Du lịch: Đầu tư kém làm sao phát triển mạnh?
Giữa tuần qua, lần đầu tiên Chính phủ tổ chức hội nghị quy mô toàn quốc về du lịch với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và nhiều doanh nghiệp.
Ảnh minh họa. |
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu mục tiêu đến năm 2020, du lịch phải đóng góp từ 10 - 20% vào GDP và thu hút ít nhất 15 triệu lượt khách quốc tế.
Theo thủ tướng, dư địa để phát triển ngành du lịch còn rất lớn và ngành này có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nếu biết tổ chức một cách nghiêm túc, quyết tâm và có sự đồng lòng.
Tụt hậu vì ngân sách và chính sách visa quá yếu
Dù từ đầu năm đến nay lượng khách đến Việt Nam tăng 24% nhưng trong hội nghị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhận xét: “Nguy cơ tụt hậu của du lịch Việt Nam đang rất lớn”.
So với nhiều nước trong khu vực, du lịch Việt Nam tăng trưởng chưa bền vững, tốc độ tăng trưởng trong dài hạn thấp gần nhất khu vực và mức độ phụ thuộc vào một số thị trường trọng điểm cao.
Để đạt mục tiêu Thủ tướng đề ra vào năm 2020, mỗi năm Việt Nam phải thu hút thêm 2 triệu khách quốc tế. Đây là thử thách lớn khi môi trường – văn hóa, chất lượng sản phẩm, sự cạnh tranh về giá, chính sách visa và ngân sách quảng bá của du lịch Việt Nam đang ngày càng bị các nước trong khu vực bỏ xa.
Thủ tướng cũng cho rằng, ngành du lịch trong nước cần nhìn vào kinh nghiệm du lịch những nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore.
Tuy nhiên, khi mà ngân sách quảng bá nước ta chưa được một phần trăm so với các nước này thì ngành du lịch Việt Nam chỉ có thể nhìn, chứ khó mà áp dụng kinh nghiệm. Trong vòng 8 năm qua, ngân sách quảng bá của các nước này đã tăng gấp 3 lần.
Năm 2016, chương trình Amazing Thái Lan được giao 228 triệu USD, chương trình Truly Asia của Malaysia được giao 300 triệu USD, còn ngân sách quảng bá của du lịch Việt Nam vẫn chỉở mức 1,5 triệu USD.
Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam cũng đang ngày càng xuống thấp so với Indonesia và Philippines. Ngay sau khi đặt mục tiêu tăng đóng góp của du lịch vào GDP lên 20% trong năm 2019, Indonesia đã miễn visa cho 169 thị trường, tăng ngân sách quảng bá từ 22 triệu USD năm 2014 lên 88 triệu USD trong năm 2015. Philippines cũng có chính sách visa cởi mở tương tự và dành ngân sách cho quảng bá du lịch là khoảng 10 triệu USD/năm.
Không chỉ tụt hậu về quảng bá, chỉ số Yêu cầu về thị thực của Việt Nam hiện xếp thứ 119/141, gần chót ASEAN (theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới). Mới một tháng trước đây, hầu hết các đề nghị nới lỏng chính sách visa mà Bộ Du lịch đưa lên Thủ tướng đã không được phê duyệt.
Sau rất nhiều kiến nghị trong nhiều năm liền của doanh nghiệp, Chính phủ vẫn chỉ miễn visa cho công dân 22 nước với những chính sách ngắn hạn và nhiều hạn chế.
Nâng cao chất lượng sản phẩm bằng nhiều biện pháp
Trên diễn đàn trao đổi thông tin của các website du lịch hàng đầu như lonelyplanet.com, tripadviser.com… các câu hỏi so sánh Việt Nam với Thái Lan, Indonesia hay Philippines xuất hiện mỗi lúc càng nhiều. Có thể thấy các chia sẻ bất lợi của những du khách đã đến Việt Nam cũng ngày càng tăng.
Rất nhiều ý kiến cho biết so với các nước xung quanh, chi phí dịch vụ, tham quan tại Việt Nam thời gian qua tăng cao, nạn chèo kéo chặt chém phổ biến, cảnh quan môi trường, giao thông ngày càng xuống cấp…
Theo khảo sát của Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án EU) công bố cuối năm 2014, chỉ có khoảng 6% khách quốc tế quay trở lại các điểm du lịch tại Việt Nam. Khảo sát tương tự ở các nước Singapore, Thái Lan, Malaysia cho thấy con số này là 55% đến hơn 70%.
Sau 2 tuần xuyên Việt, 2 du khách Lucas Pedersen, Mathilde Lund (đến từ Đan Mạch) cho biết sản phẩm du lịch Việt Nam khá nghèo nàn về cả chất lẫn lượng so với hình dung của họ trước đó, và: “Buổi tối muốn giải trí, thưởng thức nghệ thuật riêng của các bạn, chúng tôi chẳng biết đi đâu”.
Ý kiến trên cũng là vấn đề hàng đầu mà các doanh nghiệp lữ hành kiến nghị với Thủ tướng tại hội nghị. Đại diện Công ty Lữ hành Saigontourist nhận xét: “Sản phẩm du lịch Việt Nam đơn điệu, thiếu đa dạng, ít được đổi mới”.
Theo doanh nghiệp này, Chính phủ cần định hướng xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương dựa vào tiềm năng và thế mạnh nổi trội của những nơi đó, qua đó tạo được điểm nhấn và sự khác biệt và thu hút, tập trung nguồn lực đầu tư của các doanh nghiệp vào việc phát triển những sản phẩm du lịch đặc trưng.
Hậu quả của tình trạng sản phẩm du lịch thiếu đa dạng mới đây đã được nhà nghiên cứu dân tộc học Trần Hữu Sơn – nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Lào Cai chỉ rõ: Ở huyện Vân Hồ và Mộc Châu, tỉnh Sơn La, các điểm du lịch cộng đồng như bản Phụ Mẫu 1, bản Phụ Mẫu 2, bản Nà Bai đã bị giảm khách nghiêm trọng. Phỏng vấn 10 hãng lữ hành đưa du khách đến vùng người Thái ở Hòa Bình, Sơn La và Điện Biên đều nhận được ý kiến chung là: Du khách chỉ thăm một làng du lịch cộng đồng thì đã biết trước các sản phẩm du lịch của các làng khác.
Bên cạnh đó, ứng xử của người dân với du khách cũng nhận nhiều lời phàn nàn. Cách đây không lâu, một du khách Việt đã chia sẻ trên internet: Chúng tôi đi trekking Sa Pa, Lao Trải, Ý Linh Hồ, Nậm Cang, Nậm Toóng, Bản Hồ, Hầu Thào, Giàng Ta Chải… Đi đâu cũng thường xuyên bị từ già đến trẻ người H’mong kèm sát như hình với bóng và liên tục chào mời mua đồ lưu niệm. Họ đeo bám hàng chục cây số không rời, bất chấp bị từ chối quyết liệt.
Để nâng cao chất lượng du lịch Việt Nam, đại diện Công ty Du lịch Bến Thành cho rằng, bên cạnh nâng cao nhận thức của cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ các giá trị bản địa, ứng xử thân thiện và hỗ trợ du khách, tham gia các hoạt động du lịch một cách có tổ chức… thì Chính phủ cần đảm bảo cuộc sống của người dân địa phương bằng thu nhập họ có được qua việc tham gia vào hoạt động phát triển du lịch bền vững.
Khai thác tốt khách Trung Quốc bên cạnh tìm thị trường mới
Theo ý kiến của một số doanh nghiệp, muốn thu hút thêm 2 triệu du khách một năm, Việt Nam cần có chiến lược bài bản hơn đến thị trường Trung Quốc. Trong 7 tháng đầu năm 2016, lượng khách từ thị trường này đến nước ta tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 1,5 triệu lượt.
Khách Trung Quốc có văn hóa ứng xử kém nhưng không thể vì vậy mà chúng ta dị ứng với đối tượng này, bởi đây vẫn là nguồn lợi kinh tế lớn. Khắp nơi trên thế giới, ngay cả những nước phát triển cao hiện nay cũng có nhiều chính sách thu hút khách Trung.
Để hạn chế những phức tạp do khách Trung Quốc đem lại, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch nên yêu cầu các công ty lữ hành phổ biến quy định về du lịch bằng tiếng Hoa cho du khách người Hoa và chịu trách nhiệm về sinh hoạt của du khách nói chung, trong đó có du khách Hoa.
Có ý kiến cho rằng Việt Nam không nên chậm chân trong việc khai thác thị trường Ấn Độ, Trung Đông – 2 khu vực có lượng người dân đi du lịch nước ngoài hằng năm tăng bình quân hơn 13%/năm.
Để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành du lịch tập trung khai thác tốt những thị trường truyền thống là chưa đủ mà cần phải mở rộng đến các thị trường mới. Muốn khai phá thị trường khách Trung Đông, ngành du lịch Việt Nam có thể học hỏi cách Thái Lan thực hiện chiến dịch 2015 Discover Thainess. Chiến dịch này đã giúp Thái Lan trở thành điểm đến thân thiện với đạo Hồi và thu hút hơn nửa triệu khách Trung Đông trong năm 2015.
Điểm sáng nhất tại hội nghị tuần qua có lẽ là việc Thủ tướng đồng ý thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch với ngân sách nhà nước cấp ban đầu khoảng 200 - 300 tỷ đồng. Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ cho biết việc thực hiện cấp thị thực điện tử sẽ bắt đầu từ 1/1/2017.
Trong hội nghị, Chủ tịch TP. Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ cho phép các địa điểm vui chơi của du khách được hoạt động sau 12 giờ đêm, bên cạnh đó thủ đô cần được xây dựng 1.000 nhà vệ sinh ở các điểm công cộng và du lịch.
Tuy nhiên, đây chưa phải là những việc làm cơ bản để du lịch Việt Nam có thể thay đổi. Nếu mức độ quan tâm đầu tư của Chính phủ vẫn cứ như thời gian qua, ngành du lịch khó có thể khai thác hết tiềm năng và tận dụng được các cơ hội để cất cánh.
Theo BizLive.vn(Bích Trâm/Báo Doanh nhân Sài Gòn)
Từ khóa : du lịch