"Forbes 30 under 30" Nguyễn Tuấn Cường và bí quyết nuôi dưỡng studio vô danh vươn lên dẫn đầu thế giới game âm nhạc: "Đẻ" nhiều - thử nghiệm nhanh - tiêu diệt gọn!
Chỉ trong vòng 5 năm, Amanotes từ một studio về game nhỏ tại Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu thế giới trong mảng game âm nhạc. Thành công này là nhờ những chiến lược phát triển sản phẩm và kinh doanh đầy thông minh của cặp đôi founder Nguyễn Tuấn Cường – Võ Tuấn Bình.
Người ta thường bảo rằng, khởi nghiệp vô cùng vất vả, nhưng sau gần 6 năm lăn lộn trên thương trường, Nguyễn Tuấn Cường - người vừa lọt vào danh sách Forbes Việt Nam 30 Under 30 năm vừa qua, vẫn giữ được khuôn mặt baby cùng nụ cười mắt hí như một cậu sinh viên vừa tốt nghiệp đại học dù đã 29 tuổi.
Sản phẩm đơn giản
Mở đầu câu chuyện, Nguyễn Tuấn Cường kể về duyên hợp tác tình cờ cùng "đàn anh" Võ Tuấn Bình. Sau khi ra trường về nước, Cường từng làm việc cho 2 công ty, sau đó Cường nghỉ việc vì thích làm việc cho một startup hơn là doanh nghiệp lớn. Anh chia sẻ quan điểm này lên Facebook và tình cờ Võ Tuấn Bình đọc được status đó. Cả hai đã hẹn gặp nhau, nói chuyện cảm thấy hợp và quyết định cùng gầy dựng Amanotes.
Thời điểm này, tức là năm 2014, Võ Tuấn Bình còn ‘chân trong chân ngoài’ nên chỉ phụ trách phần lập trình tạo ra sản phẩm, tất cả phần việc còn lại của Amanotes đều do Nguyễn Tuấn Cường quán xuyến.
Do là công ty về game âm nhạc, nên trong văn phòng của Amanotes có rất nhiều nhạc cụ.
Sự trưởng thành của Amanotes phản ánh sự trưởng thành của Nguyễn Tuấn Cường và ngược lại. Nếu thời gian đầu là vừa học vừa làm, thì Cường của hiện tại có thể một mình đảm đương nhiều phía, vừa có thể làm người phát triển sản phẩm, marketing kiêm seller mà vẫn thoải mái với cuộc sống. Điều duy nhất mà Cường cùng Amanotes chưa bao giờ thay đổi: sản phẩm ra mắt luôn đi theo tiêu chí và cũng là slogan của doanh nghiệp ‘Everyone can music – Ai cũng có thể chơi nhạc".
Các sản phẩm game âm nhạc của Amanotes đơn giản đến mức có thể để phục vụ đám đông không biết nhạc lý hoặc chơi nhạc cụ, chứ không phải những công cụ phức tạp phục vụ cho một bộ phận người làm âm nhạc chuyên nghiệp.
Năm 2017, Amanotes ra mắt Magic Tiles 3 và tạo được tiếng vang lớn trên thị trường game âm nhạc thế giới, khi liên tục đứng đầu BXH của iOS và Google Play trong nhiều tuần, nhất là tại thị trường Mỹ. Cho tới thời điểm này, sau hơn 2 năm, Magic Tiles 3 vẫn giữ được độ hot của mình trên các bảng xếp hạng kể trên.
Lý do khiến Magic Tiles 3 thành công đến vậy là nhờ cách chơi đơn giản, chỉ với 4 phím bấm trên smartphone, ai cũng chơi được cùng đồ họa đẹp mắt, kho nhạc phong phú – từ cổ điển đến hiện đại, âm thanh chuẩn chỉnh và liên tục được nâng cấp từ tính năng đến kho nhạc.
Đơn giản và dễ chơi luôn là tiêu chí hàng đầu mà Amanotes đề ra cho các startup của mình và các đối tác khi sản xuất/phát hành một sản phẩm mới.
Thay vì cố làm những sản phẩm thật phức tạp, thật hoành tráng để đua tranh cùng các đối thủ, Amanotes hành động ngược lại: luôn đơn giản hóa sản phẩm nhất có thể. Thay vì giữ các sản phẩm thật lâu kiểu ‘cố đấm ăn xôi’ chờ cơ may, họ đi theo hướng 'đẻ' nhiều – thử nghiệm nhanh – tiêu diệt gọn. Thay vì tự mình ôm đồm quản lý một lúc rất nhiều người khi doanh nghiệp dần phát triển lớn mạnh, họ chọn mô hình startup trong startup, chỉ quản lý duy nhất người đứng đầu các nhóm độc lập trong công ty.
Thay vì cố nhét tất cả các loại âm nhạc vào trong 1 game, Amanotes chia ra: kho nhạc của Magic Tiles 3 bao gồm những bài hát cổ điển có giai điệu du dương, cũng như các bài nhạc pop/dance đương đại có tiết tấu chậm dành cho tất cả mọi người; kho nhạc của Tap Tap Reborn 2 gồm những bài nhạc rock/R&B có tiết tấu nhanh và phức tạp, dành cho số ít game thủ chuyên nghiệp, hoặc những người chơi thích thử thách khó hơn Magic Tiles 3. Ngoài ra, Tiles Hop dành cho người yêu thích EDM với độ khó trung bình, Magic Dream Tiles có thêm lời ngoài nhạc.
Trong khi tất cả mọi người mọi nhà đang cố dồn tất cả mọi thứ vào một để tạo ra những siêu ứng dụng – siêu sản phẩm, thì Amanotes đi ngược lại với thời cuộc, tách mọi thứ ra ở mức đơn giản nhất – phục vụ cho một đối tượng người chơi khu biệt. Danh tiếng của những Magic Tile hay Tap Tap Reborn cho thấy: hướng đi này của họ phù hợp với thị hiếu của thị trường ngách game âm nhạc.
Những tựa game nổi tiếng của Amanotes.
Thử nghiệm nhiều, tiêu diệt nhanh
Theo App Annie - nền tảng đầu ngành trong lĩnh vực cung cấp và phân tích dữ liệu di động, thì trong quý IV/2019, Amanotes đã giành được vị trí số 1 trong BXH những nhà phát hành game di động có lượt tải về cao nhất trên cả hai nền tảng iOS và Google Play Store. Nếu chỉ tính riêng tại Hoa Kỳ, ứng dụng của Amanotes cũng được xếp vị trí thứ 8 trong Top 10 games có lượt tải về nhiều nhất.
Còn nếu tính cả năm 2019, Amanotes xuất sắc trở thành một trong 15 nhà xuất bản game và là 1 trong 20 nhà xuất bản ứng dụng di động hàng đầu thế giới trên tất cả danh mục. Kể từ khi thành lập đến nay, họ đã cho ra mắt hơn 60 tựa game trên các nền tảng khác nhau.
Để tạo nên được thành tích trên, ngoài sự đóng góp rất lớn từ các game hàng đầu như Magic Tiles 3, Tap Tap Reborn 2 hay Tiles Hop; còn có nhiều tựa game khác như Dancing Ballz, Infinity Run, Piano Classic 4, Helix Crush, Piano Challenge… Và để có hơn 60 tựa game chuyên về âm nhạc, nghệ thuật khác nhau giới thiệu với các game thủ, Amanotes đã lựa chọn trong hàng trăm game khác nhau mà họ đã tự sản xuất hoặc hợp tác phát hành.
"Để không dây dưa hay tốn tiền marketing vô ích, Amanotes đi theo chiến lược đẻ nhiều – thử nghiệm nhanh – tiêu diệt gọn khi phát triển sản phẩm.
Cụ thể: hiện tại, mỗi tuần Amanotes giới thiệu 2 game và sau 2 tuần thử nghiệm, nếu cảm thấy game nào có phản ứng từ người chơi tốt, chúng tôi sẽ phát hành chính thức trên các chợ ứng dụng của iOS/Android cũng như đốt tiền làm marketing – PR; nếu cảm thấy game nào nhận về phản hồi không tốt, chúng tôi sẽ ngay lập tức khai tử", Nguyễn Tuấn Cường kể.
Đây là quy trình phát hành game hiệu quả mà họ đã đúc kết được sau 5 năm chinh chiến trên thị trường. Và sở dĩ, Amanotes có thể tập trung thử nghiệm liên tục như vậy là bởi họ có nguồn game dồi dào từ các startup trong doanh nghiệp, cũng như từ các đối tác bên ngoài. Thêm nữa, tiêu chí ra sản phẩm đơn giản cũng giúp ngân sách đầu tư cho việc sản xuất không quá lớn. Tức là, nếu game không tiềm năng thì có khai tử cũng không cảm thấy đau lòng.
Một góc văn phòng của Amanotes.
Hiện tại, theo tính toán của Nguyễn Tuấn Cường, 2 khoản mà startup đang phải chi ra nhiều nhất chính là tiền bản quyền âm nhạc và tiền marketing cho các sản phẩm.
Bởi vậy, quy trình ở Amanotes có thể không đúng với những game ở mảng khác như thể thao, chiến đấu hay hoạt hình hoặc không khả thi với những game phức tạp đòi hỏi phải đầu tư quá nhiều tiền.
Với phương thức sản xuất và phát hành này, Amanotes không chỉ áp đảo các đối thủ khác ở chất lượng mà cả ở số lượng trên thị trường. Nhờ đó, sau hơn 5 năm, họ từ một studio vô danh tại Việt Nam, đã vượt qua được các đối thủ sừng sỏ khác – như từ Trung Quốc, để vươn lên mạnh mẽ dẫn đầu mảng game âm nhạc trên thế giới.
Chiến lược đột phá startup trong lòng startup và phát hành game của đối tác khác
Trong thế giới game, câu chuyện sớm nở tối tàn khá phổ biến, nhiều studio sau khi có được một tựa game để đời thì càng ngày càng xuống dốc và không thể quay lại đỉnh cao một lần nữa dù đã bỏ ra rất nhiều cố gắng. May mắn thay, Amanotes đã vượt qua được điều đó.
Sau thành công đầy bất ngờ của Magic Tiles 3 năm 2017, startup này vẫn giữ được đôi chân trên mặt đất, liên tục cải tiến tựa game này cũng như phát hành nhiều tựa game khác. Thành quả: game Magic Tiles 3 của họ vẫn tiếp tục giữ được độ hot trong lòng game thủ, ngoài ra bản thân Amanotes vươn lên trở thành một thế lực thực sự trong mảng game âm nhạc, chứ không đơn thuần là studio may mắn có một tựa game phổ biến trên thế giới.
2 chiến lược bước ngoặc chính là xây dựng mô hình startup trong lòng startup và trở thành nhà phát hành game cho các studio nhỏ khác.
Nhân sự của Amanotes đến từ khoảng 10 quốc gia khác nhau.
"Hiện tại, bên trong Amanotes có 4 nhóm sản xuất độc lập, được chúng tôi xem như những startup trong lòng Amanotes. Theo đó, thay vì phải quản lý rất nhiều người ở nhiều bộ phận khác nhau, chúng tôi chỉ cần làm việc trực tiếp với 4 người dẫn đầu 4 đội này.
Tôi cùng anh Bình sẽ chịu trách nhiệm đưa ra chiến lược phát triển chung và phù hợp với thị trường cũng như triết lý kinh doanh của Amanotes, 4 đội có trách nhiệm phát triển sản phẩm theo định hướng chung đó. Sau khi các startup hoàn thành sản phẩm, chúng tôi lại có trách nhiệm thử nghiệm, phát hành và làm marketing nếu thấy nó có tiềm năng kinh tế", Nguyễn Tuấn Cường kể tiếp.
Nên nếu nói Amanotes hiện đang đóng vai trò như một quỹ đầu tư cho các startup của mình cũng không có gì sai. Ngoài cung cấp ngân sách, kho nhạc có bản quyền, kiến thức xu hướng thị trường; Nguyễn Tuấn Cường và Võ Tuấn Bình sẽ đóng vai trò như những nhà cố vấn – mentor cho 4 đội trong quá trình xây dựng và phát triển một tựa game. 4 người đứng đầu 4 đội sẽ có toàn quyền quyết định về tất cả mọi thứ trong team của mình.
Hiện tại, tổng nhân sự của Amanotes khoảng 200 người, đến từ 10 quốc gia khác nhau. Theo Nguyễn Tuấn Cường, về lập trình hay công nghệ truyền thống, Việt Nam không thiếu người giỏi, nhưng về những công nghệ tiên tiến như AI, machine learning chúng ta vẫn còn thiếu, nên Amanotes buộc phải thuê nhân sự từ nhiều nước khác nhau. Môi trường năng động, sáng tạo, tự do là một trong những lợi thế cạnh tranh của Amanotes trên thị trường lao động hiện tại.
"Hiện tại, chưa có đội nhóm nào trong công ty bỏ chúng tôi mà đi, nhưng trong tương lai, nếu trưởng nhóm nào có ý định đó, sau khi bàn bạc và phân tích lợi lẫn hại, mà bạn đó vẫn giữ nguyên ý định ra đi; chúng tôi vẫn sẽ chấp thuận chia tay, như cuộc chơi vốn luôn vậy – có hợp có tan", Nguyễn Tuấn Cường khẳng định.
Đối với việc trở thành nhà phát hành game, Amanotes không xem các studio khác là đối thủ. Nếu game đó được chào đón, thì Amanotes cũng thu lại lợi nhuận đáng kể. Cạnh tranh lành mạnh luôn tốt cho các doanh nghiệp và cả thị trường.
Nhân sự tổng của Amanotes.
Muốn trường tồn trên thị trường, thay vì làm con hãy chuyển sang làm cái! Đây là chiến lược phát triển đang được nhiều công ty công nghệ trên thế giới theo đuổi. Ví dụ: Samsung không chỉ sản xuất các thiết bị thông minh mang thương hiệu Samsung mà còn đầu tư sản xuất các loại linh kiện phụ trợ cho các thương hiệu điện thoại thông minh khác; HTC không chỉ sản xuất thiết bị chơi game AR – VR, mà họ còn muốn tạo ra một hệ sinh thái về AR – VR mà sau này tất cả những thương hiệu sản xuất các thiết bị về AR – VR đều có thể sử dụng chung.
Có một điều đặc biệt nữa, trong khi nhiều startup về công nghệ khác thường vội vàng gọi vốn khi chỉ mới có 1 đến 2 năm tuổi, Amanotes chưa gọi vốn lần nào dù đã phát triển được hơn 5 năm. Bởi, theo Nguyễn Tuấn Cường, startup vẫn tự chủ được tài chính nên không cần sự hỗ trợ từ bên ngoài. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi trong tương lai, khi Amanotes bắt đầu có ý định Go Global – tiến công ra nước ngoài.
Để đến gần hơn với mục tiêu trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ - âm nhạc trên thế giới, trong tương lai gần, startup này có ý định mở thêm chi nhánh ở châu Á, để tiếp cận trực tiếp thị trường cũng như tận dụng nguồn nhân sự chất lượng cao trong khu vực. Ngoài ra, Cường cho biết sẽ chú trọng hơn vào mảng giáo dục âm nhạc, như ra mắt các ứng dụng giúp người chơi luyện piano theo cách đơn giản – dễ dàng.
Ở những game trước đây của Amanotes, ý tưởng xây dựng game không mới nhưng nhờ cách thể hiện đặc sắc hơn những người cũ, họ đã thắng. Những game giáo dục âm nhạc sau này của Amanotes có lẽ cũng sẽ đi theo đường lối ấy.
Quỳnh Như
Theo Trí Thức Trẻ
Theo cafebiz.vn
Từ khóa : Nguyễn Tuấn Cường, bí quyết, studio, game âm nhạc