Nhà sáng lập theMay: Với tôi, nước Nhật không hấp dẫn bằng những trang sức phụ kiện đậm đà bản sắc các dân tộc Việt Nam
Sau 3 năm làm việc trong công ty hóa chất lớn nhất Nhật Bản – Tập đoàn Asahi Kasei, thì đột nhiên Thanh Vân quyết định bỏ ngang công việc ổn định để về nước khởi nghiệp với theMay, trong sự phản đối của cả gia đình. Nhưng, như thú nhận của cô, một khi con tim đã thôi thúc thì không ai cản được!
Với hầu hết người dân Việt Nam, nước Nhật vẫn là điểm đến mơ ước, được đi du lịch đã rất vui mà được tới sinh sống thì chẳng còn gì bằng. Nhưng điều đó chỉ đúng với Vũ Thị Thanh Vân trước đây, còn bây giờ không đúng nữa.
Mặc dù hiện tại, công việc của một founder kiêm CEO của theMay – thương hiệu phụ kiện từ thổ cẩm truyền thống các dân tộc ở Việt Nam, rất bận rộn nhưng Vân lại cảm thấy rất vui, và chắc chắn là vui hơn hồi ở Nhật.
Về Việt Nam khởi nghiệp, ngoài chuyện được gần gia đình – ví dụ Tết có thể dễ dàng về nhà xum họp, thì Vân còn cảm thấy mình đang làm được điều gì đó nhằm góp phần thúc đẩy sự hiểu biết về truyền thống của các nhóm dân tộc thiểu số – nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Bởi, với Thanh Vân, văn hóa Việt Nam đặc sắc – phong phú – giàu tính nhân văn không thua kém bất cứ đất nước nào trên thế giới.
Ý tưởng khởi nghiệp bắt đầu bằng một lần tìm mua đồ truyền thống Việt Nam tại Nhật mà không tìm được sản phẩm gì đặc sắc
Chân dung cô chủ theMay - Vũ Thị Thanh Vân
Có thể nói, cuộc đời hơn hai mươi mấy năm của Thanh Vân là những chuyến phiêu lưu mà cô không bao giờ ngờ đến. Ví dụ như sang Nhật Bản làm việc ngay sau khi ra trường hoặc khởi nghiệp với theMay.
"Cách đây khoảng 5 năm, lúc đang học năm cuối trường Ngoại thương TP. HCM khoa Kinh tế đối ngoại, do chưa có dự định làm việc gì cụ thể tại Việt Nam, nên khi thấy có đợt tuyển thực tập sinh của 2 tập đoàn lớn của Nhật là Idemitsu Kosan và Asahi Kasei – những doanh nghiệp về năng lượng và hóa chất lớn nhất Nhật Bản; tôi đã nộp đơn ứng tuyển.
Tôi đã đậu cả hai công ty. Tôi nhớ lúc đó Asahi Kasei tuyển thực tập sinh ở Việt Nam, Thái Lan và Đài Loan, Việt Nam và Đài Loan mỗi nước có 2 người trúng tuyển, còn Thái Lan thì không có người nào. Lúc đầu, tôi tính chọn Idemitsu, nhưng sau đó cảm thấy mình không hợp với môi trường làm việc quá nghiêm túc ở đây, nên cuối cùng lại đến với Asahi Kasei", Thanh Vân hồi tưởng.
Thời gian đầu qua Nhật thực tập và làm việc ở Asahi Kasei là quãng thời gian đầy thử thách cho cô gái nhỏ người Gia Lai. Ngoài công việc vất vả của một nhân viên tại doanh nghiệp ‘khổng lồ" nhất nhì Nhật Bản này, Thanh Vân còn phải cố làm quen với đời sống xã hội – văn hóa Nhật Bản.
Như Thanh Vân chia sẻ, lúc ba mẹ qua Nhật thăm cô, ba mẹ cô cũng rất lo lắng. Dù làm việc ở công ty lớn, nhưng vì là tân bình, tài chính của Vân chẳng dư giả bao nhiêu. Đã thế, ba mẹ Vân vẫn cứ cảm thấy con gái quá cô đơn ở xứ người.
Tuy nhiên, với tự ái của một người trẻ, Thanh Vân không chịu về Việt Nam mà vẫn tiếp tục ở lại "cày cuốc". Sau thời gian chứng minh được năng lực bản thân, Thanh Vân được cất nhắc lên vị trí Chuyên viên Sales & marketing phụ trách thị trường Đông Nam Á và cuộc sống ngày càng tốt lên. Lương cao hơn và được công ty xem trọng hơn.
Cửa hàng kiêm phòng trưng bày của theMay ở đường Hai Bà Trưng - Quận 1 - TP. HCM.
"Trong những ngày làm việc ở đất Nhật, như tất cả những người Việt Nam ở Nhật Bản, tôi luôn muốn giới thiệu cho bạn bè quốc tế những nét đẹp nhất của nền văn hóa Việt Nam. Nhưng, quả thật, có rất ít hàng hóa đậm chất Việt, đảm bảo chất lượng mà tôi có thể mua để mang ra tự hào khoe với bạn bè.
Trong một lần tìm kiếm quà Việt để tặng các bạn Nhật vất vả như thế, tôi đã tự hỏi: Vì sao nền văn hóa bản địa Việt Nam vô cùng phong phú và độc đáo, mà chúng ta lại có rất ít sản phẩm có thể vươn tầm thế giới, như Nhật Bản?! Rồi kể từ đó, ý tưởng này chưa bao giờ rời khỏi đầu tôi, mà nó ngày càng lớn mạnh và thôi thúc tôi phải làm điều gì đó để trả lời cho câu hỏi nói trên", Thanh Vân kể về lý do ra đời của theMay.
Nghĩ là làm, giữa năm 2017, Thanh Vân bắt đầu lên mạng nghiên cứu tài liệu và tìm kiếm phương thức thể hiện ý tưởng của mình. Vốn là người yêu cái đẹp, thích đeo trang sức phụ kiện và kết hợp với nghiên cứu thị trường, sau cùng Thanh Vân chốt lại ý tưởng sẽ khởi nghiệp với phụ kiện trang sức kết hợp giữa thiết kế hiện đại và chất liệu thổ cẩm truyền thống Việt Nam.
Cận cảnh một góc trong cửa hàng của theMay.
Giữa năm 2019, sau 2 năm liên hệ - tìm kiếm nguồn hàng, ra sản phẩm và cảm thấy hướng đi của mình là đúng đắn, Thanh Vân đã quyết định rời nước Nhật và Asahi Kasei để về Việt Nam khởi nghiệp trong sự phản đối của cả gia đình. Bởi, như nhiều ba mẹ khác, họ cảm thấy những gì mà Thanh Vân có tại thời điểm đó đang là mơ ước của nhiều người Việt.
"Tính tôi vốn ưa thích sự thử thách, nên một khi cảm thấy công việc tại Asahi Kasei không còn nhiều thử thách, nếu tôi tiếp tục làm ở đó thì sẽ tuần tự nhi tiến đi lên – chị biết khi làm việc ở các công ty Nhật như thế nào; tôi đột nhiên không muốn làm nữa.
Ngoài ra, sau 2 năm đi theo con đường mới, tôi cảm thấy rất vui vẻ vì cảm giác mình có thể góp ích gì đó cho việc bảo tồn văn hóa Việt Nam. Do đó, lúc quyết định về lại Việt Nam, tôi chỉ có một chút tiếc nuối khi rời Asahi giữa chừng – vì dù sao mình cũng đã cố gắng phấn đấu rất vất vả mới có được vị trí đó. Điều khiến tôi áy náy nhất, vẫn là khiến ba mẹ rất bất an", Thanh Vân cho biết.
Khởi đầu bằng thổ cẩm và gốm Bàu Trúc của người Chăm, tiếp theo sẽ là thổ cẩm của người H’Mông cùng người Ba Na
Một sản phẩm tiêu biểu của thổ cẩm Mỹ Nghiệp - Ninh Thuận.
Ở khía cạnh khác, sở dĩ Thanh Vân quyết định chọn những vật liệu truyền thống của người Chăm ở Ninh Thuận – cụ thể là gốm Bàu Trúc và thổ cẩm Mỹ Nghiệp, đầu tiên để đưa vào sản phẩm của mình là bởi sự độc đáo và rực rỡ của nó. Ví dụ: màu sắc và hoa văn của thổ cẩm Mỹ Nghiệp vừa đẹp mắt vừa tươi tắn rất hợp để làm trang sức phụ kiện.
"Người Chăm ở Ninh Thuận, hay còn gọi là người Chăm Panduranga, chiếm hơn 40% tổng số người Chăm tại Việt Nam, là hậu duệ của nền văn minh Chămpa xưa kia với những phong tục tập quán và tín ngưỡng riêng biệt. Trong đó, cộng đồng người Chăm tại 2 làng nghề truyền thống thổ cẩm Mỹ Nghiệp và gốm Bàu Trúc là người Chăm Ahier, tức người Chăm theo đạo Bàlamôn, một hình thái bản địa hoá của Ấn Độ giáo.
Do đó, các sản phẩm thủ công tại 2 làng nghề này thường mang ảnh hưởng tín ngưỡng Bàlamôn, thể hiện qua việc sử dụng các hoa văn như thần Shiva hay vũ nữ Apsara. Trải qua hàng trăm năm phát triển, làng Mỹ Nghiệp (tiếng Chăm: Palei Caklaing) và Bàu Trúc (tiếng Chăm: Palei Hamu Trok) là 2 trong số những làng thủ công lâu đời nhất còn giữ được nghề truyền thống ở Việt Nam nói riêng và ở Đông Nam Á nói chung.
Văn hoá mẫu hệ xưa kia của người Chăm Ahier vẫn còn hiện hữu qua phong tục truyền nghề từ mẹ cho con gái, nên hiện nay các nghệ nhân của 2 làng cũng chủ yếu là phụ nữ. Hiện nay cũng có một số nam giới cùng tham gia làm nghề, giúp bảo tồn và phát huy nghề truyền thống Chăm", Thanh Vân giới thiệu.
Một phần trong Bộ sưu tập Tết 2020 của theMay.
Bộ sưu tập mừng ngày 20/10 năm ngoái của theMay mang tên: Pô Inư Nagar, nữ thần mẹ tạo dựng xứ sở Chămpa và cũng là tổ nghề dệt thổ cẩm trong truyền thuyết Chăm. Với mong muốn tôn vinh giá trị của người phụ nữ trong xã hội xưa và nay, theMay mong muốn truyền tải những câu chuyện văn hoá Chăm qua từng sản phẩm thấm đẫm tâm huyết của người nghệ nhân and hơi thở của mẹ thiên nhiên Pô Inư Nagar.
"TheMay là một làn gió mới được thổi vào các sản phẩm dệt truyền thống Mỹ Nghiệp. Hy vọng các sản phẩm mang tính ứng dụng cao của theMay sẽ được khách hàng chào đón, qua đó làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp sẽ có đầu ra ổn định hơn.
Hiện tại, mối lo cơm áo gạo tiền, cuộc sống hiện đại cứ đang kéo xa dần những người trẻ của Mỹ Nghiệp như tôi ra khỏi khung cửi. Tôi thấy lo lắng liệu 10 năm nữa có còn ai nhớ nghề dệt, nhớ đầy đủ bố cục hoa văn Chăm?", chị Phú Thị Mỹ Yến - Người làng Mỹ Nghiệp, chia sẻ.
Ngoài mục tiêu giới thiệu cho cả thế giới biết văn hóa Việt giàu có như thế nào, Thanh Vân còn muốn thông qua theMay có thể phần nào đó giúp các làng nghề truyền thống tại Việt Nam không bị biến mất mà còn phát triển tốt hơn thời xưa.
"Thật ra, sau khi đi thực địa ở Ninh Thuận, tôi mới nhận ra là mình đã đến hơi muộn hay nôm na, đáng lẽ tôi phải sinh ra sớm hơn và theMay nên ra đời sớm hơn nữa.
Vì theo tìm hiểu của tôi, nhiều hoa văn và phương cách dệt truyền thống ở làng Mỹ Nghiệp đã biến mất theo sự ra đi của các nghệ nhân kỳ cựu. Những gì chúng ta còn thấy thông qua những sản phẩm của theMay chỉ là một góc nhỏ trong kho tàng thổ cẩm của người Chăm ở Mỹ Nghiệp. Tuy nhiên, dù sao thì muộn còn hơn không", Thanh Vân nhận định.
Một vài sản phẩm ứng dụng thổ cẩm Mỹ Nghiệp khác của theMay.
Tiếp theo, theMay sẽ tiếp tục ‘chuyến phiêu lưu’ của mình với thổ cẩm của người H’Mông ở miền Bắc và của người Ba Na ở Tây Nguyên.
Những mối quan hệ tốt – vốn quý nhất của Vân
Trong suốt những buổi chuyện trò với Thanh Vân, cái khiến chúng tôi ấn tượng nhất chính là những mối quan hệ mà cô có. Có thể nói, đó là vốn quý nhất của nhà sáng lập theMay, bởi chính nhờ những mối quan hệ đó – mà chỉ trong 2 năm, cô đã có thể khiến theMay nên hình nên dạng như bây giờ: mỗi năm ra 3 bộ sưu tập, có một cửa hàng nhỏ xinh kiêm phòng trưng bày trên đường Hai Bà Trưng, có thể ‘cá nhân hóa’ sản phẩm theo ý khách hàng, sắp ra mắt thêm sản phẩm với chất liệu thổ cẩm mới.
Theo Thanh Vân, sở dĩ mỗi năm theMay có thể ra tới 3 bộ sưu tập và mỗi bộ có trên dưới 20 chục mẫu sản phẩm hay có thể chỉnh sửa sản phẩm theo ý khách hàng; là nhờ cô có tới 3 nhà thiết kế: 1 là cố định của theMay và 2 người là cộng tác viên. Nhà thiết kế "của nhà trồng được", ngoài thiết kế sản phẩm còn có trách nhiệm chỉnh sửa hoặc sáng tạo các mẫu sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng; còn hai nhà thiết kế bên ngoài sẽ giúp theMay là các Bộ sưu tập theo mùa hoặc theo đặt hàng của startup này.
Ngoài thổ cẩm Mỹ Nghiệp và gốm Bàu Trúc, hầu hết những thành phần còn lại trong các sản phẩm của theMay đều nhập từ Nhật Bản.
Những sản phẩm đơn giản có giá rẻ nhất trong store của theMay.
Còn lý do khiến các sản phẩm trang sức phụ kiện, ví dụ như bông tai – vòng tay – vòng cổ của theMay có giá không hề rẻ: từ 150.000 đồng cho đến 1.000.000 đồng; ngoài thổ cẩm Mỹ Nghiệp – gốm Bàu Trúc, thì thành phần kim loại và các loại hạt của phụ kiện trang sức đều được theMay nhập từ Nhật Bản.
Thật ra là Thanh Vân đã thử tìm những nguyên liệu đó tại Việt Nam và Trung Quốc để có thể giảm giá thành, nhưng chất lượng không đạt nên cô vẫn tiếp tục sử dụng nhà cung cấp kim loại từ Nhật Bản, để đảm bảo sức khoẻ cho người tiêu dùng.
"Nói chung là tôi cũng khá may mắn khi quen một anh làm trong ngành trang sức đá quý tại Nhật Bản. Chính người đó đã giúp tôi tìm được nhà cung cấp tốt giá cả phải chăng tại Nhật Bản và họ thậm chí còn cung cấp những nguyên phụ liệu theo yêu cầu của theMay mặc dù chúng tôi đặt với sản lượng không lớn", Thanh Vân chia sẻ thêm.
Hoặc nữa, chuyện theMay sắp có nguồn nguyên liệu mới là thổ cẩm H’Mông để đa dạng hóa sản phẩm, là nhờ Thanh Vân quen với một người bạn đang ở Hà Nội – chuyên về ngành Nhân học và người đó rất rành rẽ về lĩnh vực này. Có thể nói, đó là một "quý nhân" khác của Thanh Vân trên bước đường lập nghiệp.
Vấn đề yếu nhất của theMay bây giờ, theo thú nhận của Thanh Vân, có lẽ là họ vẫn chưa làm sales – marketing đủ tốt. Không ít đêm Thanh Vân nằm trằn trọc suy nghĩ: vì sao sản phẩm của mình tốt mà vẫn chưa có nhiều khách hàng tìm đến?! Thế nên, trong thời gian tới, có lẽ theMay và Thanh Vân cần thêm ‘quý nhân’ trong mảng sales – marketing thì doanh nghiệp mới ‘phất’ lên được.
Quỳnh Như
Theo Trí Thức Trẻ
Theo cafebiz.vn
Từ khóa : Nhà sáng lập, theMay, nước Nhật, trang sức phụ kiện, dân tộc Việt Nam