Đây là lần đầu tiên Hà Nội tổ chức “Lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại” nhằm tôn vinh, giới thiệu tới người dân, du khách về di sản văn hóa Thủ đô, các làng nghề thủ công truyền thống với sản phẩm thủ công, mỹ nghệ có tính thiết kế sáng tạo, sản phẩm văn hóa dân gian trong đời sống đương đại.
Thành phố Hà Nội, Thủ đô ngàn năm văn hiến với bề dày lịch sử, là nơi hội tụ văn hóa, kết tinh văn minh của cả nước có số lượng di sản văn hóa lớn nhất toàn quốc. Nhiều loại hình văn hóa dân gian phong phú đã và đang được các thế hệ người Hà Nội lưu truyền, tiếp biến để phù hợp với xã hội đương đại.
|
“Lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại” diễn ra từ ngày 13- 15/12, trong không gian lễ hội với nhiều nội dung phong phú đa dạng. Trong đó: Khu vực trưng bày và giới thiệu sản phẩm thủ công, mỹ nghệ có tính thiết kế sáng tạo giới thiệu 16 làng nghề thủ công truyền thống với sự tham gia của các nghệ nhân làng nghề trình diễn quy trình thực hành và giới thiệu các sản phẩm nghề thủ công truyền thống có thiết kế sáng tạo, đang được gìn giữ phát huy giá trị trong đương đại; không gian giới thiệu ứng dụng của nghề thủ công truyền thống đáp ứng nhu cầu phát triển đời sống như: Nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), nghề đồ gỗ mỹ nghệ Thiết Úng (huyện Đông Anh), nghề may áo dài làng Trạch Xá (huyện Ứng Hoà) với bảo tồn, phát triển áo dài nam ngũ thân của nhóm Đình làng Việt; nghề thêu truyền thống làng Đông Cứu (huyện Thường Tín) với việc phục chế các hiện vật chất liệu vải cho các bảo tàng, các di tích lịch sử văn hóa, các nghi trượng, đạo cụ, trang phục trong thực hành lễ hội ở cộng đồng và trang phục thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt…
|
Các làng nghề thủ công truyền thống |
|
Không gian làng nghề lụa Vạn Phúc |
Tại lễ hội này, du khách còn được trải nghiệm không gian mỹ thuật dân gian, tìm hiểu về giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cùng nỗ lực bảo tồn, phục hồi các dòng tranh: Hàng Trống, Kim Hoàng…; sự tiếp nối truyền thống của những dòng tranh mới như tranh ghép lụa, tranh ghép gốm sứ, tranh thêu tay…
|
Các dòng tranh dân gian truyền thống |
|
Không gian làm tranh từ vải vụn |
|
Sản phẩm thủ công, mỹ nghệ có tính thiết kế sáng tạo |
Đặc biệt, tại không gian lễ hội lần đầu tiên giới thiệu dòng tranh mới được ghép từ các mảnh lụa, vải... của làng nghề dệt lụa Vạn Phúc mang tên VỤN ART được sáng tạo, hoàn thành thủ công bởi những nghệ sĩ khuyết tật. Du khách được tham quan, trải nghiệm và thực hành cùng các nghệ nhân.
|
Các cô bé, cậu bé rất thích thú với không gian Lễ hội |
|
Trải nghiệm thú vị tại không gian làng nghề |
Lễ hội cũng không thể thiếu không gian thưởng thức nghệ thuật trình diễn dân gian, với các loại hình di sản văn hóa phi vật thể như: Ca trù, hát xẩm, múa bồng, chèo tàu, trống quân… Đây chính là suối nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm, tài hoa của biết bao thế hệ người dân Hà Nội.
|
Mây tre đan Phú Vinh |
|
Làng nghề gốm sứ Bát Tràng |
|
Nghệ nhân làng nghề trình diễn điêu khắc |
|
Phục chế các hiện vật, trang phục thực hành Tín ngưỡng |
Bạn Khánh Ngọc ở quận Hoàn Kiếm chia sẻ: Lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại đã mang đến cho em những khoảnh khắc trải nghiệm thật thú vị và ý nghĩa để các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ hiểu và yêu truyền thống văn hóa dân tộc hơn.
|
Bảo tồn, phát triển áo dài nam ngũ thân của nhóm Đình làng Việt |
Lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại góp phần tôn vinh, quảng bá những giá trị lịch sử, tri thức sâu sắc và phong phú, sự đa dạng và đậm tính nhân văn… của vùng địa linh nhân kiệt Thăng Long Hà Nội. Đây cũng là dịp để người dân Hà Nội tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong bảo tồn giá trị di sản, hướng tới quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Hà Nội tới bạn bè năm châu.