Thị trường tương lai tiềm năng tại Việt Nam - Năng động, tăng trưởng nhanh và nhiều thử thách hơn

Chính sự lạc quan và ngày càng đề cao giá trị của người tiêu dùng Việt Nam (NTD) sẽ là nền tảng thúc đẩy thị trường phát triển. Ngoài ra, NTD tại nông thôn cũng là một trong những yếu tố chủ chốt thúc đẩy sự phát triển kinh tế Việt Nam - khi thị trường tại các khu vực thành thị ngày càng trở nên bão hòa.

Hành vi của người tiêu dùng

NTD đang ở trong giai đoạn chuyển đổi trong nhận thức cũng như lối sống truyền thống đến hiện đại cùng sự hiểu biết và thông thạo với công nghệ. Điều này tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp thương mại điện tử (TMĐT) và các nhà bán lẻ kênh hiện đại. NTD được đánh giá là rất lạc quan về tương lai mặc dù chi tiêu cho cuộc sống ngày càng đắt đỏ. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng (CCI) ghi nhận đạt mức cao nhất trong quý 1, 2016.

 

Tuy nhiên, NTD vẫn cẩn thận trong chi tiêu ngay cả khi họ cảm thấy lạc quan về tương lai, và thường chi nhiều cho những hàng hóa dịch vụ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình. Ba khoản chi tiêu hàng đầu của NTD bao gồm giáo dục, sản phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sản phẩm chăm sóc gia đình. Cụ thể, NTD chi 10-12% thu nhập cho việc giáo dục của con cái; ngành dược phẩm tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm ngoái; và 50% người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm chăm sóc gia đình.

 

Ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) hiện đang trở nên bão hòa với 2-3% tăng trưởng hằng năm.

Tổng quan về ngành bán lẻ

Kênh phân phối hiện đại và chuỗi cửa hàng tiện lợi sẽ mở rộng quy mô và trở thành kênh mua hàng chính của người tiêu dùng Việt Nam, điển hình là mô hình chuỗi cửa hàng tiện lợi đã tăng trưởng 300% trong năm qua. Mối lo ngại và nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ là động lực chính khiến cho người tiêu dùng cân nhắc chuyển đổi từ kênh chợ truyền thống sang những kênh bán hàng đảm bảo hơn.

Hoạt động khuyến mãi sẽ vẫn giữ vị trí quan trọng ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của NTD. Khảo sát ý kiến NTD trong kênh siêu thị cho thấy, Saigon Co.op và Big C là hai hệ thống siêu thị có khuyến mãi hấp dẫn nhất cho NTD. Tương tự, về phía cửa hàng tiện lợi thì VinMart và FamilyMart là hai hệ thống đứng đầu qua đánh giá của NTD.

Hoạt động sử dụng truyền thông của NTD

Người tiêu dùng đang dành ra nhiều thời gian rảnh rỗi của họ cho smartphone và các thiết bị kết nối internet khác hơn là cho ti vi và các phương tiện truyền thông ngoại tuyến. 77% người được khảo sát cho biết đã và đang sử dụng smartphone, và hơn 57% trong số đó dành ra từ 3-4 giờ một ngày trên diện thoại smartphone.

Tuy nhiên, mặc dù NTD ngày càng ít xem ti vi, chi tiêu cho việc quảng cáo trên ti vi lại ngày càng tăng và đạt mức 1,7 tỷ USD trong năm 2015, chiếm 90% tổng chi cho quảng cáo, tăng 10% so với 2014. Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp và các đơn vị quảng cáo vẫn chưa làm quen với hoạt động quảng cáo trực tuyến và đang chi tiêu cho quảng cáo theo quán tính. Nhưng xu hướng quảng cáo tất yếu trong tương lai sẽ là quảng cáo trực tuyến khi người tiêu dùng thế hệ trẻ sẽ trở thành đa số.

Thương mại điện tử Việt Nam

Mặc dù ngành TMĐT Việt Nam hiện tại còn nhiều thách thức và bất cập, thị trường tương lai sẽ phát triển theo hướng thuận lợi hơn.

NTD đặt nặng giá trị so với chi phí bỏ ra, sự đa dạng về lựa chọn và trải nghiệm mua hàng, nhưng lại thường thiếu niềm tin vào sản phẩm bày bán trực tuyến. Niềm tin của NTD đối với TMĐT rất thấp, tương tự như người tiêu dùng Hoa Kỳ 20 năm về trước. Nhưng trong vòng 4 năm trở lại đây, NTD đã dần tin tưởng hơn vào TMĐT. Giá cả vẫn là yếu tố chính thúc đẩy TMĐT, trong khi yếu tố tiện lợi vẫn chưa được đề cao đúng mức.

Các doanh nghiệp TMĐT đang tìm cách làm sao để phục vụ khách hàng tại vùng nông thôn tốt hơn, vì NTD ở nông thôn sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ TMĐT -  họ sẽ có nhiều lựa chọn hơn và được tiếp cận với những hàng hóa dịch vụ mà bình thường họ không có cách nào tiếp cận được. Thách thức lớn nhất về phát triển của doanh nghiệp TMĐT là làm thế nào để đồng bộ hóa toàn bộ hoạt động giao dịch (mua hàng mọi nơi, trả hàng mọi nơi). Về hoạt động giao hàng, xe gắn máy là phương tiện sẽ được sử dụng chính trong việc giao hàng TMĐT nhờ vào tính linh hoạt và phù hợp với thành thị.

Sự phát triển của thị trường nông thôn

Thị trường nông thôn rất quan trọng nhưng vì tốc độ phát triển nông thôn ở Việt Nam còn chậm so với nhu cầu của TMĐT nên các công ty TMĐT phải tự phát triển mạng lưới logistics của mình bao phủ các tỉnh, thành và có thể hơn nữa.

Các chuyên gia cũng đồng quan điểm rằng, thị trường tại các khu vực nông thôn sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với kinh tế Việt Nam. Các tập đoàn lớn và doanh nghiệp đa quốc gia nên tiên phong trong việc phát triển thị trường nông thôn.

Tầm nhìn cho ngành phân phối và logsitics của Việt Nam trong 5-10 năm tới

Các doanh nghiệp sẽ tập trung phát triển khả năng tích hợp trên Internet (tích hợp với các ứng dụng như Uber, Grab và những công nghệ tương tự vào mạng lưới hiện tại), đồng thời ứng dụng những thực hành logistics an toàn và chuẩn hóa. Song song đó, việc phát triển cơ sở hạ tầng sẽ cho phép tiếp cận thị trường nông thôn và giảm thời gian di chuyển giữa các thành phố lớn, các đầu mối kinh tế chính. Năng lực theo dõi đơn hàng theo thời gian thực cũng là một hạn chế được nêu ra bởi nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam (và họ đều thể hiện ý muốn khắc phục hạn chế này).

Cùng với định hướng phát triển và mở rộng thị trường nông thôn, sự phát triển của những nhà cung cấp dịch vụ logistics chuyên phục vụ khu vực nông thôn là rất cần thiết. Hiện nay, tuy đã có một số lượng nhất định các nhà phân phối hàng hóa đến khu vực nông thôn, nhưng những doanh nghiệp này vẫn còn lạc hậu về phương diện quản lý bằng công nghệ thông tin (CNTT) và trong tương lai, họ sẽ cần phải phát triển năng lực CNTT phù hợp.

Khi các nhà đầu tư từ Thái Lan mua lại những doanh nghiệp bán lẻ lớn tại Việt Nam, nhập khẩu hàng hóa từ Thái Lan có thể tăng. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ là thị trường Việt Nam đã sẵn sàng cho điều này chưa.

Julien Brun, Tổng Giám Đốc công ty CEL Consulting

Theo Ngày Mới Sài Gòn - NXB Thanh Niên

Từ khóa : Thị trường tương lai,Julien Brun,CEL Consulting