Nơi hội tụ tinh hoa nghề mộc của làng Diệc
Đình làng Diệc (xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà) được xây dựng từ thời Nguyễn, nghệ thuật chạm khắc gỗ trang trí được đánh giá là có kỹ thuật tinh xảo bậc nhất trong các ngôi đình hiện đang tồn tại trên đất Thái Bình. Nói về ngôi đình này, người dân địa phương cho biết: Đình làng là nơi hội tụ tinh hoa nghề mộc của làng Diệc, là biểu tượng văn hóa trường tồn của đất làng nơi đây.
Theo lời kể của các cụ cao niên, đình làng Diệc là nơi thờ Thái phó Lưu Lượng, người đã có công cùng Thái sư Trần Thủ Độ phò tá các vua đầu triều Trần đánh đuổi quân xâm lược, ổn định đất nước. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất, lúc đầu, thế giặc rất mạnh, ông Lưu Lượng đã giúp vua Trần sơ tán nhân dân và hoàng tộc ra khỏi kinh thành Thăng Long, về vùng Long Hưng (Hưng Hà ngày nay) để tránh giặc, chuẩn bị vũ khí, lực lượng, tạo đà tổng công kích đuổi giặc ra khỏi bờ cõi sau này. Ông đã giúp nhân dân làng Diệc khai phá vùng đất sình lầy thành khu canh tác trù phú. Sau khi ông mất, để tri ân công đức của bậc khai quốc công thần triều Trần, nhân dân làng Diệc đã tôn ông làm thành hoàng làng, xây dựng miếu, đình thờ và tổ chức tế lễ hàng năm.
Đình làng Diệc (xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà). |
Đình làng Diệc hiện nay được xây dựng từ năm 1902, mang đậm kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn. Đình có quy mô 5 gian (3 gian, 2 chái). Nhìn tổng thể bên ngoài, ngôi đình tuân theo lối kiến trúc truyền thống, không có nhiều khác biệt so với những ngôi đình ở các làng quê khác song khi bước chân vào trong đình, những người lần đầu tiên đặt chân đến ngôi đình này sẽ phải trầm trồ vì lối trang trí các vì kèo "đẹp" và "độc". Vẫn là các nội dung mây lá cách điệu, tứ quý (tùng, trúc, cúc, mai), tứ linh (long, ly, quy, phượng) nhưng cách chạm trổ những họa tiết, hoa văn, hình thù rất điêu luyện và uyển chuyển. Thông qua cách trang trí, vẻ đẹp của thiên nhiên được tái hiện sống động trong không gian nội thất của ngôi đình, vừa trang nghiêm vừa thoát tục.
Ông Vũ Văn Tiến, Trưởng Ban quản lý di tích đình, chùa, miếu Diệc và ông Nguyễn Quỳnh, 70 tuổi, một người dân làng Diệc khá am tường lịch sử địa phương cho biết: Làng Diệc nổi tiếng với nghề mộc truyền thống. Nghề mộc đã được duy trì và phát triển ở làng Diệc hơn 500 năm nay. Làng không có tổ nghề, người thợ mộc làng Diệc quanh năm đem nghề của mình đi làm ở khắp nơi, thể hiện tài hoa của mình qua cách trang trí những công trình nghệ thuật, những ngôi đền, đình, chùa tôn nghiêm... Theo các cụ truyền lại, sở dĩ đình làng Diệc có nghệ thuật chạm khắc trang trí độc đáo, hiếm thấy vì xưa kia, khi làng bắt tay xây dựng đình, mỗi người thợ mộc làng Diệc đều ý thức sâu sắc đình làng Diệc là ngôi đình của một làng thợ, nghệ thuật chạm khắc trang trí ngôi đình phải đẹp hơn những ngôi đình của các địa phương khác, ai ai cũng muốn góp công sức, tài năng của mình vào việc trang trí ngôi đình thật nổi bật. Vì làng có 8 giáp (8 xóm) và rất nhiều cánh thợ, mỗi cánh thợ có một lối trang trí đình, chùa riêng biệt nên để phát huy được tài hoa nghề mộc của tất cả các cánh thợ trong làng, làng đã chia 8 giáp thành 4 phe (mỗi phe 2 giáp) phụ trách trang trí một phần vì kèo cho ngôi đình. Trong quá trình các phe làm vì kèo, phe nào cũng giấu cách trang trí không cho phe khác biết nên khi lắp ráp lại mỗi vì kèo có một kiểu cách trang trí rất độc đáo, mới lạ, xứng đáng là ngôi đình của một làng mộc nổi tiếng.
Đi qua nhiều thăng trầm của lịch sử, chứng kiến bao sự đổi thay của quê hương, đình làng Diệc vẫn giữ được nét độc đáo trong cách trang trí, là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa văn nghệ của người dân địa phương. Mỗi khi ngước nhìn nghệ thuật trang trí ngôi đình, các thế hệ người dân làng Diệc đều cảm thấy tự hào về thế hệ cha ông đi trước, từ đó quyết tâm giữ gìn và phát huy nghề mộc truyền thống của quê hương.
Theo Quỳnh Thanh (baothaibinh.com.vn)
Từ khóa : làng nghề