CEO chuỗi pizza Việt sáng tạo ‘burger corona’ lên báo ngoại: Trả 4 mặt bằng, đưa 3 cửa hàng vào chế độ ‘ngủ đông’, duy trì 5 điểm bán online và lập 3 nhóm hành động cầm cự mùa dịch!

Xuất hiện trên Reuters, CNN, BBC… với sản phẩm burger mô phỏng hình virus corona, CEO Pizza Home cho biết đây là sản phẩm mới nằm trong nhóm hành động TĂNG của doanh nghiệp. Trả 4 mặt bằng, đưa 3 mặt bằng vào trạng thái “ngủ đông”, duy trì hoạt động 5 cửa hàng chỉ phục vụ bán online và giao hàng cho khách. Một loạt hành động Cắt - Giảm - Tăng của Pizza Home giúp doanh nghiệp này kéo dài thời gian cầm cự trong đại dịch Covid-19.

Đường phố Hà Nội những ngày cách ly xã hội trở nên trầm lắng khi gần như tất cả hàng quán đều cửa đóng then cài. Với ngành F&B, tìm cách sinh tồn khi kinh doanh sản phẩm không thiết yếu là bài toán khó cho các ông chủ trong đại dịch Covid-19.

"F&B là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng của đại dịch Covid-19. Một số người bạn của tôi cùng kinh doanh trong lĩnh vực F&B đã phải đóng cửa hoàn toàn công việc kinh doanh của mình và chấp nhận cắt lỗ".

"Một số khác sau một thời gian cân đo đong đếm thì quyết định "ngủ đông", tức cho toàn bộ nhân viên nghỉ, đóng cửa hàng cho đến khi đại dịch qua đi và sức mua tăng trở lại. Một số khác vẫn duy trì và dịch chuyển từ offline sang online. Tuy nhiên có một thực tế là kể cả có dịch chuyển được thì doanh số nói chung vẫn giảm rất nhiều so với doanh số cùng kỳ năm ngoái hay doanh số trước dịch", ông Hoàng Tùng - CEO chuỗi cửa hàng Pizza Home chia sẻ với Trí thức trẻ.

* PV: Thưa ông, đại dịch Covid-19 và đặc biệt là chỉ thị cách ly toàn xã hội mới đây ảnh hưởng cụ thể thế nào tới Pizza Home?

- Ông Hoàng Tùng: Chúng tôi làm việc theo 3 nhóm hành động: CẮT – GIẢM – TĂNG.

Cắt: Một số địa điểm kinh doanh không quá tốt, trước đây duy trì để giữ quy mô và thương hiệu, thì bây giờ tình hình khó khăn nên quyết định cắt bỏ.

Giảm: Một số địa điểm kinh doanh khác thì chúng tôi làm các biện phát để GIẢM chi, như thương thuyết để giảm tiền nhà, giảm các chi phí hậu cần vận chuyển, chi phí điện, nước v.v… và khi GIẢM rồi thấy bài toán kinh doanh khả thi thì chúng tôi duy trì những cửa hàng đó.

Tăng: Song song với hai nhóm biện phát CẮT và GIẢM như cách phòng thủ thì chúng tôi có cố gắng TĂNG để duy trì doanh thu. Tăng ở đây là tăng R&D (nghiên cứu và phát triển) để ra các sản phẩm mới hơn, tăng cường tạo ra các sản phẩm cho khách hàng làm tại nhà (bán nguyên liệu đế bánh, phô mai…) và tăng mở rộng thêm kênh offline sang online để mở rộng tệp khách hàng hơn.

Trước dịch, Pizza Home có 12 cơ sở. Chúng tôi quyết định trả 4 mặt bằng. 3 mặt bằng thì tạm trong trạng thái ngủ đông và 5 cửa hàng thì hoạt động online, chỉ giao hàng đi cho khách hàng.

Chúng tôi vẫn thực hiện 3 biện pháp này trước thời gian diễn ra dịch bệnh, tuy nhiên trong dịch thì thực hiện quyết liệt, mong có thể sớm vượt khủng hoảng…

* Pizza Home gần đây gây chú ý trên cả các báo quốc tế với nhiều thay đổi thích nghi trong đại dịch như bánh mỳ thanh long, burger corona hay buồng khử khuẩn cho khách hàng... Những câu chuyện kiểu này trợ lực thế nào cho hoạt động của doanh nghiệp?

- Những sản phẩm tiếng vang đó nằm trong nhóm giải pháp TĂNG.

Quan điểm của tôi là luôn luôn tìm kiếm cơ hội trong khủng hoảng. Ví dụ như trong điểm khủng hoảng sẽ phát sinh ra những nhu cầu mới. Nếu chúng ta bám sát vào những nhu cầu của khách hàng thì chúng ta có thể tạo ra những sản phẩm mới.

Ví dụ như gói sản phẩm pizza đông lạnh (để khách tự nướng tại nhà) và nguyên liệu làm bánh (để khách tự làm bánh tại nhà) trước giờ vẫn chỉ là sản phẩm phụ nhưng trong thời gian khủng hoảng vừa rồi đã bán tốt vì nó đã theo đúng được nhu cầu phát sinh và hành vi tiêu dùng thay đổi khi khách hàng phải ở nhà.

Hay như những sản phẩm như pizza thanh long hay burger corona thì nó nằm trong việc R&D ra sản phẩm mới. Và rất may là những sản phẩm này đã lan tỏa được tinh thần lạc quan của doanh nghiệp khiến khách hàng thích thú. Sản phẩm burger corona đã được các hãng thông tấn lớn nhất thế giới như BBC, CNN, Reuters, AP, NBC… đưa tin và tự hào hơn cả là ngoài việc nói về thông điệp lạc quan và tích cực do sản phẩm mang lại, các bản tin cũng rất khen ngợi Việt Nam trong công cuộc phòng chống và kiểm soát dịch bệnh.

 

* Trong đại dịch này, các kế hoạch trong năm của doanh nghiệp đã phải xoay chuyển thế nào?

- Kế hoạch 2020 lập ra vào tháng 12/2019 là tăng trưởng. Tuy nhiên đến bây giờ kịch bản đã phải viết lại về một số phần, với tỷ lệ phần trăm tăng trưởng giảm xuống, tỷ lệ mở điểm bán giảm xuống và tỷ lệ doanh số online chiếm tỷ trọng lớn hơn.

Tuy nhiên chúng tôi vẫn để kế hoạch tăng trưởng như một dấu mốc để doanh nghiệp phấn đấu. Cố gắng tối ưu chắt chiu trong thời điểm hiện tại, tìm kiếm các cơ hội phát triển và hướng đi mới, hy vọng là sau khi cơn khủng hoảng qua đi, sức mua tăng trở lại, công việc kinh doanh sẽ trở lại đúng theo hướng tăng trưởng.

* Gần đây ông có chia sẻ cách thương thảo giá thuê với chủ nhà trong đại dịch Covid-19. Ở phía Pizza Home thì sao, doanh nghiệp đã đàm phán thế nào với chủ nhà? Các mặt bằng thuê hiện có được hỗ trợ giảm giá?

- Quan điểm của tôi là tư duy trước khi ngồi vào đàm phán là rất quan trọng. Khi chúng ta tư duy người chủ nhà cho thuê với mình là đối tác, lúc đó chúng ta sẽ có một tư duy đàm phán đúng đắn. Ngoài việc tư duy đúng về vấn đề đối tác, chúng ta phải có tư duy Win - Win, nghĩa là nói cho chủ nhà những cái lợi của họ khi họ đồng ý giảm giá thuê cho chúng ta.

Thứ hai, việc biết được mục tiêu của mình khi đàm phán rất quan trọng. Chúng ta biết được rằng điểm bán đó đang có lãi hay không? Nếu giảm giá tiền nhà được bao nhiêu phần trăm thì có thể duy trì hoạt động kinh doanh trong thời gian bao lâu. Biết được điều đó thì chúng ta sẽ có dấu mốc đàm phán và tập trung được vào mục tiêu đàm phán của mình và biết được tư thế của mình khi ngồi vào bàn đàm phán.

Thứ ba, đó là yếu tố quyết định đàm phán, nghĩa là hãy quyết định gặp mặt chủ nhà, nói chuyện, đề xuất giảm giá, đây là yếu tố khiến nhiều người còn e ngại do từ trước đến giờ vai trò người thuê và người cho thuê hay bị hiểu nhầm sang quan hệ Xin - Cho. Nói chung hãy mạnh dạn đàm phán. Không đàm phán thì kiểu gì cũng không được giảm. Có đàm phán thì có thể được hoặc không, bạn không thiệt thòi gì. 

Theo tôi ba yếu tố trên là quan trọng hơn cả. Những thứ còn lại hầu như mang yếu tố kỹ thuật…

Như bản thân chuỗi Pizza Home cũng có những điểm chúng tôi không thương thuyết được với chủ nhà và quyết định phải đóng cửa, trả lại mặt bằng và ngưng kinh doanh. Tuy nhiên phần lớn các điểm thuê sau khi phân tích lợi hại thì chủ nhà đều đồng ý giảm giá thuê và thể hiện tinh thần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Tôi nghĩ đó là hành động đúng đắn cần phải làm.

* Dòng tiền hiện tại của doanh nghiệp hiện ra sao? Nếu tiếp tục lệnh cách ly toàn xã hội, sức đề kháng của doanh nghiệp đến đâu?

- Cũng như tất cả những người kinh doanh, dịch bệnh là điều không ai mong muốn nhưng nó đã xảy ra và đó là một thực tế. Chúng ta nhìn thẳng vào thực tế và cố gắng tìm giải pháp.

Chúng tôi duy trì quỹ tiền mặt phòng thủ là 4 tháng. Tuy nhiên sau khi quyết liệt làm các biệt pháp CẮT và GIẢM thì có thể nuôi sống doanh nghiệp đến 6 tháng. Thời gian vừa qua chúng tôi chịu tổn thất, phải bù lỗ, tuy nhiên do những dòng sản phẩm mới và kênh bán hàng mới được triển khai nên vẫn có thể cầm cự được.

Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài thì chúng tôi xác định năm 2020 sẽ là một năm doanh nghiệp chịu lỗ và mục tiêu sẽ là cố gắng duy trì quy mô, nhân sự và doanh số để đảm bảo mức lỗ ít nhất có thể.

 

* Tính hiệu quả khi Pizza Home bán online đến đâu? Dường như mọi người ở nhà hoặc làm việc tại nhà giờ chủ động nấu ăn nhiều hơn mua đồ nấu sẵn?

- Việc chuyển đổi từ offline sang online của Pizza Home bước đầu giúp doanh nghiệp duy trì được doanh số. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta phải chạy theo hành vi của khách hàng để tạo ra những sản phẩm phù hợp.

Ví dụ như thời điểm ban đầu khi mới có dịch và mọi người tránh tụ tập chỗ đông người thì việc gọi đồ ăn về nhà diễn ra khá thường xuyên. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh trở nên khó kiểm soát thì mọi người có xu hướng ra siêu thị mua đồ và về tự nấu tại nhà. Sau một thời gian nữa, khách hàng sẽ muốn có những hoạt động giải trí liên quan đến ẩm thực.

Vậy nên, tuy rằng doanh nghiệp chuyển đổi từ offline sang online nhưng tùy từng thời điểm hành vi mua hàng thay đổi thì chúng ta cần phải có những sản phẩm phù hợp. Ví dụ như thời điểm ban đầu thì có thể vẫn là những sản phẩm cơ bản trên menu trước đây ta vẫn phục vụ. Tuy nhiên khi khách hàng muốn tự làm tại nhà thì chúng ta phải có những sản phẩm bổ sung, như Pizza Home đẩy mạnh pizza đông lạnh (frozen pizza) để khách hàng có thể tự nướng tại nhà hay combo Làm bánh (gồm đế bánh và phô mai) để khách hàng có thể tự làm bánh tại nhà một cách đơn giản nhất.

Tóm lại, quan điểm của tôi là hãy đi theo sự thay đổi về hành vi mua hàng của khách hàng để có sự thay đổi về sản phẩm sao cho phù hợp.

* Mới đây, Bộ Tài chính đã ra Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, đồng thời kiến nghị Chính phủ đề xuất với Quốc hội giảm thuế cho doanh nghiệp còn 15 - 17%. Ông nhìn nhận tính hỗ trợ của nghị định và đề xuất này tới các doanh nghiệp F&B như thế nào?

- Nhà nước đã có quyết định rất nhanh trong việc giãn thuế cho doanh nghiệp và tung ra các gói hỗ trợ ưu đãi vay. Tôi thấy trong đại dịch, Nhà nước đã có những quyết sách rất tích cực ủng hộ doanh nghiệp.

Có ngành ảnh hưởng nhiều. Có ngành ảnh hưởng ít. Và ngành nào cũng yêu cầu có sự hỗ trợ mang tính đặc thù cho ngành của mình thì rất khó cho Chính phủ

 

Với riêng ngành F&B, tôi không có đề xuất gì riêng cả. Tôi cho rằng có ngành ảnh hưởng nhiều, có ngành ảnh hưởng ít. Và ngành nào cũng yêu cầu có sự hỗ trợ mang tính đặc thù cho ngành của mình thì rất khó cho Chính phủ.

Thực ra khủng hoảng xảy ra cũng một phần sẽ là một cuộc sàng lọc giúp doanh nghiệp tự nhìn lại mình. Việc đào thải một số doanh nghiệp yếu kém là điều đau lòng nhưng đó cũng là một phần rủi ro của việc kinh doanh. Doanh nghiệp cũng không thể nào dựa vào các chính sách ủng hộ của nhà nước mãi được.

Với tôi, nếu được, tôi muốn đề xuất giảm lãi suất vay cho doanh nghiệp và giảm hoặc miễn thuế thu nhập cho người dân. Vì mỗi cá nhân trong thời điểm nạn dịch này là những người chịu ảnh hưởng ít nhiều về thu nhập. Việc giảm hoặc miễn thuế thu nhập cá nhân trong một thời gian là một việc làm nhân văn và cần thiết của chính phủ đối với từng cá nhân trong xã hội

* Xin cảm ơn ông!

Trước tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, nhiều cơ sở F&B bắt buộc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh online để cầm cự. Tuy nhiên, những rào cản về kiến thức công nghệ, phụ thuộc vào các kênh giao hàng thứ ba khiến chủ doanh nghiệp gặp khó khăn khi muốn số hóa quy trình quản lý, giao hàng.

Giải pháp Bizfly Nhà Hàng của VCCorp ra đời giúp bất kỳ cửa hàng nào cũng online hoá được ngay lập tức. Bizfly Nhà Hàng giúp ngay cả cửa hàng nhỏ cũng:

1. Chủ động có kênh bán riêng trên Fanpage, không cần Website. Kênh bán hàng có chatbot ảo hỗ trợ tư vấn, đặt món trực tuyến 24/7, có hệ thống giao hàng uy tín

2. Cắt giảm chi phí nhân sự. Một nhân viên có thể đồng thời quản lý nhiều cơ sở, kênh bán hàng online (Facebook, Website, App,...) cùng một lúc trên nền tảng online

3. Giảm chi phí vận hành, rút ngắn thời gian giao hàng nhờ quy trình chuẩn đồng bộ từ tư vấn đặt hàng, chốt đơn gọi món về nhà, quản lý giao hàng, quản lý đơn hàng

4. Tăng doanh thu nhờ hệ thống báo cáo đánh giá thực đơn đặt nhiều, đặt ít, giờ cao điểm,...

Bảo Bảo

Theo Trí Thức Trẻ

Theo cafebiz.vn

Từ khóa : CEO chuỗi pizza Việt, burger, corona