Thanh Hóa phải thành tỉnh công nghiệp trong tương lai

Đó là ý kiến và mong muốn của nhiều chuyên gia, đại biểu tham dự tại hội thảo khoa học “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, sáng 4/7 tại Thanh Hóa.

Hội thảo do Ban chỉ đạo 218 Trung ương (Ban chỉ đạo xây dựng đề án "Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trình Bộ Chính trị ra Nghị quyết riêng cho tỉnh Thanh Hóa, do Ban Kinh tế Trung ương làm thường trực) tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho hay: “Thanh Hóa là vùng đất địa linh nhân kiệt với truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng; có vị trí chiến lược về phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh; có nhiều tiềm năng, lợi thế với nguồn lực to lớn về đất đai, con người, giao thông thuận tiện. Với các kết quả đạt được trong những năm qua, các tiềm năng, lợi thế lớn của tỉnh, mục tiêu phát triển Thanh Hóa không phải chỉ đối với tỉnh nhà, mà cho cả vùng và cả nước". 

thanh hoa phai thanh tinh cong nghiep trong tuong lai
Ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo

Xác định tầm quan trọng của đề án, ông Bình nhấn mạnh: Thanh Hóa cần có một đề án riêng để phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng nhận thấy Thanh Hóa có những tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển. Thanh Hóa có diện tích lớn thứ 5 trên toàn quốc và có vị trí chiến lược quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước. Thanh Hóa còn có hệ thống giao thông đồng bộ, gồm đường bộ, đường sắt, hàng không, cảng nước sâu. Trong 10 năm qua, Thanh Hóa đã có bước khởi sắc mạnh mẽ. Những kết quả ban đầu đó của Thanh Hóa tạo ra niềm tin về sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của Thanh Hóa trong thời gian tới.

Nhấn mạnh về hướng phát triển trong tương lai, ông Nguyễn Văn Bình cho biết, với tiềm năng to lớn đa dạng trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, kinh tế biển…, Thanh Hóa cần có bước đi và lộ trình phù hợp, trong mỗi giai đoạn cần xác định trọng tâm, trọng điểm. "Dựa trên thế mạnh và nền tảng đã đạt được, tôi đề nghị Thanh Hóa phải là một tỉnh công nghiệp, trong đó đối với tổ hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, bên cạnh lọc dầu, đề nghị cần có cụm công nghiệp để sử dụng hết đầu ra của tổ hợp, tránh xuất thô, thay vào đó tạo ra các sản phẩm hóa dầu có giá trị gia tăng cao, đem lại nguồn thu lớn hơn nhiều cho tỉnh" - ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh. 

Phát biểu tại hội thảo, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: “Điều kiện và thời cơ để Thanh Hóa tiếp tục cất cánh đột phá, trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc đã chín muồi. Nhưng để thực hiện được điều đó, Thanh Hóa rất cần có đường hướng và cơ chế chính sách đặc biệt để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của một địa phương mà dư địa cho phát triển còn rất lớn". 

thanh hoa phai thanh tinh cong nghiep trong tuong lai
Ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa bày tỏ mong muốn Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Ông Chiến bày tỏ, Thanh Hóa rất mong Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa phấn đấu vươn lên mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện thành công lời dạy của Bác Hồ lúc sinh thời: "Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”. 

Tại hội thảo, các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo địa phương đã cùng trao đổi, thảo luận về các quan điểm, cơ chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, nhiều ý kiến tham luận cũng nêu bật những tiềm năng, lợi thế của tỉnh Thanh Hóa và đề xuất các hướng đi trong thời gian tới. 

Chia sẻ về tiềm năng đầu tư tại Thanh Hóa, ông Park Hee Young, Phó Tổng Giám đốc Công ty Điện Nghi Sơn 2 cho biết: "Chúng tôi đã nhìn nhận được sự quản lý chuyên nghiệp của UBND tỉnh Thanh Hóa cũng như Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và tiềm lực phát triển ngành công nghiệp tại Nghi Sơn, ngay sau đó chúng tôi đã quyết định đến Nghi Sơn đầu tư vào dự án BOT Nghi Sơn 2. Tôi tin rằng cái nhìn của Ban Quản lý Dự án là hoàn toàn chính xác, Nghi Sơn là địa điểm hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước". 

Tiến sỹ Dương Đình Giám, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cũng cho biết: Thanh Hóa có thế mạnh trở thành tỉnh công nghiệp của cả nước. Từ nay đến năm 2030, Thanh Hóa cần tập trung phát triển mạnh các ngành như: Lọc, hóa dầu (với trọng tâm là hóa dầu); Cơ khí chế tạo; Luyện kim; Năng lượng; và một số ngành sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu (dệt may, da giày, điện tử...). Sau những năm 2030, Thanh Hóa  Phát triển ngành lọc, hóa dầu (với trọng tâm là hóa dầu). Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, chế tạo phục vụ cho các dự án nhiệt điện, điện mặt trời và các dự án trong Khu liên hợp gang thép Nghi Sơn. Phát triển các lĩnh vực mới từ sản phẩm hóa dầu, phát triển các loại nguyên liệu cho dệt may, da giày; vật tư nông nghiệp.

thanh hoa phai thanh tinh cong nghiep trong tuong lai
Nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia tại hội thảo cho rằng Thanh Hóa phải trở thành tỉnh công nghiệp trong tương lai

Trong giai đoạn 2010 - 2020, Thanh Hóa đạt được nhiều thành tựu quan trọng như đột phá về tốc độ tăng trưởng kinh tế, GRDP bình quân hàng năm ước đạt 10,3%/năm, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và trong nhóm ít các tỉnh dẫn đầu cả nước. Năm 2019, thu ngân sách của tỉnh đạt 23.000 tỷ đồng, dự kiến năm 2020, thu ngân sách của tỉnh ước đạt 28.967 tỷ đồng, gấp 5,5 lần năm 2010, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ, đứng thứ 11 cả nước. Ngoài ra, Thanh Hóa cũng có đột phá về thu hút vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư nước ngoài. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có 132 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 14,13 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ, đứng thứ 8 cả nước.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia đánh giá, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, phát triển của Thanh Hóa vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Thanh Hoá chưa thực sự đảm đương được vai trò trung tâm, động lực phát triển của khu vực, chưa khắc phục được những khó khăn, vướng mắc nảy sinh và những thách thức mới. 

Để Thanh Hóa phát triển nhanh hơn, khai thác tối đa hơn nữa tiềm năng, lợi thế, thu hút triệt để nguồn lực đầu tư, đưa Thanh Hóa phát triển bền vững hơn trong thời gian tới, Ban Bí thư đã thành lập Ban Chỉ đạo 281-QĐ/TW triển khai xây dựng Đề án “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” do đồng chí Nguyễn Văn Bình làm Trưởng Ban. Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan Thường trực phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thanh Hóa triển khai xây dựng Đề án. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị sẽ xem xét, ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030.

Kết luận tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình đề nghị Ban Chỉ đạo cần tiếp thu góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo, đồng thời lắng nghe các ý kiến đóng góp của các ban, bộ, ngành và địa phương nhằm có cơ sở khoa học và thực tiễn để hoàn thiện đề án chuẩn bị trình báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

"Nghị quyết phải tạo ra các cơ chế chính sách cho Thanh Hóa phát triển đột phá, để Thanh Hóa vì cả nước và cả nước vì Thanh Hóa, cũng chính là để hiện thực hóa được lời căn dặn của Bác: “Tỉnh Thanh theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt""- ông Bình kết luận. 

Theo Đỗ Nga (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : Thanh Hóa, tỉnh công nghiệp