Các tỉnh thành phía Nam: Hút làn sóng đầu tư từ Nhật Bản

Khi đại dịch trên thế giới dần lắng xuống, các nhà đầu tư Nhật Bản đã nhanh chóng lên kế hoạch và triển khai việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư ra nước ngoài để phân tán chuỗi sản xuất, cung ứng, không tập trung quá nhiều vào một vài quốc gia. Nhiều tỉnh thành phía Nam đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để thu hút đầu tư

Nhà đầu tư Nhật Bản tích cực chuyển hướng

Theo ông Okada Hideyuki- Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh với chuỗi cung ứng toàn cầu đang tập trung nhiều ở Trung Quốc, các DN Nhật đã có ý định đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam và một nước trong khu vực ASEAN từ năm 2019, trước khi dịch Covid- 19 xuất hiện.

lan-song-moi-thu-hut-dau-tu-nhat-ban

Hạ tầng hoàn chỉnh, nguồn nhân lực chất lượng cao là những nhân tố quan trọng thu hút làn sóng FDI từ các DN Nhật

Việt Nam là quốc gia được DN Nhật Bản chọn lựa nhiều nhất vì hội tụ đầy đủ những yếu tố cần thiết cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, thời gian qua Việt Nam đã khống chế rất tốt dịch bệnh, không để lây lan ra diện rộng, đồng thời Chính phủ kịp thời có những chính sách hỗ trợ DN duy trì sản xuất, kinh doanh và vượt qua những khó khăn.

Đầu tư của DN Nhật Bản vào Việt Nam nói chung và các tỉnh thành phía Nam nói riêng tăng cao trong những năm qua và xu hướng này dự báo này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Hiện số lượng DN Nhật Bản đến đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 5 trong số 110 quốc gia với tổng số vốn là 4,5 tỷ USD. Kim ngạch thương mại giữa TP. Hồ Chí Minh và Nhật Bản đã đạt trên 5,3 tỷ USD. Tại tỉnh Đồng Nai, tính đến nay DN Nhật đã đầu tư hơn 270 dự án với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 4,8 tỷ USD, xếp thứ ba trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào địa phương này.

Theo ông Hirai Shinji - Trưởng Đại diện Văn phòng- Tổ chức Xúc tiến ngoại thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP. Hồ Chí Minh, trước đây, hầu hết các công ty sản xuất của Nhật Bản coi Việt Nam là nơi sản xuất với lực lượng lao động trẻ và lành nghề. Nhưng gần đây, ngày càng nhiều công ty Nhật Bản, dù sản xuất hay hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đều coi Viêt Nam là thị trường có mức tiêu thụ ngày càng tăng. Họ kỳ vọng rằng, hoạt động kinh doanh của họ sẽ phát triển cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định của Việt Nam và đặc biệt là khả năng khống chế dịch bệnh tốt, phục hồi nền kinh tế đang diễn ra nhanh.

Sẵn sàng đón vốn

Đánh giá của JETRO cũng cho thấy trong 124 đề án đăng ký tham gia chương trình hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở nước ngoài của Chính phủ Nhật Bản mới đây hiện đã có 30 đề án đã được chấp thuận. Trong số này, 15 công ty sẽ mở rộng nhà máy tại Việt Nam, trong đó có cả những đơn vị đang đầu tư sản xuất kinh doanh tại đây.

Khảo sát đánh giá gần đây nhất của JETRO cũng cho thấy hiện có đến 63,9% DN Nhật Bản đang kinh doanh cho biết sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Đây là tỷ lệ cao nhất trong khối ASEAN và đứng thứ ba trong khu vực châu Á và châu Đại Dương. Điều này không có nghĩa là hơn 30 DN này sẽ hoàn toàn đóng cửa nhà máy ở Trung Quốc. Họ có thể đồng thời duy trì sản xuất ở cả hai quốc gia.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy muốn mở cơ sở sản xuất ở các địa phương khác nhau các DN cần cân nhắc vị trí từ các tỉnh thành đến TP. Hồ Chí Minh bao xa, vận chuyển hàng hóa mất thời gian bao lâu, có kịp tiến độ sản xuất hay không... Nếu khắc phục được các rào cản hạ tầng, tối ưu sản xuất, Việt Nam sẽ tận dụng tốt làn sóng mở rộng đầu tư của DN Nhật Bản ra nước ngoài trong bối cảnh hậu đại dịch hiện nay - ông Hirai Shinji đánh giá.

Hiện TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương đã nhanh chóng mở rộng hoặc đầu tư mới các khu công nghiệp, hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông, nâng cấp chuỗi cung ứng logictics... để thật sự có môi trường đầu tư tốt, hạ tầng hoàn chỉnh đón các nhà đầu tư.

Theo ông Bùi Minh Trí- Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bình Dương là một trong những điểm thu hút đầu tư nóng nhất cả nước. Vì vậy, Bình Dương có kế hoạch cải thiện hơn nữa kết nối bằng cách phát triển các tuyến đường thủy và trong tương lai là tuyến đường sắt để vận chuyển hàng hóa đến các cảng ở TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai nhanh nhất.

Tại TP. Hồ Chí Minh tập trung thực hiện chính quyền điện tử, đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ trong quản lý. Từ đó sẽ giảm được thời gian làm thủ tục hành chính, giảm tiếp xúc trực tiếp, giúp giảm được các chi phí không chính thức. TP cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia nước ngoài, nhà đầu tư đến làm việc sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Từ phía Bộ Công Thương cũng đã sẽ tiếp tục hoàn thiện nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài với mục tiêu tập trung thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đây cũng chính là thế mạnh của các DN Nhật Bản. Sự hợp tác đầu tư này sẽ có tính bổ trợ, bổ sung cho nhau và cùng phát triển.

Theo Ngọc Thảo (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : Các tỉnh thành phía Nam, làn sóng đầu tư, Nhật Bản