Làng lụa Vạn Phúc

Theo truyền thuyết, khoảng 1.200 năm trước, bà Lã Thị Nga - vợ của tướng quân Cao Biền nhà Đường theo chồng sang cai quản Giao Châu (tên gọi khi đó của Việt Nam). Trong thời gian sống ở Vạn Phúc, bà đã dạy dân cách ươm tơ, dệt lụa. Để ghi nhớ công ơn của bà, dân làng đã tôn bà làm Thành hoàng làng, thờ tại đình làng Vạn Phúc và lấy ngày 10/8 âm lịch (ngày sinh của bà) và 25/12 âm lịch (ngày mất của bà) làm ngày tế lễ và giỗ tổ hàng năm.

Các sản phẩm của làng lụa Vạn Phúc đều là những tác phẩm nghệ thuật đạt đến độ hoàn mỹ. Hàng lụa trơn thì mịn óng, mềm mại, nuột nà. Hàng dệt hoa thì mầu sắc khi óng ánh, khi trang nhã, hoa văn khi chìm, khi nổi. Để tạo ra được những sản phẩm tơ lụa tuyệt hảo nói trên, người thợ dệt phải thực hiện một quy trình sản xuất phức tạp bao gồm nhiều khâu như: tơ, hồ sợi, dệt, nhuộm, căng phơi. Ngay từ khâu tơ, người thợ không chỉ quấn sợi vào ống đơn thuần mà còn phải chọn sợi, đẽo sợi để đảm bảo sợi tơ có màu trắng, bóng nhẵn, không sùi lông, trị số tơ phải đều, sau đó mắc sợi, lựa chọn riêng sợi dọc, sợi ngang. Sợi sau khi tơ phải đem hồ. Việc hồ sợi chỉ thực hiện với loại sợi dọc và đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Người thợ phải pha thêm sáp ong vào hồ để hồ sợi đồng thời sử dụng bí quyết riêng làm cho sợi sau khi hồ vừa dẻo dai, vừa bóng rồi dùng khung cửi để dệt. Nếu dệt lụa trơn thì dùng 2 loại go thẳng và go vòng. Go thẳng để dệt lụa mỏng, mịn còn go vòng dệt lụa có chấm thủng. Dệt hoa có thao tác như dệt trơn nhưng khác ở chỗ trước khi dệt cần phải vẽ trước kiểu hoa lên giấy. Thợ dệt đặt mẫu lên bàn khâu hoa rồi một người dệt, một người cài hoa. Giữ vai trò chính là người dệt còn người cài hoa chỉ kéo go xà lên. Dân gian gọi dệt hoa là dệt kép để phân biệt với cách dệt đơn khi làm hàng lụa trơn. Ở khâu nhuộm thì không phải loại lụa nào cũng đem nhuộm mà có loại để trắng tinh khiết, ngả màu vàng ngà như lụa nõn. Có loại được nhuộm màu ngay từ khâu sợi như gấm, vóc nhưng có loại như lĩnh, the chỉ nhuộm khi đã dệt xong.  

Nghề dệt lụa không chỉ có quy trình sản xuất phức tạp mà còn đòi hỏi ở người thợ sự sáng tạo và khéo léo. Nghệ thuật trang trí hoa văn trên lụa được xem như mẫu mực của phong cách tạo hình trên chất liệu mỏng của các nghệ nhân. Họ đã sử dụng những đề tài trang trí từ kho tàng nghệ thuật truyền thống dân tộc nhưng sáng tạo chứ không rập khuôn nhằm thích ứng với chất liệu dệt như Ngũ Phúc (năm con dơi quanh chữ Thọ), Long Vân (rồng và mây), Thọ Đỉnh (lư hương và chữ Thọ), Quần Ngư Vọng Nguyệt (đàn cò trông trăng), Hoa Lộc (bông hoa trên chồi biếc)... Nhìn chung, hoa văn dệt trên lụa được bố trí đối xứng, đường nét không rườm rà, phức tạp mà luôn mềm mại, phóng khoáng và dứt khoát.

 

Các sản phẩm của làng lụa Vạn Phúc rất đa dạng về mầu sắc, phong phú về chủng loại như gấm, lụa, the, sa, xuyến, băng quế, lĩnh, đoạn, đũi, sa tanh, vải... Trong lịch sử, lụa Vạn Phúc từng được dùng để may quốc phục và đặc biệt được ưa chuộng dưới triều nhà Nguyễn. Lần đầu tiên lụa Vạn Phúc có mặt trên thị trường quốc tế là tại hội chợ Marseilla (1931) và được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo của vùng Đông Dương thuộc Pháp. Và từ năm 1990, lụa Vạn Phúc đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới như: Pháp, Ba Lan, Thụy Sỹ, Campuchia…

 

Hiện nay, Vạn Phúc đã trở thành một điểm đến quen thuộc trong các tour du lịch làng nghề. Đến Vạn Phúc, du khách không chỉ có cơ hội mua sắm các sản phẩm lụa Hà Đông chính hiệu mà còn được chứng kiến quy trình làm ra tấm lụa của các nghệ nhân, đặc biệt là tại xưởng sản xuất của nghệ nhân Triệu Văn Mão bởi chỉ xưởng của ông là có máy dệt lụa Vân – loại lụa cổ truyền nổi tiếng nhất Vạn Phúc đã gần như bị thất truyền. Đây là loại lụa mỏng có hoa nổi, hoa chìm. Hoa nổi trên mặt lụa thì bóng mịn còn hoa chìm thì phải soi ra chỗ sáng mới thấy được. Bên cạnh xưởng dệt là cửa hàng giới thiệu sản phẩm với hàng trăm loại lụa đủ màu sắc và các loại sản phẩm như: khăn choàng, quần áo, túi xách, cà vạt… Thương hiệu lụa Vạn Phúc đã không chỉ trở thành niềm tự hào của người dân Vạn Phúc mà quan trọng hơn, còn bảo tồn một nét văn hóa Việt.

Theo Tổng Cục Du Lịch

Từ khóa : làng nghề