Phát triển nghề thêu tay truyền thống: Giữ "chất" để vươn xa
Không chỉ duy trì nghề, làng nghề thêu tay truyền thống xã Thắng Lợi (huyện Thường Tín, Hà Nội) với tuổi đời hàng trăm năm đang hướng đến mục tiêu chinh phục thị trường trong và ngoài nước, phát triển bền vững
Thời điểm này, đến xã Thắng Lợi, sẽ thấy không khí làm việc khẩn trương tại các xưởng thêu để kịp mùa vụ Tết. Tranh thêu của làng nghề Thắng Lợi mang nét đặc trưng riêng, được làm hoàn toàn bằng tay, phản ánh chân thực các đề tài phong phú và đa dạng của cuộc sống. Nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự - một "tay kim" lão luyện của làng nghề - cho biết, nghề thêu phải làm kỳ công, cho thật đúng và trúng, đặc biệt là tranh chân dung. Làm tranh thêu tay không khó, nhưng làm ra bức tranh có hồn thì không đơn giản.
Cũng chính vì những yêu cầu kỹ thuật tỉ mỉ, tốn thời gian và công sức, việc duy trì và phát triển nghề thêu truyền thống gặp khó khăn không nhỏ bởi thiếu đội ngũ lao động kế cận lành nghề. Trong khi đó, nhiều lao động có tay nghề đang dịch chuyển sang làm việc ở các lĩnh vực khác, tại địa phương khác. Ngoài ra, số ít các chủ hộ sản xuất được đào tạo về quản trị kinh doanh và nắm được kiến thức về kinh tế thị trường. Điều này dẫn đến làng nghề cũng như sản phẩm làng nghề thiếu sức cạnh tranh. Vì vậy, hoạt động đào tạo chuyên sâu, truyền nghề tiểu thủ công nghiệp cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà những nghệ nhân tâm huyết - thế hệ đi trước của làng nghề Thắng Lợi - đặt lên hàng đầu.
Người thợ làm nghề thêu không chỉ cần đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng, thẩm mỹ, tính sáng tạo mà phải có tư duy bắt kịp nhu cầu của thị trường. Nghề thêu tay truyền thống thực sự sống và đi lên khi bảo lưu những tinh túy của hồn Việt và phù hợp với thị hiếu đời sống hiện đại của người tiêu dùng, như vậy mới tạo ra lợi ích kinh tế, lợi thế cạnh tranh để duy trì và phát triển. Đồng thời, khi nghề có chỗ đứng và thị trường tiêu thụ, người thợ thêu mới thực sự sống được với nghề của mình.
Nhận thức được điều đó, xã Thắng Lợi tập trung nguồn lực cho việc đào tạo tay nghề cho lớp thợ thêu tay mới, như xưởng thêu tay truyền thống Quốc Sự được nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự lập nên sau bao trăn trở với nghề, là một trong những cái nôi rèn giũa đội ngũ thợ chất lượng cao cho làng nghề, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Với những người còn làm nghề tại xã Thắng Lợi, nghề thêu tay truyền thống vẫn là công việc tạo nguồn thu nhập ổn định cho bản thân và gia đình. Bên cạnh đó, địa phương cũng đẩy mạnh xúc tiến thương mại để bán sản phẩm với thu nhập cao bên cạnh việc đào tạo, hướng dẫn nghề cho lớp thợ trẻ; từ đó góp phần động viên, khuyến khích và thúc đẩy nghề thêu ngày một phát triển mạnh mẽ hơn.
Hiện nay, với chất liệu ngày một phong phú cùng ý thức sáng tạo nghệ thuật, những nghệ nhân, người thợ đã đưa nghệ thuật thêu tay lên tầm cao mới bằng những bức tranh sống động của phong cảnh làng quê, tranh tĩnh vật… Đây là điều mà chỉ tranh thêu thủ công mới làm được. Tranh thêu thủ công của xã Thắng Lợi không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa mà còn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, được khách hàng đánh giá cao về kỹ thuật tinh xảo; trong đó, thị trường ưa chuộng sản phẩm truyền thống này nhất là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Theo dòng chảy của thị trường, nghề thêu tay truyền thống vẫn luôn giữ được "chất" của mình, không ngừng mở rộng ra thị trường trong nước và quốc tế; không chỉ gìn giữ nét văn hóa truyền thống mà còn tạo lợi ích kinh tế nhờ vào từ lực lượng những người thợ lành nghề có tâm. |
Từ khóa : nghề thêu tay, truyền thống