Đông Nam bộ vượt trội thu hút đầu tư

Với các lợi thế sẵn có cùng chiến lược thu hút đầu tư phù hợp, các địa phương vùng Đông Nam bộ như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai tiếp tục đứng trong top đầu của cả nước thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của năm 2019. Các tỉnh thành này đã và sẽ tiếp tục đi theo định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, nâng chất lượng dòng vốn FDI.

Giữ vững vị trí top đầu

Trong năm 2019, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 60 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó các tỉnh, thành Đông Nam bộ tiếp tục duy trì những vị trí top đầu trong thu hút FDI.

dong nam bo vuot troi thu hut dau tu

Các tỉnh thành Đông Nam Bộ tập trung thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, năm 2019 thu hút vốn FDI của tỉnh đạt hơn 1,9 tỷ USD, vượt 61% so với kế hoạch của năm 2019. Các dự án thu hút trên địa bàn tỉnh phù hợp với chủ trương ưu tiên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, dự án thân thiện với môi trường, dự án các ngành công nghệ cao. Những dự án đầu tư mới, bổ sung vốn vào Đồng Nai phần lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... Tính đến nay trên địa bàn tỉnh có gần 1.990 dự án FDI và tổng vốn đăng ký hơn 35,32 tỷ USD. Trong đó, số dự án còn hiệu lực khoảng 1.460 dự án với tổng vốn gần 30 tỷ USD.

Tại tỉnh Bình Dương, trong năm 2019, tỉnh này đã thu hút khoảng 3 tỷ USD vốn FDI, con số vượt xa so với kế hoạch đề ra của năm nay (kế hoạch thu hút 1,5 tỷ USD). Tính đến nay, tỉnh Bình Dương đã thu hút hơn 3.700 dự án FDI từ 64 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký gần 34 tỷ USD, chủ yếu thuộc các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Nhờ tập trung triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, Bình Dương đã có những bước tiến vượt bậc trong thu hút vốn FDI.

Bội thu hút vốn FDI trong năm 2019 là TP. Hồ Chí Minh với 7,5 tỷ USD, trong đó bao gồm 1.182 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới với tổng vốn đăng ký đạt 1,4 tỷ USD; điều chỉnh vốn đầu tư 282 dự án, vốn tăng 767,3 triệu USD và góp vốn, mua cổ phần có 5.465 trường hợp, tổng vốn đạt 4.779 triệu USD. Lũy kế đến nay, TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước với tổng vốn FDI đạt trên 46,5 tỷ USD. Đặc biệt, những năm gần đây hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của DN trong nước trở thành xu hướng mới của dòng vốn FDI tại TP. Hồ Chí Minh.

Tạo lập môi trường đầu tư tốt

Ông Okada Hideyuki - Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh (JCCH) - đánh giá, TP. Hồ Chí Minh cũng như Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chính sách đầu tư của DN Nhật Bản. Hiện tại, các DN của Nhật Bản đang đầu tư tại 12 tỉnh thành tại Việt Nam, trong đó chú trọng vào các tỉnh phía Nam. Từ phía các địa phương đã chủ động cải cách chính sách, thuận lợi hóa môi trường đầu tư điều này được các DN Nhật Bản nói riêng và cộng đồng các DN FDI nói chung đánh giá cao. Song các địa phương và cả vùng cũng cần cải thiện hạ tầng, logistic bởi những hạn chế này của vùng đang làm tăng chi phí của các nhà đầu tư.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển cũng như nâng cao chất lượng vốn FDI, các địa phương trong vùng Đông Nam bộ đã và đang tiếp tục chuyển hướng thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng tăng hàm lượng chất xám, khoa học công nghệ, các ngành công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Theo ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh - để thực hiện mục tiêu thu hút có chọn lọc nguồn vốn FDI, nhưng vẫn bảo đảm tăng trưởng nguồn vốn này, TP. Hồ Chí Minh tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cách mạng công nghiệp 4.0. Thành phố ưu tiên các DN có năng lực đổi mới sáng tạo và quản trị tiên tiến, công nghệ cao.

Bên cạnh đó, nhằm mục tiêu tập trung thu hút đầu tư từ các đối tác có tiềm lực mạnh, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới, Bình Dương hiện cũng đang ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trương. Bình Dương cũng rất chú trọng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy các DN tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại Đồng Nai, với hệ thống giao thông kết nối dần hoàn thiện, nhiều dự án công trình trọng điểm quốc gia được triển khai, cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là những yếu tố để tỉnh tiếp tục là điểm đến được các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn. Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn Đồng Nai, có nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia đang được triển khai như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Bến Lức - Long Thành... tạo nên mạng lưới giao thông kết nối hoàn chỉnh phục vụ phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư cho tỉnh nói riêng và toàn vùng nói chung.

Theo Thanh Thanh (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : Đông Nam bộ, thu hút đầu tư