Ngành bán lẻ ‘lên hương’, đâu là cổ phiếu tiềm năng cho nhà đầu tư?

(thegioitiepthi.vn) - Sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư đang hướng về ngành bán lẻ với những kì vọng tăng trưởng ngành trên 10% trong 5 năm tới. Theo các chuyên gia, nhà đầu tư nên lựa chọn doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh bền vững.

Thị trường bán lẻ với nhiều kỳ vọng tăng trưởng, là cơ hội dành cho các nhà đầu tư. Ảnh: I.T.

Thị trường bán lẻ Việt Nam những năm gần đây luôn duy trì mức tăng trưởng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng trưởng 18,4% giai đoạn 2002-2019, cao hơn mức tăng trưởng GDP danh nghĩa là 13,9%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa Việt Nam năm 2019 đạt 3,74 triệu tỉ đồng (theo Tổng cục Thống kê).

VNDIRECT dự báo, năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa có thể đạt 3,85 nghìn tỉ đồng, tăng 3%, thấp hơn mức trung bình năm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên mức tăng trưởng chậm sẽ là ngắn hạn, khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, ngành bán lẻ sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, có thể cao hơn GDP danh nghĩa, ở mức trên 10% trong 5 năm tới.

Lý giải cụ thể về khả năng tăng trưởng của ngành bán lẻ, trong tọa đàm Triển vọng ngành bán lẻ và công nghệ, chiều 21/9, ông Đặng Trần Phục, chuyên gia tư vấn đầu tư tại Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT cho biết, ngành bán lẻ ở Việt Nam vẫn đang có nhiều yếu tố trợ lực để tiếp tục phát triển như tốc độ đô thị hóa của Việt Nam ở mức gần 3%, cao nhất trong khu vực, quy mô hộ gia đình nhỏ hơn đồng nghĩa với số lượng hộ gia đình tăng cao hơn… tạo ra nhu cầu mua sắm vật dụng gia đình tăng cao.

Ngoài ra, ông Phục cho biết, theo nghiên cứu của GSO, thị trường bán lẻ thực phẩm là đại dương xanh cho các nhà bán lẻ bởi mức chi của người dân cho thực phẩm chiếm 40% tổng chi tiêu. Theo đó, giai đoạn 2002 -2018, chi tiêu thực phẩm tăng trưởng 18,4% và dự báo đạt 46 tỷ USD năm 2020. Tương tự, thị trường bán lẻ dược phẩm và công nghệ cũng kỳ vọng tăng trưởng.

“Triển vọng ngành bán lẻ Việt Nam phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế và mức sống của người dân. Trong tương lai, nhu cầu người dân ngày càng cao, chi tiêu cho mỗi đơn hàng lớn hơn, chúng tôi kỳ vọng ngành bán lẻ tăng trưởng hấp dẫn”, ông Phục cho biết.

Các chuyên gia cho biết, nhà đầu tư nên lựa chọn doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh tốt trên thị trường, đồng thời dành thời gian quan sát thêm thịt trường trước khi quyết định đầu tư. Ảnh: I.T.

Phân tích cụ thể về một số mã cổ phiếu tiềm năng trong ngành bán lẻ, các chuyên gia đặt kỳ vọng vào Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) và Công ty TNHH Thế Giới Di Động (MWG).

Lý giải về sự lựa chọn này, ông Minh Lê, chuyên gia phân tích thị trường, Quỹ đầu tư chứng khoán IPAAM cho biết, các nhà đầu tư dài hạn cần quan tâm đến lợi thế cạnh tranh bền vững của doanh nghiệp, bởi có rất nhiều cách để doanh nghiệp có thể tăng doanh thu. Nhưng nếu doanh nghiệp không cạnh tranh bền vững, sẽ bị đối thủ đánh gục và sự cạnh tranh sẽ ăn mòn lợi nhuận.

“PNJ là doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa phân phối và kinh doanh bán lẻ đồ trang sức. Khi một doanh nghiệp có sự hiện diện nhiều mảng trong chuỗi giá trị, khả năng cạnh tranh của nó so với đối thủ càng lớn hơn”, ông Minh cho biết.

Trước những e ngại của các nhà đầu tư về việc kinh doanh ngành hàng xa xỉ luôn có tính rủi ro chu kì lớn, chuyên gia của IPAAM cho biết, nếu mua ở giai đoạn chưa có nhiều người đặt niềm tin vào doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ có khả năng hưởng lợi gấp đôi.

Cụ thể, nếu doanh nghiệp phục hồi, nhà đầu tư có được lợi nhuận doanh nghiệp gia tăng trên nền thấp. Thứ hai, khi lợi nhuận gia tăng, tư duy của nhà đầu tư khác thay đổi, chấp nhận chi trả định giá P/E cao hơn, nhà đầu tư vô tình được hưởng cả tăng trưởng lợi nhuận và định giá.

Đối với Thế giới di động, doanh thu trong 7 tháng năm 2020 đạt 64.308 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ, trong đó Bách hóa xanh đạt 11.254 tỷ đồng, chiếm 17,5 tổng doanh thu và tăng tới 123% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng của Bách hóa xanh giúp tăng trưởng doanh thu MWG.

“Hiện tại chưa doanh nghiệp nào đầu tư vào bách hóa có lợi nhuận. Tuy nhiên trong chuỗi bách hóa của các bên, Thế giới di động làm tốt nhất. Ở thời điểm hiện tại, các nước phát triển cũng mới bắt đầu bùng nổ chi tiêu cho tiêu dùng, cho bách hóa. Vì vậy kỳ vọng 2-3 năm nữa, khi dịch bệnh kiểm soát, kinh tế Việt Nam đi lên, thu nhập bình quân đầu người trên 3.500 USD, kỳ vọng Bách hóa xanh có lãi nhờ sự gia tăng số lượng và giá trị đơn hàng”, ông Phục nhận định.

Các chuyên gia cũng cho biết, hiện thị trường VN-Index ở mức 900 điểm, chỉ số lợi nhuận PI thị trường khoảng 16 lần, là mức trung bình trong lịch sử. Việc tăng giảm toàn thị trường chứng khoán phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố đột biến. Theo đó, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát và mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, thậm chí thấp hơn nữa là yếu tố rất quan trọng để đẩy định giá thị trường cao lên.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, các nhà đầu tư không nên kì vọng về một "cơn sóng thần" giúp thị trường tăng giá mạnh trong thời điểm hiện tại bởi nhiều ngành nghề vẫn đang bị ảnh hưởng bởi Covid-19, thậm chí có những ngành bị ảnh hưởng trễ 3-6 tháng như tài chính… Vì vậy, với mức điểm hiện tại của thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư cũng nên thận trọng vào việc gia tăng tỉ trọng cổ phiếu.

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : Ngành bán lẻ, cổ phiếu tiềm năng, nhà đầu tư