Thấy gì từ việc Quảng Ninh từ chối vay Trung Quốc 7.000 tỷ cho cao tốc Vân Đồn - Móng Cái?

BizLIVE - Quảng Ninh đã đề nghị được tiếp tục giữ thẩm quyền đầu tư dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái không dựa vào nguồn vốn vay gần 7.000 tỷ đồng từ phía Trung Quốc.

Ảnh minh họa

Liên quan đến đề xuất từ phía Trung Quốc về việc cho vay 300 triệu USD, tương đương 7.000 tỷ đồng xây dựng dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (Quảng Ninh), UBND Quảng Ninh mới đây đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị được tiếp tục giữ thẩm quyền đầu tư dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Theo lãnh đạo UBND Quảng Ninh, hiện nay có một số nhà đầu tư trong nước đã quan tâm đến việc đầu tư con đường này, các nhà đầu tư cũng đưa ra phương án cho thấy con đường hoàn toàn có thể huy động nguồn lực theo hình thức hợp tác công tư, ngân sách chỉ bỏ ra một khoản đối ứng nhất định để giải phóng mặt bằng và một số việc khác, nhà đầu tư sẽ đầu tư con đường 4 làn xe.

“Chúng tôi đang hoàn chỉnh phương án đầu tư dự án, khả năng huy động với tỷ lệ 70-30, tức là nhà đầu tư bỏ ra 70% vốn, ngân sách bỏ ra 30% vốn”, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết trên Vietnamnet.

Vị lãnh đạo này cũng đánh giá dự án có tính khả thi cao đồng thời cho biết thêm rằng, 300 triệu USD phía Trung Quốc đề nghị cho vay so với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 800 triệu USD, tương đương 16.000 tỷ đồng cũng không đủ đầu tư.

Bên cạnh đó, để vay 300 triệu USD, nếu phía Trung Quốc đưa ra các điều kiện về nhà thầu của Trung Quốc thì rất khó khăn trong khi các nhà đầu tư trong nước hoàn toàn có khả năng làm con đường này.

Trao đổi với BizLIVE, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho biết, ông rất ủng hộ phương án của UBND tỉnh Quảng Ninh khi đã quyết định triển khai dự án theo hình thức công tư vì đây là dự án hoàn toàn có khả năng thu phí, mang lại hiệu quả khai thác cao.

“Việc huy động vốn trong nước thay vì sử dụng vốn vay sẽ đảm bảo các yếu tố kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng”, ông Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.

Trước đó, Bộ Bộ Tài chính từng đề nghị chủ đầu tư phân tích đầy đủ về hiệu quả kinh tế và có phương án tài chính phù hợp với quy định trước khi đề xuất về nguồn vốn sử dụng và cơ chế tài chính cho dự án.

Bộ này cũng cho biết, các khoản vay ưu đãi bên mua của Trung Quốc đều là các khoản vay có ràng buộc, phải sử dụng nhà thầu, công nghệ và máy móc thiết bị Trung Quốc. Trong khi đó, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc là dự án đầu tư phát triển có nguồn thu trực tiếp.

Trong khi đó, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, dự án này khó thu hút các nhà đầu tư tham gia theo hình thức BOT do kinh phí đầu tư lớn. Ngoài ra, đây là khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, cần có cơ chế hỗ trợ đầu tư, đặc biệt thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông không thu phí.

Ý kiến của các chuyên gia kinh tế thời điểm này cho rằng, không nên vay vốn Trung Quốc để thực hiện dự án, trường hợp vay Trung Quốc thực hiện dự án cần xem xét điều kiện vay, lãi suất vay và giám sát chặt chẽ tránh tình trạng đội vốn, chậm tiến độ...

Hiện Quảng Ninh chưa có dự án nào sử dụng vốn ODA Trung Quốc. Quảng Ninh đang huy động nguồn vốn BOT trong nước cho Dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến và đường nối TP. Hạ Long với cầu Bạch Đằng. Được biết, nguồn vốn BOT của các liên danh trong nước là khoảng 7.300 tỷ và đang được triển khai tích cực. 

Theo NGUYỄN THẢO(BizLive.vn)

Từ khóa : dự án cao tốc