Chuyện kế nghiệp 50 năm của Tân Mỹ Design – địa điểm "phải ghé thăm" khi đến Hà Nội do NYT bình chọn: Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời, yêu nghề nhưng phải dám thay đổi!
Khi được hỏi: “Tại sao phải thay đổi, trong khi Tân Mỹ vốn đã tốt rồi.”, chị Linh trả lời: “Cuộc sống, con người luôn luôn phải có sự phát triển. Nếu cứ giữ mãi mình như thế, nghĩa là đang thụt lùi.”
Nếu là một người yêu các sản phẩm thủ công truyền thống, chắc hẳn bạn sẽ biết đến thương hiệu ren thêu Tân Mỹ Design (hay còn được gọi là Tân Mỹ), với 2 cửa hàng nằm trên con đường "tơ lụa" Hàng Gai ở phố cổ Hà Nội.
Nơi đây giống như một biểu tượng văn hóa Hà Thành, từng được cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton ghé thăm. Nhưng luôn có một nỗi niềm chung của ngành nghề truyền thống, đó là gìn giữ được bản sắc và đưa doanh nghiệp phát triển trước sự biến động nhanh của cuộc sống hiện đại.
Lịch sử 50 năm với ba thế hệ của Tân Mỹ cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó.
Kinh doanh truyền thống: "Hữu xạ tự nhiên hương"
Năm 1969, trong thời kỳ chiến tranh, bà Bạch Thị Ngải đã nhận thấy nhiều nét đẹp truyền thống vẫn được gìn giữ ngay cả khi đất nước ở giai đoạn khó khăn. Những cặp vợ chồng son chỉ muốn có chiếc vỏ gối độc đáo được thêu biệt danh của mỗi người trong đêm tân hôn, những người lính ra trận thường được mẹ hay người yêu tặng chiếc khăn thêu tay tỉ mỉ.
Từ đó, bà bắt đầu kinh doanh bằng việc mở một cửa hàng nhỏ ở số 66 Hàng Gai, bán đồ thêu tay, với hai sản phẩm chủ lực ban đầu là vỏ gối và khăn tay. Thương hiệu Tân Mỹ sau đó được con và cháu gái – Nguyễn Thùy Linh kế nghiệp đến tận bây giờ.
Ba người phụ nữ của ba thế hệ đứng sau thương hiệu thêu Tân Mỹ nổi tiếng.
Những năm 90s, khi công nghệ, mạng xã hội hay marketing còn là những thuật ngữ vô cùng xa lạ, công việc kinh doanh của Tân Mỹ, như chị Linh nói, hoàn toàn là "hữu xạ tự nhiên hương".
Sản phẩm của gia đình được thêu bằng tay, tỷ mẩn đến từng đường kim mũi chỉ. Danh tiếng từ đó mà ra, khách hàng trong và ngoài nước đều tự tìm đến cửa hàng mà chẳng cần quảng cáo. Đặc biệt, tỷ lệ khách hàng nước ngoài chiếm đa số.
"Mỗi vị khách khi đến cửa hàng nhìn thấy ảnh của ba thế hệ chúng tôi, họ đều rất hạnh phúc. Khi bà ngoại còn sống, 10 vị khách đến thì cả 10 đều muốn ra xin chụp ảnh cùng bà", chị Linh chia sẻ tại chương trình Chìa khóa thành công.
Kinh doanh hiện đại: Thay đổi hay là chết!
Năm 2003, sóng gió ập đến. Dịch SARS bùng phát tại Hà Nội, khách du lịch, nhất là khách hàng ngoại quốc sụt giảm nghiêm trọng. Chị Linh nhận ra điểm yếu khi quá phụ thuộc vào một đối tượng khách hàng.
Người con thế hệ thứ ba quyết định xây dựng một showroom hoành tráng rộng hơn 1.000 m2 tại 61 Hàng Gai, mở rộng phân phối thêm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác như sơn mài, trang sức, nội thất,… của cả những nhà thiết kế trẻ khác của Việt Nam. Công ty cũng đổi tên thành Tân Mỹ Design.
Một góc trong showroom của Tân Mỹ Design.
Tuy nhiên, thực tế không như mơ. Suốt hai năm, tình hình kinh doanh vẫn èo uột, khách nội và ngoại đều không tăng. Khách hàng chỉ quen với thương hiệu Tân Mỹ truyền thống ngày xưa. Sự nghiệp hàng chục năm của gia đình đứng trước bờ vực sụp đổ.
Đúng lúc khó khăn, chị Linh nhận được lời đề nghị cho thuê lại cửa hàng vô cùng hấp dẫn. Chẳng nỡ đánh mất đứa con tinh thần của gia đình, nữ CEO quyết định đi theo con đường kinh doanh hiện đại.
Không còn lặng lẽ đợi khách hàng đến, công ty đẩy mạnh truyền thông qua báo chí. Tân Mỹ Design xuất hiện ngày một dày đặc trên các mặt báo, trong đó có tạp chi Heritage, ấn phẩm chuyên về du lịch, văn hóa cho hành khách trên Vietnam Airlines.
Đồng thời, công ty tăng cường giao thương với các cơ quan có nhu cầu sử dụng sản phẩm thủ công tinh xảo để làm quà tặng, quà biếu. Một góc phục vụ ăn uống cũng được đưa vào để mang đến gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.
Kết quả là, lượng khách trong nước tăng vọt từ 5% lên gần 30%. Showroom tại số 61 Hàng Gai không còn đơn thuần là một cửa hàng mà đã trở thành điểm đến văn hóa, được tạp chí NewYork Times vinh danh là một trong 10 địa điểm không thể bỏ qua khi đến Hà Nội..
Julie Isabel Bishop – Bộ trưởng ngoại giao Úc ghé thăm Tân Mỹ Design.
Năm 2017, Tân Mỹ Design nhận được chứng chỉ cơ sở phục vụ khách dụ lịch đạt chuẩn 5 sao.
Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời, quan trọng là yêu nghề và dám thay đổi
Khi được hỏi: "Tại sao phải thay đổi, trong khi Tân Mỹ vốn đã tốt rồi", chị Linh trả lời: "Cuộc sống, con người luôn luôn phải có sự phát triển. Nếu cứ giữ mãi mình như thế, nghĩa là đang thụt lùi."
"Bài học lớn nhất tôi nhận được từ bà và mẹ là sự chăm chỉ và yêu nghề. Nhưng bà và mẹ vẫn kinh doanh theo kiểu "hữu xạ tự nhiên hương". Tôi khác ở chỗ, tôi muốn đưa Tân Mỹ ra thế giới, để nhiều người biết đến hơn, đặc biệt là khách Việt."
CEo Nguyễn Thùy Linh chia sẻ về câu chuyên của Tân Mỹ Design trong chương trình CEO - Chìa khóa thành công.
Nói thì dễ, làm mới khó, đặc biệt là với những công ty gia đình, cha truyền con nối. Cùng tham gia trò chuyện tại CEO – Chìa khóa thành công, ông Hoàng Hải Âu – Chủ tịch HĐQT Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia cho biết: "Doanh nghiệp gia đình chiếm 80% tổng số các doanh nghiệp trên toàn cầu. Nhưng chỉ 30% kế thừa đến thế hệ thứ hai. Thế hệ thứ ba chỉ còn vài phần trăm. Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Càng về sau, càng thành công, con cái càng sung sướng và mất động lực."
"Đối với tôi, nghề thêu đã ăn vào máu. Con gái tôi bây giờ cũng vậy. Đối với những nghệ nhân, ông bà của họ làm cho bà ngoại, các con của họ làm việc với mẹ tôi, đến đời con cháu họ lại làm việc với tôi.", chị Linh khằng định.
T.Dương
Theo Trí Thức Trẻ
Theo cafebiz.vn
Từ khóa : Chuyện kế nghiệp, Tân Mỹ Design, phải ghé thăm