TP.HCM: Nhiều doanh nghiệp địa ốc than khổ

(NTD) - Thủ tục nhiêu khê, hồ sơ đưa qua đưa lại nhiều sở ngành mà chưa rõ kết quả giải quyết cuối cùng, doanh nghiệp muốn đóng tiền sử dụng đất cũng không được… nhiều vấn đề để triển khai dự án khiến cho doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM vô cùng khó khăn.

Tại “Hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền thành phố với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản”, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành cho biết, gần 1 năm qua công ty triển khai dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên (huyện Bình Chánh), trải qua nhiều cuộc họp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc nhưng vẫn không thống nhất được việc điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch giữa tầng cao, mật độ dân số và hệ số sử đụng đất khiến doanh nghiệp vẫn chưa có quyết định chủ trương đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Đồi, Tổng Giám đốc CTCP Địa ốc và Xây dựng S.S.G 2, thành phố càng thu tiền sử dụng đất của doanh nghiệp càng nhanh càng tốt cho doanh nghiệp và cho ngân sách thành phố. Tuy nhiên, thời gian qua có một số doanh nghiệp "bán lúa non" sản phẩm khi chưa xác định được tiền sử dụng đất dẫn tới lỗ nặng, cầu cứu cơ quan chức năng.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đồi cho rằng, UBND thành phố nên giao Sở Tư pháp chịu trách nhiệm rà soát, tham mưu cho UBND thành phố giải quyết các vướng mắc và độ vênh giữa các luật liên quan đến nhà ở, bất động sản thay vì giao cho từng sở chuyên ngành. Nếu có những vấn đề vượt thẩm quyền của thành phố, UBND thành phố khẩn trương kiến nghị, xin ý kiến của các bộ, Thủ tướng Chính phủ.

Ông Bùi Xuân Huy, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) cho rằng, trong thời gian gần đây lãnh đạo các cấp thành phố đã dần tháo gỡ các vướng mắc như cấp giấy phép xây dựng, giao đất, duyệt tiền sử đụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại một số dự án mà tập đoàn này đang phát triển như dự án chung cư Cô Giang (Q.1), dự án tại số 151-155 Bến Vân Đồn (Q.4), dự án khu cao ốc phường Thảo Điền (Q.2), dự án tại số 1W Điện Biên Phủ (Bình Thạnh), dự án chung cư cao tầng tại số 67 Mai Chí Thọ (Q.2) và 7 dự án tại quận Phú Nhuận…

Tuy vậy, Novaland mong muốn lãnh đạo thành phố, các bộ ngành, Chính phủ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, sớm đưa ra các hướng dẫn, chỉ đạo để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc hiện tại, cho phép Novaland được nhanh chóng tiếp tục triển khai dự án nhằm giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở và đầu tư của người dân; qua đó nâng cao đời sống an sinh xã hội, góp phần làm tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.

Trước các kiến nghị của doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Phong Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị trong 10 ngày tiếp nhận phản ánh, thắc mắc của doanh nghiệp, các sở ngành phải có trả lời hoặc hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp. Các sở ngành phải cùng chia sẻ với doanh nghiệp, thấy sự thành công của doanh nghiệp là sự thành công của thành phố, không để sự trì trệ trong thực thi pháp luật, chính sách, không thể đứng ngoài guồng máy và dòng chảy đang tiến lên phía trước. Cán bộ khi giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp được hay không được phải trả lời, không thể "ngâm" hồ sơ trong khi nhiều doanh nghiệp chịu lãi suất ngân hàng và các chi phí khác đã đổ vào dự án.

Người đứng đầu UBND TP.HCM cho biết đối với những nội dung đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền của thành phố, UBND thành phố sẽ đăng ký lịch làm việc với Văn phòng Chính phủ cùng các bộ, ngành cùng thành phố tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, đối với những vướng mắc thuộc quy trình thủ tục của thành phố, đề nghị các sở, ngành quan tâm phối hợp giải quyết, đẩy nhanh việc triển khai thực hiện dự án cho doanh nghiệp. UBND thành phố sẽ thành lập Tổ công tác họp hàng tuần và đến ngày 30/4 phải giải quyết xong các vướng mắc của 19 doanh nghiệp được nêu trong bản kiến nghị của Hiệp hội bất động sản TP.HCM.

Nguyên Vũ

Theo www.nguoitieudung.com.vn

Từ khóa : TP.HCM, doanh nghiệp địa ốc