Chợ Mới - vùng đất giải phóng sau cùng của An Giang vươn mình phát triển

Nơi đây từng được đánh giá là trong những huyện nghèo và khó khăn nhất của tỉnh An Giang sau giải phóng.

Huyện Chợ Mới, địa phương giải phóng sau cùng của tỉnh An Giang, sau ngày 30/4/1975. Với tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống anh hùng, quân và dân huyện Chợ Mới, đã ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh; bắt tay vào việc khôi phục kinh tế địa phương: phát huy thế mạnh về nông nghiệp; tái cơ cấu sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi…từ đó đã giúp người dân xóa đói, giảm nghèo xây dựng quê hương Chợ Mới ngày càng giàu đẹp.

Đổi thay trên quê hương Chợ Mới.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức về năm tháng chiến tranh ác liệt, khoảnh khắc lịch sử 30/4/1975 với bao đau thương mất mát và những thành tích đáng tự hào vẫn luôn đọng lại trong mỗi người dân vùng đất thép Chợ Mới.

Ông Hồ Minh Quang, năm nay 82 tuổi, một người dân ở Thị trấn Chợ Mới, khi đó ông là Trưởng phòng thông tin huyện cho biết, thời điểm 30/4/1975, sau khi ngụy quyền Trung ương Sài Gòn tuyên bố đầu hàng, lực lượng quân sự đủ sắc lính tập trung về Tây An Cổ Tự và có khoảng 5.000 bảo an quân tử thủ, vạch kế hoạch chiếm giữ cứ điểm các tỉnh miền Tây. Phải đến sáng ngày 6/5/1975, ta mới giải phóng được Tây An Cổ Tự, ngay sau đó, chính quyền và nhân dân đã nhanh chóng ổn định tình hình.

Ông Hồ Minh Quang nhớ lại: “Thời điểm đó, huyện cũng gặp nhiều khó khăn. Cùng một lúc phải giải quyết 4 nhiệm vụ, mà nhiệm vụ nào cũng quan trọng. Cấp bách thứ nhất là mời dân học tập chính sách mười điểm; Cấp bách thứ 2 là truy quét tàn quân; cấp bách thứ 3 là giải quyết nạn đói, phát động nông dân làm nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa ngắn ngày, sản xuất các loại rau màu… Nhiệm vụ cấp bách thứ tư là xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”.

Ông Hồ Minh Quang kể lại thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975.

Sau giải phóng, Chợ Mới là địa phương nghèo của tỉnh; nông nghiệp chủ yếu là trồng lúa, tuy nhiên hiệu quả kinh tế từ cây lúa không cao. Xác định nông nghiệp là nền tảng để phát triển kinh tế, huyện đã chủ động thay đổi phương thức sản xuất; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất. Thực hiện chủ trương này, nhiều nông dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư cải tạo đất vườn tạp, đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái và rau màu có giá trị kinh tế cao. Nhờ đó, đời sống kinh tế của bà con nông dân ngày càng được nâng lên, góp phần xóa đói, giảm nghèo, làm giàu bền vững.

Chia sẻ về hiệu quả sau khi chuyển từ đất lúa sang trồng màu, ông Nguyễn Văn Dũng, một nông dân ở xã Kiến An cho biết: “Bà con rất đồng tình về chuyển đổi cơ cấu cây trồng; nhờ sự tuyên truyền, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, bà con áp dụng vào đồng ruộng, nên đã mang lại hiệu quả tương đối cao, nâng cao đời sống của bà con. Bà con rất mừng và phấn khởi, đây là bước tạo tiền đề để phát triển, tạo cho điều kiện sống của bà con ngày càng nâng lên”.

Đến thời điểm này, toàn huyện đã chuyển đổi hơn 7.600 ha đất lúa sang trồng rau màu, cây ăn trái.

Hiện nay toàn huyện có 438 ha xoài được chứng nhận VietGAP.

Huyện Chợ Mới có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 24.000 ha, trước đây chủ yếu là trồng lúa. Thực hiện chủ trương về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều diện tích lúa kém hiệu quả nhường chỗ cho cây ăn trái và cây màu có giá trị kinh tế cao.

Đến thời điểm này, toàn huyện đã chuyển đổi hơn 7.600 ha đất lúa sang trồng rau màu, cây ăn trái... Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả như hệ thống thủy lợi công nghệ cao, tưới nhỏ giọt cho 540 ha diện tích cây xoài và 80 ha rau màu, với tổng kinh phí hơn 41 tỷ đồng. Trong đó có 438 ha xoài được chứng nhận VietGAP, đã xuất khẩu sang các thị trường như: Australia, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... Lợi nhuận từ trồng cây ăn trái và hoa màu gấp 3-4 lần so với trồng lúa.

Theo ông Lưu Minh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chợ Mới, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn làm thay đổi tư duy của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang sản xuất kinh tế nông nghiệp.

Chuối xuất khẩu.

Về hướng phát triển kinh tế nông nghiệp trong thời gian tới, ông Lưu Minh Tuấn, cho biết thêm: “Để phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2020, chúng tôi chú trọng một số biện pháp đó là, chuyển dịch cơ cấu của nội ngành nông nghiệp, làm sao gắn nhiều hơn nữa với thị trường, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích, tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp để đầu tư các nhà máy, sơ chế, chế biến nông sản để giá trị nông sản ngày một tăng. Tranh thủ với tỉnh, Trung ương để triển khai một số dự án trọng điểm trên địa bàn, để làm sao phát huy được hiệu quả gắn với các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp”.

Ông Võ Nguyên Nam, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới cho biết, thời gian qua, cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch đúng hướng; hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện theo tiêu chí nông thôn mới đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm; Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân 1 ha đất cây hàng năm đạt hơn 320 triệu đồng.

Ông Võ Nguyên Nam cho biết thêm, mặc dù giá trị sản phẩm nông nghiệp từng bước tăng cao, nhưng hiện nay đầu ra vẫn còn bấp bênh. Để nông nghiệp thực sự là nền tảng của phát triển kinh tế, hiện nay địa phương đã và đang tạo mọi cơ chế, chính sách kêu gọi, thu hút, các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, xây dựng nguồn nguyên liệu những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương; đồng thời sản xuất theo hướng liên kết, giữa doanh nghiệp và người dân để tạo đầu ra sản phẩm ổn định, bền vững.

“Chợ Mới đã đánh giá nông nghiệp là nền tảng, cho nên hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật giao thông cần phải gắn với sắp xếp dân cư, gắn với thủy lợi… Thứ hai nữa là đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì phải ứng dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất. Về thu hút đầu tư thì quan tâm đến các doanh nghiệp chế biến nông sản. Cái nữa là liên quan đến Logistics, đó là các kho lạnh để trữ, chỉ cần trữ 1-2 tuần là giá khác nhau liền, đặc biệt là xoài”, ông Nam nói.

Lợi nhuận từ trồng cây ăn trái và hoa màu gấp 3-4 lần so với trồng lúa.

Trong giai đoạn phát triển mới, với quyết tâm cao của các cấp, các ngành và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp... đã giúp người dân nâng cao giá trị kinh tế, thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Đây cũng là tiền đề để lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của Chợ Mới ngày càng đi vào chiều sâu, phát triển vững bền hơn.

Theo PHAN ÁNH (VOV)

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : Chợ Mới, An Giang