PGS - TS. Nguyễn Mạnh Hùng : Tạo ra “Thương Hiệu” cho người học

“Thành công và hạnh phúc lớn nhất của tôi ở ngôi trường này là đã đào tạo ra những sinh viên có chất lượng thật sự và đủ năng lực để làm việc, cống hiến cho xã hội”. Đó là tâm tình của PGS-TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty cổ phần dệt may Sài Gòn kiêm Hiệu trưởng trường Đại Học Nguyễn Tất Thành - người đã đặt nền móng cho trường Đại Học Nguyễn  Tất  Thành từ 16  năm trước, để giờ  đây, ngôi  trường này đã nhận được huân chương lao động hạng nhất và cung ứng hàng ngàn kỹ sư, cử nhân, kỹ thuật viên lành nghề đáp ứng nguồn lao động chất lượng cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Được biết, Trường Đại Học Nguyễn Tất Thành thuộc Tập Đoàn Dệt May VN. Ông có thể cho biết lý do nào một doanh nghiệp lại làm trường học?

Tôi và những nhà đầu tư đều là những người đã từng du học ở nước ngoài về, nên tất cả đều mong muốn có một môi trường giáo dục tốt cho sinh viên Việt Nam (như những phần tốt của giáo dục nước ngoài); đồng thời, luôn mang trong lòng nỗi trăn trở “vì sao sinh viên ra trường không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp?”.

Thấy được lỗ hổng trong công tác đào tạo này, chúng tôi quyết tâm xây dựng một ngôi trường mà đầu ra là sinh viên luôn đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp (DN) .

Với triết lý đào tạo “Thực học - Thực hành - Thực danh - Thực nghiệp” và kết nối thành công giữa 4 nhà: “Nhà doanh nghiệp - nhà quản lý - nhà nghiên cứu - nhà trường”, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (ĐHNTT) không chỉ trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp mà còn trang bị các kỹ năng mềm, ngoại ngữ, kỹ năng sống để giúp 95% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Những nét nổi bật trong đào tạo của trường ĐH Nguyễn Tất Thành là gì, thưa ông ?

ĐHNTT là một trong những trường đầu tiên áp dụng chuẩn đầu ra cho từng ngành đào tạo. Theo đó, sinh viên cần đáp ứng các yêu cầu về kiến thức tổng quát và chuyên ngành, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng nghề, kỹ năng mềm… định hướng theo thị trường lao động. Nhiều chương trình đào tạo của trường được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế và đang được đánh giá theo Bộ tiêu chuẩn AUN - QA của mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á. Bên cạnh đó, nhà trường đã và đang xây dựng các đề án đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các DN quốc tế như Samsung, Intel, AEON.

Chương trình đào tạo của ĐHNTT thường xuyên được cập nhật và thiết kế không chỉ bởi các nhà giáo nhiều kinh nghiệm giảng dạy, mà còn được sự đóng góp từ các chuyên gia hàng đầu của các DN đang liên kết với ĐHNTT qua mô hình Câu lạc bộ DN Nguyễn Tất Thành (CLB NTT). Với hơn 100 DN thành viên hoạt động đa lĩnh vực, CLB NTT là nơi nhà trường, DN, giảng viên, người sử dụng lao động gặp gỡ, trao đổi và hợp tác để nâng cao chất lượng đào tạo cũng như tạo ra được những người lao động giỏi kiến thức lẫn chuyên môn thực hành nghề nghiệp.

Hiện nay, chúng tôi cũng đang có mối quan hệ hợp tác với hơn 90 đối tác tại các nước thực hiện việc liên kết đào tạo, trao đổi sinh viên - giảng viên, liên thông hợp tác nghiên cứu,...

Nhìn lại hành trình 16 năm qua, ông có thể cho biết những thành tựu của ĐH NTT ?

Từ lúc thành lập trường, chúng tôi đã xác định sứ mệnh đào tạo ra những con người có kiến thức vững chắc về khoa học công nghệ, xã hội nhân văn, có tư duy và năng lực sáng tạo để tham gia tích cực vào tiến trình đổi mới trong xã hội. Đến nay, sau 16 năm, ĐHNTT gần như đã đạt được những điều ấy.

Ngoài việc đầu tư, phát triển đội ngũ nhân sự với 2.000 giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng, 1 Anh hùng lao động, 1 nhà giáo nhân dân, 8 giáo sư, 20 phó giáo sư, hơn 80 tiến sĩ và gần 500 thạc sĩ, nhà trường cũng đặc biệt chú trọng công tác xây dựng cơ sở vật chất. Hiện nay, trường đã có 8 cơ sở tại TPHCM với hơn 500 phòng học hiện đại, cung cấp 20.000 chỗ học cho sinh viên theo học tại 20 khoa, 51 chương trình đào tạo với đầy đủ các chuyên ngành về y tế, kinh tế - tài chính, kỹ thuật công nghệ, khoa học xã hội, ngoại ngữ, hội họa. Mỗi năm, nhà trường cũng trích trên 5 tỷ đồng trao tặng học bổng cho sinh viên.

Một trong những thành tích nổi bật nhất của ĐH NTT là đã đầu tư rất lớn vào nghiên cứu khoa học cho giảng viên và sinh viên với kinh phí trên 10 tỷ đồng/ năm. Từ năm 2011 đến nay, đã có trên 100 đề tài các cấp do giảng viên nhà trường đứng tên làm chủ nhiệm. Trong đó có 8 đề tài cấp Nhà nước, 16 đề tài cấp Bộ.

Không chỉ đem tới một môi trường học tập chất lượng cao, nhà trường còn tạo điều kiện bồi dưỡng để sinh viên cọ xát thực tế qua những cuộc thi mang tầm cỡ quốc gia, châu lục và thế giới như cuộc thi Hùng biện tiếng Anh, Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo TP.HCM, Sinh viên Nghiên cứu Khoa học Euréka, và đặc biêt là cuộc thi tay nghề ASEAN. Các em đã mang vinh quang về cho nhà trường bằng những giải thưởng cao quý, những tấm huy chương, những bằng khen từ các cuộc thi đó.

Ông có thể chia sẻ, nhờ đầu ĐH NTT đạt được những thành quả ấy ?

Năm 2001, chúng tôi là một trong những công ty đầu tiên của ngành Dệt May chuyển đổi sang công ty cổ phần. Lúc bấy giờ, tôi và Hội đồng quản trị đã rất khó khăn trong việc quyết định hướng đi mới cho công ty. Đứng trước những lựa chọn như chuyển quyền sử dụng đất lấy số tiền lớn, hoặc xây dựng chung cư với mục đích siêu lợi nhuận, tôi đã thuyết phục Hội đồng quản trị đầu tư vào xây dựng trường học với phương châm “Đào tạo phải đi đôi với thực hành, đảm bảo lợi ích của người học, lợi ích của người thầy, lợi ích của xã hội”. 16 năm chưa thực sự là bề dày về “tuổi đời” của ĐHNTT, nhưng chúng tôi đã biết sử dụng sức mạnh nội lực của đội ngũ cán bộ quản lý nhiều kinh nghiệm từ DN, kết hợp với sức mạnh ngoại lực của các chuyên gia đầu ngành về học thuật và nghiên cứu khoa học làm hạt nhân dẫn dắt đội ngũ giảng viên trẻ.

Tạo ra “thương hiệu” cho người học chính là lời cam kết chân thành nhất của Nhà trường với người học. Đây là một phương châm, một cách làm giáo dục mới được đánh giá là rất thiết thực và hiệu quả.

Là mô hình DN làm trường học, chúng tôi đã có những tư duy đột phá, định hướng trong việc xây dựng cách thức quản lý giáo dục theo cách nhìn của một DN. Nếu như DN luôn phải cải tiến, làm mới, đa dạng hóa sản phẩm cho phù hợp với thị hiếu của khách hàng; thì nhà trường cũng phải thay đổi chương trình đào tạo, phương thức quản lý,... để phù hợp với sinh viên và các DN. Họ chính là những khách hàng cần phải được chăm sóc.

Phát huy những thành quả đã đạt được, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển để ĐHNTT trở thành một trường đại học hiệu quả sức mạnh nội ngang tầm khu vực và quốc tế trong tương lai.

Để trở thành một trong những ngôi trường hàng đầu trong khu vực, ĐHNTT sẽ làm những gì trong thời gian tới, thưa ông?

Với hơn 15.000 sinh viên đang theo học cùng những thành tích nói trên, chúng tôi tự hào đã đóng góp và tạo được uy tín của trường trong sự nghiệp “trồng người” của đất nước. 

Để ĐHNTT sánh tầm khu vực, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm giảng dạy và tâm huyết; xây dựng một số chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp và ứng dụng đạt chuẩn khu vực và quốc tế (theo nhu cầu của các nhà tuyển dụng); đẩy mạnh việc sử dụng tiếng Anh trong toàn trường; Tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo,…

Ngoài 8 cơ sở đào tạo nằm ngay trung tâm TP.HCM, chúng tôi đã khởi công xây dựng Trung tâm Công nghệ cao hiện đại rộng 4.7 ha, tọa lạc tại khu Công nghệ cao TP.HCM với kinh phí đầu tư 1.100 tỉ đồng. Đây là một trong những bước tiến quan trọng làm nền tảng để phát triển ĐHNTT trở thành một trường đại học trọng điểm, định hướng nghiên cứu kết hợp với ứng dụng, đáp ứng chuẩn đầu ra của DN trong và ngoài nước, tiến tới đạt chuẩn khu vực và quốc tế trong nền kinh tế tri thức, hội nhập hiện nay.

"16 năm chưa thực sự là bề dày về “tuổi đời” của ĐHNTT, nhưng chúng tôi đã biết sử dụng hiệu quả sức mạnh nội lực của đội ngũ cán bộ quản lý nhiều kinh nghiệm từ DN, kết hợp với sức mạnh ngoại lực của các chuyên gia đầu ngành..."

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng

Cám ơn những chia sẻ của ông.

 

Theo Ngày Mới Saigon - NXB Thanh Niên

Từ khóa : PGS-TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Mạnh Hùng,ĐH Nguyễn Tất Thành,Đại Học Nguyễn Tất Thành