Doanh nhân Nguyễn Bá Dương: Nhiều năm thống trị ngành xây dựng Việt Nam và biến cố bất ngờ ở tuổi 60 với cuộc chiến ‘vương quyền’

Cuộc đời, chẳng ai biết được chữ ngờ! Ở độ tuổi 60, ngỡ rằng doanh nhân Nguyễn Bá Dương sắp ‘hạ cánh trong vinh quang’ khi Coteccons ngày càng củng cố vững chắc vị thế dẫn đầu ngành xây dựng Việt Nam. Nhưng trên thực tế, vì cuộc chiến ‘vương quyền’ cùng Kusto Group, ông đã phải bỏ lại Coteccons và lập nghiệp 1 lần nữa.

Ông Nguyễn Bá Dương không thuộc top đầu tỷ phú của Việt Nam, song với nhiều người trong giới kinh doanh, ông là một doanh nhân được nhiều người vị nể.

Như một đồng nghiệp tên Dương khác (Chủ tịch Trần Bá Dương của THACO), ông cũng là một người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh với phong cách thận trọng. Cả hai đều được biết đến là những người rất không thích vay ngân hàng – đòn bẩy tài chính mà nhiều doanh nghiệp hay sử dụng. Họ không muốn mắc nợ, cho dù đó là những món nợ chính đáng.

Không giống các tỷ phú Việt khác, ông Nguyễn Bá Dương không lập nghiệp từ tay trắng mà gầy dựng sự nghiệp từ một doanh nghiệp nhỏ sau khi được cổ phần hóa. Bằng tài năng, uy tín cũng như những bước đi táo bạo trong kiểm soát, chỉ sau khoảng 6 năm, ông đã biến Coteccons trở thành nhà thầu xây dựng hàng đầu trên thị trường.

Một trong những lý do giúp Coteccons bật lên và trở thành thế lực thống trị ngành xây dựng Việt Nam trong khoảng thời gian khá dài là nhờ cú bắt tay với nhà đầu tư Kusto Group vào năm 2012. Theo đó, Coteccons đã chấp nhận bán 24,7% cổ phần cho nhà đầu tư quốc tế Kusto Group với giá 50.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch đạt 525 tỷ đồng (tương đương 25 triệu USD). Cùng với lợi nhuận tích lũy được, Coteccons nắm trong tay hơn 1.000 tỷ đồng tiền mặt vào thời điểm đó.

Khoản tiền mặt khổng lồ này đã giúp Coteccons rất nhiều trong những bước đường kinh doanh tiếp sau. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn trở thành một trong những nơi làm việc đáng mơ ước của dân xây dựng nói riêng và nhân sự Việt Nam nói chung trong nhiều năm.

Tuy nhiên, có thể nói, ông Nguyễn Bá Dương và Coteccons là ‘thành bại tại Kusto Group’. Sau vài năm hợp tác vui vẻ với nhau, đến khoảng năm 2019, mối quan hệ giữa đôi bên bắt đầu ‘cơm không lành, canh không ngọt’. Sau gần 1 năm đấu đá quyết liệt ở mọi mặt trận – đặc biệt là trên truyền thông, để không phá nát doanh nghiệp này, tháng 10/2020, cả hai bên đã ngồi với nhau để tìm giải pháp. Kết quả là ông Nguyễn Bá Dương cùng các cộng sự của ông chấp nhận rời Coteccons.

Landmark 81 - công trình biểu tượng của Coteccons và ông Nguyễn Bá Dương tính đến thời điểm này.

Trong vài năm gần đây, kết quả kinh doanh của Coteccons không còn khả quan như trước. Sự ra đi của ông Nguyễn Bá Dương đã kéo theo một loạt nhân sự cao cấp của Coteccons ra đi, cùng với đó là các mối quan hệ làm ăn, khách hàng thân tín. 

Có thể nói, lần khởi nghiệp tuổi lục tuần của ông Nguyễn Bá Dương dựa trên một nửa sức mạnh của Coteccons Group trước kia, ông tách ra và mang về Newteccons, SMART (vừa đổi tên thành SOL E&C), Ricons (đã tách khỏi Coteccons trong năm 2020, trước khi ông Dương chính thức rời đi) cùng một loạt công ty con khác. Với những cơ sở đó, dễ hiểu tại sao ông Nguyễn Bá Dương lại mạnh dạn đặt mục tiêu doanh thu 2.100 tỷ đồng cho SOL E&C, với tham vọng sẽ trở thành tổng thầu số 1 Việt Nam trong nay mai.

DU HỌC SINH TRỞ VỀ LÀM NHÂN VIÊN NHÀ NƯỚC

Ông Nguyễn Bá Dương sinh ngày 22/4/1959 tại Nam Định, tốt nghiệp trường Đại học xây dựng Kiev – Ukraine năm 1984, với tấm bằng Kiến trúc xây dựng. Sau khi đi du học về, ông vào làm việc tại Xí nghiệp Thiết kế số 1 – thuộc Viện xây dựng – Bộ Công nghiệp; sau đó tiếp tục công tác ở phòng Xây dựng cơ bản, công ty Giày Phú Lâm – cũng là một công thuộc quản lý của Bộ Công nghiệp.

Từ 1990 – 2002, ông được điều về công tác tại Công ty công nghiệp nhẹ số 2 – DESCON và được đôn lên vị trí Phó Giám đốc năm 2002. Từ 2002 – 2004, ông Dương là Phó Giám đốc kiêm Giám đốc Khối xây lắp - Công ty KTXD và VLXD Cotec. Năm 2004, sau khi Cotec được cổ phần hóa và đổi tên thành Coteccons, doanh nhân này trở thành Tổng Giám đốc. Sau khi cổ phần hóa, Coteccons có số vốn điều lệ chỉ là 15,2 tỷ đồng.

Theo lời của chính vị cựu chủ tịch Coteccons kể lại, tại thời điểm đó, nhiều người của DESCON đặt câu hỏi về sự ra đi này khi doanh nghiệp đã sẵn thương hiệu trong ngành xây dựng. Song ông Dương tự tin khẳng định, chỉ mất 2 năm, ông có thể đưa Coteccons vươn lên hàng đầu thị trường TP. HCM. Người đàn ông 43 tuổi khi ấy tự tin vào uy tín bản thân: "Các công ty tư vấn nước ngoài nhìn mặt, tin tôi và giao việc. Các nhà cung cấp tin tôi, có thể cho nợ tiền".

Trong tâm trí của ông Dương, dấu son của Coteccons gắn với những công trình dân dụng lớn thời kỳ bùng nổ bất động sản tại TP.HCM.

Công trình lớn đầu tiên mà Coteccons thi công nằm trong khuôn khổ dự án ở Phú Mỹ Hưng với giá trị gói thầu vào khoảng 150 tỷ đồng (con số này được ông Dương so sánh tương đương gần 1.000 tỷ đồng năm 2014) và ông cũng cho rằng, sự hợp tác này có được do nỗ lực rất lớn của Coteccons. Nhờ uy tín của ông, chủ đầu tư sẵn sàng ứng 15% vốn, ngân hàng cho vay 10 tỷ đồng không cần thế chấp.

The Manor

Dấu mốc thứ 2 vào năm 2004, khi Cotecons được Bitexco giao làm dự án The Manor trên vùng đầm lầy ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh. Một doanh nghiệp chưa từng làm công trình cao tầng, nay được giao cho tòa nhà 33 tầng trên một vùng đất yếu mà không nhà thầu nào dám làm.

Chính những quyết định đầy táo bạo nhưng có cơ sở nói trên, chính là bàn đạp để Coteccons tiến vào miền Trung, làm hàng loạt các khách sạn, resort 5-6 sao tại Đà Nẵng như InterContinental, The Nam Hải… Và đó là tiền đề để Coteccons có được vị thế dẫn đầu ngành xây dựng Việt Nam từ năm 2013, theo Vietnam Report.

THỜI KỲ VÀNG SON

Khi đang trên đỉnh cao, thì năm 2012, thị trường bất động sản bắt đầu một đợt bong bóng mới. Các công ty bất động sản và xây dựng khi đó phải đứng trước những chọn lựa khắc nghiệt: hoặc ngủ đông, hoặc lấn sang ngành nghề khác, hoặc gọi thêm vốn để đổi mới mô hình kinh doanh.

Ông Dương và các đồng sự đã chọn giải pháp thứ ba: Coteccons đã chấp nhận bán 24,7% cổ phần cho Kusto Group với giá 50.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch đạt 525 tỷ đồng (tương đương 25 triệu USD). Cùng với lợi nhuận tích lũy, Coteccons nắm trong tay hơn 1.000 tỷ đồng tiền mặt tại thời điểm đó.

Một đặc tính rất dễ thấy của ngành xây dựng là khi doanh nghiệp nào có dòng tiền tốt sẽ tạo nên lợi thế "vô đối" khi tham gia đấu thầu. Do nhiều chủ đầu tư khi đó cạn kiệt về tài chính, nên với nguồn tiền mặt lớn, Coteccons thậm chí còn không cần đến khoản tạm ứng 30% từ phía chủ đầu tư khi tham gia đấu thầu như thông lệ.

"Kinh doanh mà không đi vay, theo kinh tế học thì không hợp lý lắm. Nhưng với lãi suất như những năm qua thì đi vay chỉ làm "mọi" cho ngân hàng", ông Nguyễn Bá Dương nhận định.

Theo thời gian, để đảm bảo đà tăng trưởng, ông Nguyễn Bá Dương không chỉ định hướng để Coteccons phát triển chiều rộng mà còn chiều sâu.

Giữa năm 2013, một làn sóng các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào ngành may mặc, dệt nhuộm của Việt Nam nhằm đón đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã hình thành. Nhận thấy nhu cầu xây dựng nhà máy của doanh nghiệp ngoại sẽ tăng nhanh, Coteccons chủ động tiếp cận và nhanh chóng thắng thầu các dự án từ chủ đầu tư là những tập đoàn may mặc lớn của Trung Quốc như Texhong Textile hay Shenzhu. Tổng giá trị các gói thầu này lên đến gần 2.000 tỷ đồng.

Masteri Thảo Điền

Bên cạnh đó, bắt đầu từ năm 2014, ông Nguyễn Bá Dương bắt đầu lên kế hoạch biến Coteccons từ một công ty xây dựng đơn thuần thành công ty tổng thầu. Masteri Thảo Điền chính là dự án đầu tiên mà Coteccons thực hiệ với tư cách tổng thầu thiết kế và thi công (D&B). Theo ông Dương, triển khai mô hình D&B sẽ giúp giảm thiểu chi phí (tiết kiệm ít nhất 10% chi phí cho chủ đầu tư và 30% thời gian thi công). Về phía doanh nghiệp xây dựng, lợi nhuận thu về cũng sẽ cao hơn phương thức khác tối thiểu 3%.

Cũng vì đi theo chiến lược tổng thầu, đã đẻ ra hệ sinh thái Coteccons – Coteccons Group, bao gồm một loạt doanh nghiệp như Coteccons, Unicons, Ricons, FDC (Newtecons), BM Windows, Boho Décor, Dcons, SMART…

"Chúng tôi vẫn luôn vượt qua được các thách thức trong bước đường kinh doanh nhờ hai yếu tố quan trọng: uy tín thương hiệu và cách kinh doanh linh hoạt, nhanh nhạy.

Chẳng hạn, giữa năm 2013, nhận thấy các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào ngành may mặc, dệt nhuộm của Việt Nam tăng cao, Coteccons đã tiếp cận các dự án xây dựng nhà máy, cơ sở hạ tầng từ những chủ đầu tư là các tập đoàn may mặc hàng đầu Trung Quốc như Texhong Textile, Shenzhou; nhờ vậy đã liên tục thắng thầu và lúc nào cũng có từ 4 - 5 công trình nhà cao tầng để thi công.

Cũng vào thời điểm khó khăn, chủ đầu tư càng quan tâm tới tiến độ, chất lượng thi công, năng lực tài chính của nhà thầu. Vì vậy, thay vì mở rộng đa ngành thì Coteccons tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi là xây lắp, phát huy các thế mạnh về năng lực thi công, quản lý dự án và gia tăng giá trị dịch vụ cho khách hàng.

Chẳng hạn trước đây chúng tôi chỉ đáp ứng đúng như yêu cầu của chủ đầu tư. Nhưng trước việc các chủ đầu tư thường băn khoăn không biết chọn nhà thiết kế nào, làm theo hướng nào, rồi hai, ba ông thiết kế không hợp nhau nên dự án thường bị chênh nhau, rồi phát sinh cái này, cái khác, cộng lại chi phí tăng rất cao; thế nên Coteccons đã thành lập trung tâm thiết kế, nhận làm tổng thầu, quản lý hết cho nhà đầu tư từ A – Z. Nghĩa là chúng tôi sẽ thực hiện từ khâu tìm nhà thiết kế kiến trúc đến thi công, đưa ra giải pháp kết cấu, điện, nước, tính toán giá thành sao cho chủ đầu tư có lãi.

Tất cả công việc này chúng tôi làm một cách chân thành, thực sự quan tâm đến lợi ích của khách hàng, chỉ lấy phần lợi nhuận của mình. Vì thế, ngày càng nhiều chủ đầu tư muốn Coteccons đồng hành", ông Nguyễn Bá Dương miêu tả về quá trình lớn mạnh của Coteccons nhờ luôn thấu hiểu khách hàng.

Về kết quả kinh doanh, giai đoạn 2010 - 2012, tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của Coteccons có doanh thu là 16% nhưng lợi nhuận âm 5%. Từ sau khi có sự xuất hiện của Kusto Group năm 2012, kết quả kinh doanh Coteccons bứt tốc nhờ nguồn vốn lưu động lớn từ cổ đông ngoại mà không phải phụ thuộc vào dòng tiền từ hoạt động kinh doanh; tỷ lệ CAGR giai đoạn 2012 - 2017 về doanh thu đạt 43% còn lợi nhuận là 50%.

Năm 2018, Coteccons lập kỷ lục về doanh thu với 28.561 tỷ đồng khi vốn điều lệ chưa tới 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, 2018 cũng là năm ghi nhận lợi nhuận giảm lần đầu sau 6 năm tăng trưởng liên tiếp. Năm 2019, cả doanh thu và lợi nhuận đều giảm, không hoàn thành kế hoạch kinh doanh và dòng tiền kinh doanh âm năm thứ 2 liên tiếp. Và cuộc chiến ‘vương quyền’ cũng bắt đầu trở nên nóng bỏng trong năm 2019.

CUỘC CHIẾN 'VƯƠNG QUYỀN' 

Lễ ký kết hợp tác đầu tư giữa Kusto Group và Coteccons năm 2012.

Kusto Group đã chiến thắng trong việc tranh giành quyền lực tại Coteccons sau 4 năm giằng co với lãnh đạo cũ là ông Nguyễn Bá Dương; nhưng đây là chiến thắng ‘trầy da tróc vẩy’ chứ chẳng dễ dàng gì.

Kể từ năm 2017, nhóm nhà đầu tư Kusto Group đã có rất nhiều mâu thuẫn với nhóm thân hữu với ông Nguyễn Bá Dương. Cả hai đã có những tranh đấu dai dẳng trong suốt 4 năm và chỉ bùng nổ vào năm 2020, khi ông Nguyễn Bá Dương định sáp nhập Ricons – 1 thành viên của hệ sinh thái Coteccons Group vào Coteccons nhằm pha loãng tỷ lệ sở hữu của nhóm nhà đầu tư Kusto Group ở doanh nghiệp này.

Tất nhiên, Kusto Group không đồng ý và tố ngược lại ông Nguyễn Bá Dương cùng nhiều lãnh đạo cao cấp của Coteccons nhập nhằng trong việc điều hành Coteccons – Ricons, 2 công ty vừa là đồng minh vừa là đối thủ trong Coteccons Group. Đỉnh điểm của drama này là những đấu tố không khoan nhượng của cả hai trong ĐHCĐ và trên truyền thông giữa năm 2020.

Hơn nữa, nhiều cá nhân liên quan đến ông Nguyễn Bá Dương đang nắm nhiều chức vụ trong các công ty con. Ông Nguyễn Xuân Đạo (em ruột) đứng tên cổ đông sáng lập của BM Windows, Newtecons, SMART, Dcons. Ông Huỳnh Nhật Minh (em rể) là cổ đông sáng lập của BM Windows, trong khi bà Huỳnh Thị Tuyết Ngọc (vợ) là cổ đông sáng lập của BM Windows và nắm cổ phần lớn trong Ricons.

Theo quan điểm của ông Trần Bá Dương, dù Coteccons không nắm quyền sở hữu những công ty thành viên, song với việc là tổng thầu, thì những công ty thành viên như Newtecons, Ricons là những mảnh ghép quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp của Coteccons Group. Còn với Kusto Group, họ không thể chấp nhận được việc ông Nguyễn Bá Dương mang tài nguyên của Coteccons chia sẻ cho công ty con mà chẳng thu lại bất cứ lợi ích cụ thể nào.

Sau nhiều lần tranh cãi mà không tìm được giải pháp cuối cùng giúp cả hai bên chung sống hòa bình, vào tháng 10/2020, ông Nguyễn Bá Dương tuyên bố từ nhiệm chức Chủ tịch của Coteccons, sau đó ông Bolat Duisenov lên thay; kèm theo đó là một loạt thay đổi nhân sự cấp cao trong Ban lãnh đạo của doanh nghiệp. Hệ quả, hệ sinh thái Coteccons Group chính thức tan vỡ: ông chủ mới có Coteccons; Unicons, Ricons cùng Newtecons tách hoạt động độc lập.

Nói về lý do, trong đơn từ nhiệm, ông Nguyễn Bá Dương cho biết: “Vì lý do sức khoẻ và muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, tôi nghĩ rằng mình sẽ không thể sắp xếp công việc, đóng góp những điều tốt nhất cho Coteccons”.

Đồng hành và gây dựng Coteccons từ thời sơ khởi, ảnh hưởng của ông Dương lên doanh nghiệp này là không thể đong đếm. Coteccons cũng có tiếng là công ty có đãi ngộ cho cán bộ công nhân viên vào loại tốt nhất thị trường, nên rất nhiều cán bộ công nhân viên hết lòng yêu quý vị Chủ tịch của mình – thậm chí có người còn xem ông là thần tượng.

Không có gì ngạc nhiên, khi ông Nguyễn Bá Dương ra đi đã kéo theo việc hàng loạt nhân sự cao cấp – trung cấp nghỉ việc tại Coteccons.

Cụ thể, ngoài ông Nguyễn Bá Dương, trong năm 2020, Coteccons còn chứng kiến sự ra đi của một loạt ‘công thần’ như ông Nguyễn Quốc Hiệp (thành viên HĐQT), ông Nguyễn Sỹ Công (Tổng giám đốc), ông Trần Quang Quân (Phó Tổng giám đốc), ông Trần Văn Chính (Phó Tổng giám đốc), ông Từ Đại Phúc (Phó Tổng giám đốc)…

Ông Nguyễn Bá Dương trong lễ ra mắt SOL E&C.

Tháng 2/2021, ông Nguyễn Bá Dương lần đầu tiên xuất hiện sau khi từ nhiệm, trong buổi ra mắt công ty mới mang tên SOL E&C (trước đây có tên là SMART). Ông sẽ đóng vai trò Chủ tịch sáng lập. Trong buổi lễ ra mắt, SOL E&C đã đặt mục tiêu doanh thu năm 2021 hơn 2.000 tỷ đồng, cũng như tham vọng trở thành tổng thầy xây dựng số 1 Việt Nam trong nay mai.

SOL E&C từng tham gia thi công hoàn thiện hàng loạt dự án lớn như Masteri An Phú, Nhà máy Gain Lucky, Nhà máy Brotex. Trong năm 2020, công ty trở thành tổng thầu xây dựng SOL E&C với giá trị hợp đồng ký kết hơn 2.000 tỷ đồng.

Với những diễn biến sau khi rời khỏi Coteccons trong năm 2020, có vẻ ông Nguyễn Bá Dương đã chuẩn bị đường lui cho mình rất kỹ; chỉ tiếc rằng Coteccons không còn vững chãi được như xưa.

Đông Quân

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Theo cafebiz.vn

Từ khóa : Doanh nhân Nguyễn Bá Dương, ngành xây dựng, vương quyền