Cuộc chơi mới của nhà sáng lập X-Men Phan Quốc Công: 90 ngày ‘không ngủ’ và vị thế của Việt Nam sau Covid-19 nhìn từ chiếc khẩu trang
Cuộc phỏng vấn với ông Phan Quốc Công kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ, kết thúc lúc 11 giờ đêm theo múi giờ của thành phố Toronto – Canada. Sau khi chia tay ICP và thương hiệu "đàn ông đích thực" X-Men, ông Công cùng cộng sự đã thành lập công ty Wakamono, mới đây sản xuất thành công vải kháng khuẩn nano thiên nhiên trong bối cảnh 70% vải kháng khuẩn phụ thuộc vào Trung Quốc, và các quốc gia phong bế nguyên liệu sản xuất khẩu trang để phục vụ nhu cầu nội địa.
Cuộc phỏng vấn giữa hai đầu cầu Việt Nam - Canada diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước kiểm soát được dịch bệnh, còn Canada trong top đầu các quốc gia có số người tử vong hàng ngày ở ba con số.
"Tôi rời khỏi TPHCM bay sang Toronto ăn Tết trên chuyến bay sáng 20/1, chỉ ít ngày sau thông tin về dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán xuất hiện trên báo chí Việt Nam".
"Vài giờ trước khi bay, lúc nửa đêm, Hải và Ngọc (Giám đốc và Phó Giám đốc Wakamono Việt Nam - PV) gặp và đưa tôi một vài chiếc khẩu trang 4 lớp. Tôi là người duy nhất trong chuyến bay hôm đó có phương tiện gọi là tự bảo vệ mình", ông Phan Quốc Công - nhà sáng lập sản phẩm hóa mỹ phẩm cho đàn ông X-Men, nay là Chủ tịch HĐQT Wakamono International và Wakamono Việt Nam - chia sẻ.
Chuyến bay đặc biệt và 90 ngày không ngủ
Sau khi hạ cánh xuống Toronto, ban lãnh đạo điện thoại và hội ý khẩn cấp, nhận định tình hình dịch bệnh sẽ bùng phát và kéo dài mặc dù các nước trong khu vực Châu Âu vẫn tự do đi lại.
"Chúng tôi cho rằng "Phòng ngừa tích cực từ đầu, còn hơn bị động về sau muộn rồi"", ông Công kể lại.
Quyết định hành động ngay, 90 ngày sau đó là hành trình đặc biệt của Wakamono mà ông Phan Quốc Công gọi là "90 ngày không ngủ", khi cả văn phòng tại TPHCM và Toronto múi giờ cách nhau 12 tiếng đồng hồ đều liên tục làm việc, và cá nhân ông hiếm có ngày nào đi ngủ trước 2 giờ sáng.
14h50ph ngày 23/4/2020, những kiểm nghiệm cuối cùng tại Canada được công bố, đánh dấu 3 việc chính Wakamono đã làm thành công trong 90 ngày: Sản xuất thành công dung dịch siêu kháng khuẩn thiên nhiên Gecide; Hoàn thành công nghệ phủ kháng khuẩn lên vải; Triển khai sản xuất thành công vải kháng khuẩn Wakamono.
Ông Công cho biết trong bối cảnh nano kim loại (phổ biến là nano bạc) còn gây nhiều tranh cãi, đây là sản phẩm nano đầu tiên trên thế giới làm từ thiên nhiên.
Vải kháng khuẩn là nguyên liệu quan trọng trong sản xuất khẩu trang y tế và đồ bảo hộ, nhu cầu đang rất lớn trong đại dịch Covid-19, riêng nước Mỹ nhu cầu đã lên đến hàng tỷ chiếc.
"Các doanh nghiệp đang dần dần dịch chuyển, nhiều doanh nghiệp đang đầu tư máy móc và sản xuất khẩu trang y tế cũng như đồ bảo hộ đạt chuẩn để xuất khẩu. Đã là đồ y tế thì bắt buộc cần có lớp vải kháng khuẩn, nhưng nguyên liệu đầu vào không đáp ứng nổi số lượng, nhiều loại không đạt chất lượng, giá thành thì cao do nhu cầu tăng đột biến".
"Với khẩu trang nhiều lớp, riêng lớp vải kháng khuẩn – Antimicrobial Fabrics - khó đạt chuẩn nhất, trong khi đó hiện không nhiều công ty trên thế giới sản xuất. Nếu tìm kiếm trên Alibaba, sẽ thấy khoảng 4 công ty chào loại vải kháng khuẩn này trong khu vực, nếu đặt hàng thì người ta đều nói năm sau mới có", ông Phan Quốc Công chia sẻ.
Cấu trúc các lớp của khẩu trang y tế 4 lớp.
Sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ y tế của Việt Nam hiện còn phụ thuộc lớn vào nguồn cung nguyên liệu của Trung Quốc. Đối với riêng mặt hàng khẩu trang y tế, theo thông tin từ Bộ Công Thương, 2 loại nguyên liệu chính để sản xuất khẩu trang y tế là vải không dệt và vải kháng khuẩn. Trong đó, trong nước đã sản xuất được vải không dệt và thời gian tới có thể tăng cường sản lượng nhưng không nhiều. Riêng vải kháng khuẩn, hiện Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 70% từ Trung Quốc, 30% còn lại nhập từ Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Ai Cập, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu…
Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh và nhu cầu về khẩu trang, đồ bảo hộ y tế tăng cao, Trung Quốc đã ngừng xuất khẩu cả sản phẩm và nguyên liệu; Hàn Quốc và Nhật Bản rơi vào tình trạng khan hàng, không có nguồn cung để xuất khẩu; còn nhập từ châu Âu thì giá khá cao.
Wakamono cho biết sản lượng vải không dệt kháng khuẩn của đơn vị này ở mức 20 tấn/ngày, đang tăng dần lên 50 tấn/ngày. Có 20 doanh nghiệp đã ký hợp đồng, bao gồm 2 ông lớn trong ngành dệt may là CTCP Đầu tư và Thương mại TNG và CTCP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn.
Doanh nghiệp các nước Philippines, Thái Lan, Hàn Quốc… cũng liên hệ tìm hiểu đặt hàng, tuy nhiên ông Công cho biết hiện công ty chỉ ưu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam, năm sau dư công suất mới tính đến xuất khẩu, bởi "1 đồng doanh số bán ra ở Việt Nam sẽ tạo ra sản phẩm cuối của doanh nghiệp Việt nhân lên 10 lần".
"Tôi không còn tư duy theo kiểu có phát minh gì thì giữ lấy cho mình"
"Có những sự việc xảy đến không ai mong chờ, buộc chúng tôi phải nhanh chóng chuyển đổi, áp dụng các phát minh của mình để cho ra giải pháp phù hợp", ông Công nói.
Trả lời câu hỏi tương lai của sản phẩm sẽ thế nào sau dịch, ông Công cho biết Wakamono ra đời năm 2011, tập trung giải quyết các vấn đề của 4 ngành: Thực phẩm, Hóa mỹ phẩm, Y tế, và Nông nghiệp.
"Chúng tôi quyết tâm làm việc này vì nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vấn đề. Trong những tháng tới, cho dù có mở cửa biên giới và nối lại đường bay với các nước, vấn đề vẫn rất lớn là làm thế nào để bảo vệ bản thân, bảo vệ khách hàng khi di chuyển bằng máy bay. Người ta cần có những sản phẩm bảo vệ gồm khẩu trang, tấm che đầu, quần áo bảo hộ kháng khuẩn".
"Tiếp viên hàng không cũng không thể mặc đồ bình thường được nữa mà phải mặc đồ có tính năng kháng khuẩn. Tất cả việc đó dẫn tới nhu cầu về vải kháng khuẩn tăng cao và sẽ kéo dài trong một thời gian nữa. Và có lẽ cái nhìn của thế giới cũng bắt đầu thay đổi. Hiện chỉ có một con virus, và tương lai vẫn phải sẵn sàng đến một ngày nào đó thế giới lại bị tấn công bởi một loại virus nào khác thì chúng ta cũng không thể bị động được nữa. Cho nên việc sẵn sàng với các phương tiện phòng hộ, bảo vệ là việc cần có không chỉ ở mức độ cá nhân mà các Chính phủ cũng sẽ bắt đầu tích trữ phòng trường hợp đại dịch xảy ra", ông Công chia sẻ.
Bên cạnh nhận định nhu cầu vải kháng khuẩn còn kéo dài thêm một thời gian, ông Công cũng chia sẻ một điều khác ở Wakamono.
"Cá nhân tôi là người làm kinh doanh, xưa nếu có phát minh gì thì giữ lấy cho mình, sau đó làm ra sản phẩm cuối rồi bán. Ngày xưa khi Việt Nam bị ngộ độc rất nhiều về rau, tôi ra sản phẩm đầu tiên là nước rửa rau rồi bán, hết đợt ngộ độc thì thôi. Rồi ra tiếp sản phẩm X-Men. Nhưng giờ chính dịch bệnh này làm chúng tôi phải suy nghĩ lại".
"Làm sao phản ứng thật nhanh với thị trường, giúp chúng ta giải quyết nhanh chóng những vấn đề nóng hổi, bức xúc nhất? Chúng ta chỉ có thể làm vậy bằng cách cộng tác và đem giải pháp đến cho nhiều người cùng với mình làm. Như vậy trong chuỗi từ Innovation (Sáng tạo) – Application (Ứng dụng) – Distribution (Phân phối), chúng tôi sẽ tập trung làm phần đầu, tức làm sao ra công nghệ, ra sản phẩm nguyên liệu, và hợp tác với các doanh nghiệp khác để nhanh chóng giải quyết vấn đề xã hội", ông Công nói.
Đó cũng chính là lý do Wakamono nhắm sáng tạo ra hợp chất kháng khuẩn từ nano thiên nhiên và vải không dệt kháng khuẩn, chứ không tập trung đi làm sản phẩm khẩu trang cuối cùng đem bán.
"Trong tinh thần đó, nếu đi xa hơn, nếu các đối tác như TNG, May Sài Gòn, thậm chí doanh nghiệp Việt Nam khác khi có thị trường được vững vàng, khi nhu cầu của thế giới cao nếu chúng ta chiếm lĩnh được thị trường, nếu năng lực của Wakamono lúc đó không đáp ứng được nhu cầu sản xuất, chúng tôi cũng nghĩ đến chuyện làm sao tiến một bước xa hơn - Chuyển giao tiếp công nghệ của mình cho nhiều đơn vị khác cùng làm ra vải kháng khuẩn", Chủ tịch HĐQT Wakamono chia sẻ.
"Tinh thần hiện nay là lấy việc giải quyết vấn đề làm mấu chốt. Còn phương thức hoạt động sẽ linh động".
Vị thế của Việt Nam sau Covid-19 nhìn từ lời cảm ơn của Tổng thống Mỹ
Đầu tháng 4, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết lên Twitter cảm ơn "những người bạn ở Việt Nam" hỗ trợ chống Covid-19 khi 450.000 đồ bảo hộ "made-in-Vietnam" đáp xuống Dallas, Texas.
Liệu khẩu trang và đồ bảo hộ có mở ra một cơ hội mới cho kinh tế Việt Nam sau dịch?
Trả lời câu hỏi của Trí thức trẻ, ông Công dẫn lời các báo cáo đánh giá tác động sau dịch cho rằng những nước có nền kinh tế mạnh hầu như sẽ hồi phục nhanh trong khoảng 6 tháng sau khi dịch bệnh kết thúc, bởi mặc dù gián đoạn sản xuất, các doanh nghiệp với chính sách lương vẫn giữ được nhân viên chủ chốt và có thể "bật" lại sau dịch.
Với nền kinh tế hướng về xuất khẩu nhiều, có thể bị ảnh hưởng lâu dài hơn.
"Ngay như hiện nay, với ngành dệt may, chúng ta sẽ không có đơn hàng nào cho đến cuối tháng 5, bởi phải chờ các thị trường như Mỹ, Châu Âu mở cửa, lúc đó họ mới tiếp tục đặt hàng.
Do đó phải giải quyết vấn đề việc làm cho hàng trăm, hàng triệu người lao động trong giai đoạn này, lúc dịch bệnh chưa hoàn toàn chấm dứt", ông Công cho biết.
Với câu chuyện nhiều doanh nghiệp dệt may thời trang chuyển sang sản xuất thời trang bảo hộ, khẩu trang, ông Công nhìn nhận việc khẩu trang y tế tăng đột biến trong thời gian vừa qua với nhu cầu hàng tỷ chiếc cho thị trường Mỹ, là nhu cầu tạm thời, không phải lúc nào cũng cần nhiều.
Trong câu chuyện lời cảm ơn của Tổng thống Mỹ, việc sản xuất "made-in-Vietnam" là phía Mỹ chuyển nguyên vật liệu đến Việt Nam mỗi tuần để may ở Việt Nam và phía họ lại chở về Mỹ.
Chất lượng của khẩu trang y tế hay đồ bảo hộ y tế, phần lớn lý do không vượt qua được rào cản kỹ thuật nhãn CE (tiêu chuẩn của Châu Âu) và FDA (tiêu chuẩn của Mỹ) là lớp vải kháng khuẩn không đạt chuẩn.
"Tôi nghĩ khi vải kháng khuẩn này ra đời và Việt Nam cho xuất khẩu, chỉ trong vòng 1 tháng nữa, chắc các nước bạn sẽ cảm ơn Việt Nam nhiều lắm", ông Công nói vui.
Nhìn vào thực trạng thị trường khẩu trang và đồ bảo hộ y tế, ông Phan Quốc Công - từng làm việc tại Tổng Công ty Dệt May Việt Nam (Vinatex) - nhìn nhận việc nhiều doanh nghiệp Việt Nam tập trung sản xuất các sản phẩm này là một nỗ lực làm điều tốt đẹp hơn cho cộng đồng khi dịch bệnh xảy ra.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất này cũng góp phần cải thiện khó khăn kinh tế của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp dệt may vốn là ngành thâm dụng lao động - trong thời gian hiện nay.
"Nếu các công ty Việt Nam tận dụng được cơ hội này, biết đâu sau dịch bệnh, trên thị trường đồ y tế của Việt Nam lại xuất hiện những tên tuổi đáng tin cậy. Có thể chúng ta chưa làm được máy móc y tế để xuất khẩu, nhưng nếu thế giới nghĩ đến khẩu trang y tế, đồ bảo hộ y tế thì có thể Việt Nam là nơi hoàn toàn có ưu điểm".
"Việt Nam có lợi thế về nhân công, khả năng quản lý sản xuất, chỉ thiếu công nghệ và nguyên liệu. Tận dụng được cơ hội này sẽ giúp cho ngành sản xuất đồ bảo hộ y tế và khẩu trang y tế của Việt Nam lên vị trí hàng đầu trên thị trường thế giới, dù nhu cầu có thể lúc tăng lúc giảm", ông Công nhận định.
Bảo Bảo
Theo Trí Thức Trẻ
Theo cafebiz.vn
Từ khóa : nhà sáng lập, X-Men, Phan Quốc Công, Covid-19, khẩu trang