Lĩnh vực bất động sản hưởng lợi gì từ nền kinh tế chia sẻ?
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ với nhiều giải pháp khuyến khích sự phát triển các hoạt động kinh tế chia sẻ, hướng tới một nền kinh tế số, trong đó có lĩnh vực bất động sản.
Lợi ích của nền kinh tế chia sẻ với bất động sản
Kinh tế chia sẻ đang là xu hướng mới song hành cùng cuộc cách mạng về công nghệ 4.0 và trở thành một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế số, là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nhân, doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp tại nhiều quốc gia. Hiện nền kinh tế chia sẻ đang làm thay đổi sự vận hành của nhiều mô hình kinh doanh, trong đó có lĩnh vực bất động sản (BĐS) tại Việt Nam.
Mô hình kinh tế chia sẻ không gian làm việc chung (co-working space) có nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới |
Theo ông Simon Smith - Trưởng bộ phận Nghiên cứu châu Á Thái Bình Dương của Savills, nền kinh tế chia sẻ thường được định nghĩa là “Một hệ thống kinh tế trong đó tài sản hoặc dịch vụ được chia sẻ giữa các cá nhân, có thể miễn phí hoặc tính phí, thường là qua internet”. Các nhà đầu tư BĐS chủ yếu sẽ quan tâm đến việc chia sẻ có tính phí, nhưng khái niệm này không chỉ áp dụng với các nhà đầu tư.
Những lợi ích then chốt của nền kinh tế chia sẻ là tính linh hoạt, tối đa hóa giá trị và, yếu tố cộng tác của con người. Đối với lĩnh vực kinh doanh BĐS, lợi ích từ mô hình tế chia sẻ như mô hình không gian làm việc chung (co-working space), sinh sống chung, lưu trú du lịch… sẽ tiếp tục phát triển và tăng trưởng.
Ông Simon Smith nhìn nhận, tối đa hóa doanh thu là mục tiêu của mọi DN và nền kinh tế chia sẻ cho phép chủ đầu tư gia tăng thu nhập từ cùng một không gian. Vì vậy, các cửa hàng pop-up có thể đem đến một làn gió mới và tăng doanh thu cho trung tâm thương mại, nhưng các cửa hàng này cũng có thể xuất hiện trong các văn phòng, hay khách sạn và biến mất khi sức hút đã giảm dần hoặc chủ nhà tìm được cách sử dụng không gian đó hiệu quả hơn. Như vây, với cửa hàng tại văn phòng, sự kiện tại trung tâm mua sắm và khách sạn trong gia đình, rõ ràng rằng nền kinh tế chia sẻ đang xóa nhòa ranh giới với các phân khúc BĐS.
Hiện nay, với việc khách hàng chủ yếu tiếp cận thông tin qua internet, khiến cho việc chào bán sản phẩm BĐS không chỉ là "độc quyền" của riêng cá nhân, hay sàn giao dịch mà là cả cộng đồng trên thị trường. Trong đó, người bán cũng có thể đồng thời là người mua và ngược lại, người mua đồng thời cũng là người bán.
Cơ hội lớn cho kinh tế chia sẻ bất động sản tại Việt Nam phát triển
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ với nhiều giải pháp khuyến khích sự phát triển các hoạt động kinh tế chia sẻ, hướng tới một nền kinh tế số, trong đó có lĩnh vực bất động sản.
Nền kinh tế chia sẻ mang lại nhiều lợi ích cho các chủ đầu tư bất động sản |
Các chuyên gia công nghệ đều cho rằng, Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ là sự chuyển biến rất lớn của Chính phủ, có tính bước ngoặt bao trùm lên hầu hết các Bộ ngành, công ty đầu tàu về nền tảng, các DN công nghệ cũng như các công ty truyền thống ở mọi lĩnh vực, thậm chỉ cả người dân.
Riêng lĩnh vực kinh doanh BĐS, trong vài năm trở lại đây, Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng của phân khúc không gian làm việc chung, với nhiều cơ sở mới ra mắt thị trường. Bên cạnh đó, nhu cầu co-working tiếp tục tăng khi nhiều DN, bao gồm các startup, các DN vừa và nhỏ và thậm chí cả các công ty lớn, đang ghi nhận những lợi ích của không gian làm việc chung, linh hoạt hơn mô hình văn phòng cho thuê truyền thống.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về tiềm năng, lợi ích kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực BĐS, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, nhiều phần mền công nghệ chia sẻ đã được các DN trong và ngoài nước ứng dụng vào kinh doanh tại Việt Nam như: phần mền Airbnb (chia sẻ không gian ở cho thuê), cùng với đó là hàng loạt startup mới trong lĩnh vực cho thuê phòng trực tuyến của người Việt cũng ra đời như Luxstay, Hoteljob, Triipme, Klook…
“Trong lĩnh vực du lịch có sản phẩm lưu trú hometay, hình thức nay cũng là loại hình kinh tế chia sẻ, đã áp dụng phần mềm để có thể kết nối du khách trong nước và quốc tế để đến các vùng miền để có trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương” - ông Lê Hoàng Châu cho biết thêm.
Tại Việt Nam thực tế cho thấy, mô hình chia sẻ nơi lưu trú đang ngày càng phát triển và góp phần làm cho thị trường đa dạng hơn. Trước đây, du khách chỉ biết đến các hình thức lưu trú chuyên nghiệp với các hệ thống khách sạn có đầy đủ dịch vụ, thì nay được trải nghiệm nhiều hơn với các cơ sở lưu trú địa phương như homestay, phòng nhàn rỗi cho thuê. Đây là nhóm mới tạo sự đa dạng cho thị trường du lịch Việt Nam.
Đặc biệt, mô hình chia sẻ không gian làm việc (co-working space) hiện đang rất phát triển tại Việt Nam đặc biệt là ở những thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… để kết nối những bạn trẻ, doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp. Dự đoán trong tương lai sẽ có hàng trăm nghìn bao gồm bao gồm các startup DN nhỏ được thành lập. Đây chính là cơ hội, tiềm năng lớn cho kinh tế chia sẻ bất động sản phát triển.
Theo Chủ tịch HoREA, tiềm năng ứng dụng kinh tế chia sẻ tại Việt Nam đang rất phổ biến và có nhiều cơ hội phát triển trong đó có lĩnh vực BĐS. Tuy nhiên chúng ta chưa luật hóa được công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động này. Do đó, trong thời gian tới cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, nhằm thiết lập khuôn khổ pháp lý cho mô hình này, phù hợp với sự phát triển của thị trường.
Từ khóa : Lĩnh vực bất động sản, hưởng lợi, nền kinh tế chia sẻ