu Khê về kinh đô Thăng Long để làm thợ đúc tiền. Trải qua thời gian, xưởng đúc tiền đã kiêm luôn cả nghề chế tác vàng bạc và chẳng mấy chốc trở thành địa chỉ chế tác kim hoàn nổi tiếng đất kinh kì. Từ đó, dân làng Châu Khê suy tôn quan Thượng thư Lưu Xuân Tín là tổ nghề kim hoàn Châu Khê.
Các cụ cao niên trong làng cho biết, nhờ có chính sách đổi mới, động viên nhân dân mở mang phát triển nghề truyền thống của nhà nước, nên mấy năm nay nghề kim hoàn ở Châu Khê phát triển rất mạnh.
|
Nghề thủ công vàng bạc Châu Khê được lưu truyền qua nhiều thế hệ. |
|
|
|
Một số sản phẩm trang sức đặc trưng của Châu Khê. |
|
Kĩ thuật hàn dây chuyền bằng máy hàn hiện đại. |
|
Kĩ thuật tết dây chuyền bằng phương pháp thủ công. |
|
Chị Phạm Thị Bình chế tác đồ trang sức bằng máy của Ý. |
|
Nghệ nhân Nguyễn Duy Thích truyền nghề cho con cháu. |
|
Nghệ nhân kim hoàn Châu Khê Nguyễn Duy Thích thành kính trước bàn thờ tổ nghề. |
Hiện cả làng có tới 99% hộ gia đình làm nghề với hàng nghìn tay thợ kim hoàn được đào tạo nâng cao, tiếp cận khoa học công nghệ mới, trong đó 2/3 đạt thợ giỏi. Làng kim hoàn Châu Khê cũng đã hình thành được 1 hợp tác xã và 3 chi hội kim hoàn ở Hải Dương, Hà Nội và Hải Phòng. Hơn 100 hộ làm nghề kim hoàn có tiềm lực ở Châu Khê đã đầu tư mở công ty, xưởng chế tác và cửa hiệu kinh doanh vàng bạc ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Ngay như ở Hà Nội hiện cũng có khoảng 60 xưởng và cửa hàng vàng bạc do người làng Châu Khê làm chủ. Điển hình như trường hợp chị Phạm Thị Bình, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân chế tác vàng trang sức Tú Bình ở phố Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bằng kinh nghiệm nghề truyền thống được cha mẹ truyền dạy cho từ bé, cùng với khả năng nhanh nhạy, liên tục cập nhật kiến thức mới từ các nước có nghề kim hoàn phát triển trên thế giới như Ý, Pháp… chị Bình đã nhanh chóng tạo dựng được uy tín cho doanh nghiệp của mình bằng nhiều sản phẩm vàng trang sức có mẫu mã và kĩ thuật tinh xảo đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Sản phẩm kim hoàn của Châu Khê phong phú, đa dạng với nhiều kiểu dáng, mẫu mã và chất liệu như bạc, vàng tây, vàng ta, vàng trắng, đá quý, kim cương…. Đặc biệt, sản phẩm vàng trang sức Châu Khê luôn hấp dẫn khách hàng nhờ có sự kết hợp tinh tế giữa cách làm thủ công truyền thống với công nghệ hiện đại.
Anh Hoàng Đình Dương, chủ nhiệm Hợp tác xã mĩ nghệ kim hoàn Châu Khê cho biết, đối với thợ Châu Khê, dù sản xuất - chế tác, mở cửa hiệu kinh doanh ở quê nhà hay bất cứ nơi đâu cũng đều có ý thức giữ gìn bản sắc nghề truyền thống của cha ông xưa. Người thợ Châu Khê luôn nghiêm khắc với bản thân, giữ chữ tín với khách hàng. Chính vì thế mà những đức tính “trung thực, nhạy cảm, tinh tế, cẩn thận, gọn gàng, kiên trì, tài ba và lịch thiệp” từ lâu đã trở thành một bản sắc rất riêng trong văn hóa kinh doanh và sản xuất của người thợ kim hoàn Châu Khê. Nhờ đó mà sản phẩm vàng bạc Châu Khê hiện đã có mặt trong các cửa hàng vàng bạc mĩ nghệ trong nước và thế giới, góp phần làm rạng danh cho tên tuổi của làng nghề.
Theo ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Thúc Kháng, phát triển kinh tế nghề truyền thống hiện đang là chủ trương và thế mạnh của địa phương. Nhờ đó, GDP của xã thu nhập từ nghề chiếm 2/3, cả xã có 2 làng nghề được công nhận làng nghề thủ công, riêng làng Châu Khê có 19 nghệ nhân được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Quốc gia và làng còn là điểm du lịch cho nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Hàng năm, cứ vào ngày 19 tháng Giêng (âm lịch), làng nghề Châu Khê lại nô nức vào hội xuân và lễ giỗ tổ nghề vàng bạc Châu Khê. Đây là dịp để mỗi người Châu Khê hướng về cội nguồn và biết ơn tổ nghề, đồng thời cũng là dịp giới kim hoàn Châu Khê có cơ hội giao lưu, quảng bá về nghề truyền thống của mình, để nghề vàng bạc ngày càng phát triển mạnh./.
Theo Thục Hiền - Trịnh Văn Bộ (vietnam.vnanet.vn)
Từ khóa : làng nghề,kim hoàn Châu Khê