Gặp gỡ nhà văn Michel Bussi - “ông hoàng trinh thám” trong nền văn học Pháp đương đại

Nhân dịp nhà văn Michel Bussi sang Việt Nam, Viện Pháp tại Việt Nam và Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam phối hợp tổ chức các sự kiện: Buổi gặp gỡ nhà văn Michel Bussi nhân dịp ra mắt bản dịch tiểu thuyết “Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử bé ?” (vào lúc 18h thứ năm ngày 03.11 tại Hội trường D, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - 12 Đinh Tiên Hoàng, Q.1); và Buổi Chiếu phim - Gặp gỡ nhà văn Michel Bussi (vào lúc 17h thứ sáu ngày 04.11 tại IDECAF - 31 Thái Văn Lung, Q.1). Cả 2 chương trình đều có dịch song ngữ Pháp – Việt. Vào cửa tự do

Trong nền văn học Pháp đương đại, Michel Bussi được mệnh danh là “ông hoàng trinh thám” với phong cách viết biến hóa tài tình, bất ngờ đến ngạt thở. Ông giành được hơn 15 giải thưởng văn học lớn, các tiểu thuyết của ông đã được dịch và xuất bản tại hơn 35 quốc gia, trong đó một số đã được chuyển thể thành phim. Theo tờ Le Figaro, ông là một trong năm nhà văn Pháp có sách bán chạy nhất năm 2021 tại nước này. Các tác phẩm của Bussi đã được Nhã Nam xuất bản tại Việt Nam bao gồm: Xin đừng buông tay, Hoa súng đen, Mẹ đã sai rồi, Vết khắc hằn trên cát, Kho báu bị nguyền rủa.

Buổi gặp gỡ này là dịp ra mắt bản dịch tiếng Việt cho tiểu thuyết trinh thám mới nhất của Michel Bussi: Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử Bé?. Tác phẩm văn học nổi tiếng Hoàng tử bé với thế giới đậm chất thơ cùng thông điệp đầy tính nhân văn đã khơi gợi trí tưởng tượng của nhà văn ngay từ thuở đầu viết sách. Để kỷ niệm 75 năm ngày Hoàng tử bé ra đời, nhà văn Michel Bussi đã cho ra mắt Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử bé?, một tác phẩm không thể bỏ qua với những ai đã từng yêu mến Hoàng tử bé cùng văn phong đặc trưng của Michel Bussi.

Tác phẩm Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử Bé? là một cuộc truy tìm ẩn số lý giải sự biến mất kỳ lạ của nhân vật Hoàng tử bé cũng như vụ mất tích bí ẩn của cha đẻ Hoàng tử bé là nhà văn Saint-Exupéry. Độc giả thường cho rằng Hoàng tử bé đã biến mất vì rắn cắn… Nhưng sự thật có đơn giản như vậy không? Có bao giờ chúng ta thực sự tự hỏi: Ai đã giết Hoàng tử bé?. Tiểu thuyết Mã 612 – Ai đã giết Hoàng tử bé? của nhà văn Michel Bussi sẽ đưa ra nhiều giả thuyết về thủ phạm và động cơ, để cuối cùng hé lộ sự thật bất ngờ về nhà văn Saint-Exupéry cũng như về tác phẩm của ông.

Tham gia buổi gặp gỡ này còn có diễn giả khách mời là Tiến sỹ Trần Lê Bảo Chân. Từng học tại Đại học Sorbonne Nouvelle Paris và Đại học Caen Normandie (Pháp), TS. Trần Lê Bảo Chân là giảng viên văn học đồng thời là Trưởng bộ môn Biên phiên dịch của khoa tiếng Pháp Trường đại học Sư phạm TP.HCM. Cô là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về văn học và giáo dục. Cô cũng đã từng dịch nhiều tác phẩm văn học Pháp sang tiếng Việt. Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu như: Hồi ức thiếu nữ (Annie Ernaux), Ngọc phương Nam (Jules Verne), Làm sao nói về những cuốn sách chưa đọc? (Pierre Bayard), Đêm (Ellie Wiesel), Đừng tự dối mình (Philippe Besson)...

Tại chương trình diễn ra vào ngày 04.11 tại IDECAF, khán giả sẽ khám phá 2 tập đầu tiên của serie phim truyền hình Maman à tort (Mẹ đã sai rồi). Sau đó, khán giả sẽ có dịp giao lưu, thảo luận với nhà văn Michel Bussi về những câu chuyện xoay quanh tác phẩm ở cả 2 phiên bản: văn học và truyền hình.

Bộ phim truyền hình Maman à tort (Mẹ đã sai rồi) kể về Malone, một cậu bé ba tuổi rưỡi đã nói rằng mẹ của cậu không phải là mẹ ruột của mình. Cậu bé rất sợ mưa và những mảnh thủy tinh vỡ. Một nhà tâm lý học đã bị hấp dẫn bởi những bức tranh khác thường của cậu bé và đã gọi cho hiệu trưởng của trường cũng như cố gắng cảnh báo cảnh sát. Liệu điều cậu bé nói có phải sự thật và là manh mối cho một cuộc điều tra ly kỳ của cảnh sát ?

Theo Ngày Mới Saigon

Từ khóa : nhà văn Michel Bussi, Viện Pháp tại Việt Nam, Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam. Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử bé, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn