Nghề Thêu Văn Lâm: Làm gì để bảo tồn và phát triển
Đến nay, nghề thêu ở Văn Lâm xã Ninh Hải (Hoa Lư) đã trở thành nghề truyền thống với lịch sử hơn 700 năm. Tháng 11-2007, Hiệp hội làng nghề Việt Nam công nhận Văn Lâm là một trong 12 làng nghề tiêu biểu của cả nước. Thế nhưng, nghề thêu ở Văn Lâm cũng như bao làng nghề truyền thống khác đang rơi vào thời kỳ khủng hoảng. Làm gì để vực dậy làng nghề thêu truyền thống …
Phụ nữ Văn Lâm làm hàng thêu. |
Kỳ I: Thăng trầm làng nghề
Cách đây 5-10 năm, chỉ tính xung quanh khu vực thôn Văn Lâm đã có tới gần 10 doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thêu ren và gần 20 cửa hàng trưng bày và kinh doanh các sản phẩm thêu của Văn Lâm. ở đâu người ta cũng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ miệt mài bên khung thêu. Nghề thêu trở thành thu nhập chính trong mỗi gia đình, tạo nên một cuộc sống no ấm yên bình cho một làng quê.
Thế nhưng hôm nay về Văn Lâm tìm mua một sản phẩm tranh thêu do người bản địa thêu đã khó, mong gặp lại hình ảnh những người phụ nữ trong lúc chờ chở đò ngồi thêu trên bến thuyền càng khó hơn. Người dân Văn Lâm không còn mặn mà với cái nghề đã một thời gắn bó, nuôi sống gia đình mình.
Từ khi phát triển du lịch, bộ mặt của thôn Văn Lâm (Ninh Hải, Hoa Lư) đã thay đổi hẳn, những ngôi nhà cao tầng san sát nhau đã biến một vùng quê thuần nông thành đô thị sầm uất. Dọc con đường vào Tam Cốc có đến hơn 20 cửa hàng bày bán các sản phẩm thêu như tranh thêu, túi, ví, áo, khăn trải bàn, ga, gối… các sản phẩm phong phú, đa dạng về mẫu mã, chủng loại, màu sắc đáp ứng đủ nhu cầu của các khách hàng.
Chúng tôi vào một cửa hàng gần bến thuyền Tam Cốc, chị bán hàng đon đả "em xem đi, em thích sản phẩm thêu nào chị cũng có, giá cả phù hợp". "Đây không phải là những sản phẩm thêu tay của người Văn Lâm phải không chị?", tôi hỏi. Biết chúng tôi không phải khách đến mua hàng, chị bán hàng thật thà nói: "Đúng vậy, cửa hàng chị bày bán sản phẩm thêu ở khắp nơi như tranh thêu Hà Tây, đồ lưu niệm thêu máy ở Nam Định, quần áo thêu của Sài Gòn…
Những sản phẩm này được gọi chung là "hàng chợ". Người ta đem hàng về tiếp thị tận nơi với giá rẻ. Các sản phẩm thêu này so với hàng thêu Văn Lâm có sự khác biệt rất lớn, nhưng khách du lịch chỉ thoảng qua thôi thì không thể biết được còn người trong nghề nhìn là phát hiện ra ngay… Nhưng sản phẩm thêu của Văn Lâm không phù hợp để bày bán thành hàng lưu niệm cho số đông du khách vì giá thành đắt gấp 3-5 lần giá của các sản phẩm hàng chợ được nhập từ các nơi khác về".
Đối với sản phẩm thêu ren, đã có thời người dân Văn Lâm ví nơi đây như "Vương quốc của thêu ren". Những tấm lụa thêu mượt mà, óng ả hiện diện trong các dinh thự sang trọng như một niềm kiêu hãnh. Nghề thêu ren có muộn hơn so với thêu mầu, do du nhập từ Pháp sang cách đây cũng đã hơn 100 năm.
Tuy là một nghề mới, nhưng sẵn đôi bàn tay khéo léo tài hoa, lại được khách hàng ưa chuộng nên nghề ren Văn Lâm mau chóng phát đạt và trở thành một trong những làng nghề làm ren đẹp nhất của Việt Nam. Nói đến Văn Lâm, người tiêu dùng nghĩ ngay đến tên tuổi của những doanh nghiệp đã thành danh như An Lộc, Minh Trang, Pataco… với những sản phẩm phong phú, hấp dẫn thị trường trong và ngoài nước.
Đó là những tấm ga trải giường, mặt gối, bộ khăn ăn từ 6 đến 36 chiếc, rèm cửa, áo ki-mô-nô, áo hanbok, khăn tay, tranh, ảnh... với những chi tiết thêu mượt mà, óng ánh như bạc điểm những phần dua mềm mại duyên dáng, tạo được lòng tin với khách hàng khó tính ở những nước phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Italia, Anh, Mỹ... Tuy nhiên, thời kỳ hoàng kim của sản phẩm thêu ren chỉ kéo dài đến năm 2009.
Chị Nguyễn Thị Yến, chủ doanh nghiệp thêu Minh Trang cho biết: Trước năm 2009, cả xã có đến gần 10 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thêu ren xuất khẩu, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 4-5 doanh nghiệp đang hoạt động, trong số đó có doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng hoặc xin tạm ngừng hoạt động, chuyển hình thức kinh doanh.
Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp xuất khẩu thêu ren ở Văn Lâm rơi vào cảnh khốn khó theo chị Yến là do các sản phẩm thêu ren-rua ở Văn Lâm chủ yếu phục vụ xuất khẩu sang các nước phương Tây như: Pháp, Đức, ý… các doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào thị trường xuất khẩu mà bỏ quên thị trường các nước châu á và nội địa. Do đó khi khủng hoảng kinh tế ở các nước phương Tây thì sản phẩm thêu ren của Văn Lâm dần mất đi những khách hàng lớn và không kịp thay đổi để thích ứng với thị trường khác…
Nghề thêu đang đứng trước những khó khăn cần được quan tâm giải quyết.
Kỳ II: Vực dạy nghề thêu Văn Lâm
Theo quy hoạch tổng thể của Quần thể danh thắng Tràng An, làng Văn Lâm nằm trong vùng lõi của di sản. Vì vậy, chính sách quản lý và định hướng phát triển ở những khu vực này là phải bảo tồn cảnh quan tại các xóm làng trong khu vực di sản như hiện trạng truyền thống vốn có; giữ gìn các giá trị văn hoá phi vật thể, nghề thủ công truyền thống trong các làng xã, cư dân… Như vậy, việc gìn giữ một làng nghề thêu truyền thống có lịch sử hơn 700 năm không chỉ vì mục đích phát triển du lịch làng nghề mà còn là lưu giữ một giá trị văn hoá được cả thế giới công nhận cho hậu thế mai sau.
Ông Đinh Văn Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hải cho biết: Những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở địa phương luôn đạt từ 13-15%, trong đó du lịch, dịch vụ chiếm 75-80%, còn lại là thu nhập từ thêu và nông nghiệp. Sự chuyển dịch cơ cấu lao động ở địa phương từ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sang du lịch, dịch vụ đã khiến nghề thêu truyền thống trở nên lép vế.
Làng nghề thêu Văn Lâm đã từng có thời kỳ hoạt động khởi sắc. |
Để duy trì và phát triển nghề truyền thống hàng năm đã có chiến lược lâu dài là khôi phục nghề thêu đi đôi với phát triển du lịch, đây được coi là hai mũi nhọn của kinh tế địa phương. Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi đang đi bằng "một chân" vì mới chỉ chú trọng phát triển du lịch.
Không ai có thể phủ nhận Văn Lâm là một làng nghề mang đậm bản sắc địa phương, sản phẩm làm ra có giá trị thẩm mỹ cao, phù hợp với nhiều nền văn hoá, vì vậy ngoài giá trị văn hoá tinh thần thì Văn Lâm là làng nghề có tiềm năng kinh tế rất lớn.
Tuy nhiên, từ khi được Nhà nước công nhận làng nghề đến nay, Văn Lâm vẫn chưa nhận được sự đầu tư nào thích đáng về cơ sở vật chất, con người cũng như quy hoạch phát triển. Bà Đỗ Thị Giàn, Trưởng Phòng quản lý công nghiệp (Sở Công thương) cho biết: Mặc dù Nhà nước đã có rất nhiều các chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề như Quyết định số 1404/QĐ-BTC của Bộ Tài chính; Thông tư 113 năm 2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc thực hiện Nghị định 66 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn... nhưng thực tế các làng nghề ở Ninh Bình nói chung, làng nghề thêu Văn Lâm nói riêng đến nay vẫn chưa tiếp cận được nhiều.
Làng nghề Văn Lâm cũng như bao làng nghề khác ở Ninh Bình đang phát triển theo kiểu tự do, thiếu sự hoạch định lâu dài. Bản thân chính quyền địa phương thời gian qua cũng chưa thực sự chú trọng đến phát triển kinh tế bằng nghề truyền thống mà chủ yếu dựa vào sự năng động của các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thêu trên địa bàn. Nếu thị trường sụt giảm về nhu cầu thì sẽ tác động xấu đến việc sản xuất hàng thêu tại địa phương... Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc mai một làng nghề truyền thống ở Văn Lâm.
Để lưu giữ một làng nghề truyền thống phục vụ cho phát triển du lịch, chính quyền địa phương cũng như người dân Văn Lâm, một số doanh nghiệp trên địa bàn đã có sự thay đổi nhận thức nhằm khôi phục lại nghề thêu truyền thống, đặc biệt là thêu mầu.
Tiêu biểu trong số đó là Doanh nghiệp Minh Trang. Chị Vũ Thị Hồng Yến, chủ doanh nghiệp cho biết: "Sau khi thị trường xuất khẩu giảm sút, doanh nghiệp đã thay đổi chiến lược kinh doanh chú trọng đến thị trường nội tại, tạo ra những sản phẩm, mẫu mã đa dạng, các sản phẩm dễ ứng dụng như khăn trải bàn, túi sách, ví, quần áo, tranh thêu về phong cảnh Ninh Bình… từ đó tạo thương hiệu cho du lịch Ninh Bình và góp phần giữ lửa cho làng nghề, đồng thời đáp ứng được mọi nhu cầu của người tiêu dùng và du khách tại các điểm du lịch". Đây được xem là một hướng đi đúng không chỉ của doanh nghiệp mà còn phù hợp với định hướng của tỉnh về phát triển du lịch gắn với làng nghề.
Theo đồng chí Phạm Thị Hồng, Giám đốc Sở Công thương thì hiện nay vấn đề khôi phục và phát triển nghề thêu tay truyền thống Văn Lâm cần được quan tâm và đầu tư thích đáng. Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã xem xét và kết luận tiếp tục thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU "Về đẩy mạnh trồng, chế biến cói, thêu ren và chế tác đá mỹ nghệ" nhằm từng bước phát triển các nghề mới có tiềm năng phục vụ xuất khẩu, du lịch, tiêu dùng nội địa để đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi "Đề án xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2011-2015, hướng đến năm 2020". Đây được xem là đòn bẩy quan trọng để các làng nghề trong tỉnh có cơ hội phát triển trong thời kỳ mới.
Việc quy hoạch tổng thể làng nghề thêu Văn Lâm cũng đã và đang được tiến hành, từng bước quy hoạch khu bán hàng lưu niệm, nâng cấp đền thờ tổ làng nghề, khôi phục các lễ hội nghề thêu ở Văn Lâm. UBND tỉnh đã ban hành quy định công nhận nghệ nhân để duy trì, đào tạo nghề truyền thống… với mục tiêu là phát triển làng nghề thêu Văn Lâm trở thành điểm du lịch làng nghề theo mô hình du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng rất chú trọng tới công tác khuyến công, xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, mở các cửa hàng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm để tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước. Đồng chí Phạm Thị Hồng, Giám đốc Sở Công thương cho biết thêm: Để khôi phục và phát triển nghề cần có sự vào cuộc đồng bộ của Nhà nước, doanh nghiệp và chính người dân ở Văn Lâm, trong đó doanh nghiệp là chủ thể, người lao động đóng vai trò quyết định trong việc giúp doanh nghiệp triển khai và các cơ quan Nhà nước tạo ra hành lang pháp lý để đảm bảo nghề phát triển theo đúng định hướng.
Chính sách đã có, tuy nhiên, để hiện thực hoá những chính sách đó tại địa phương còn rất nhiều việc để làm. Cùng với những nỗ lực của Nhà nước thì các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn cần phải quan tâm xây dựng, giữ gìn thương hiệu của nghề thêu truyền thống Văn Lâm, mỗi người dân phải là một hướng dẫn viên du lịch để giới thiệu và quảng bá sản phẩm truyền thống.
Các doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến việc nâng cao tay nghề cho người dân, quan tâm đến mẫu mã, bao bì tương xứng với giá trị của sản phẩm. Có chính sách ưu đãi đối với những nghệ nhân, những người có tay nghề cao để họ tiếp tục tạo ra những sản phẩm chất lượng cao và truyền nghề cho các thế hệ sau, làm sao để các du khách về với Tam Cốc-Bích Động nói riêng, Ninh Bình nói chung là phải nhớ mua sản phẩm thêu của làng nghề Văn Lâm làm kỷ niệm trong chuyến đi của mình.
Theo Nguyễn Thơm(baoninhbinh.org.vn)
Từ khóa : làng nghề,Văn Lâm