Nghệ thuật chạm khắc gốc cây ở Đông Giao

Hải Dương xưa vốn là vùng đất văn hiến với trăm nghề truyền thống, trong đó có nghề chạm khắc gỗ ở làng cổ Đông Giao, xã Cẩm Giàng. Ngày nay, kế thừa nghề xưa, các nghệ nhân Đông Giao đã phát huy mạnh mẽ nghề truyền thống của quê hương mình, đặc biệt là loại hình nghệ thuật chạm khắc gốc cây.

Tương truyền, nghề chạm khắc gỗ ở Đông Giao đã có trên 300 năm. Xưa, người thợ Đông Giao nổi tiếng với các sản phẩm đồ thờ như ban thờ, nghi môn, hoành phi, câu đối… Các sản phẩm ấy được người dân các tỉnh thành lân cận rất ưa dùng. Ngoài ra, đôi bàn tay tài hoa của người thợ Đông Giao còn in dấu ở rất nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng trên khắp mọi miền đất nước. Vì thế, cho đến nay, người Đông Giao vẫn còn tự hào mỗi khi nhắc đến công lao của những người thợ tài hoa quê mình trong việc xây dựng kinh thành Huế xưa kia.

Một nghệ nhân làng Đông Giao đang chế tác gốc cây hàng trăm năm tuổi thành một tác phẩm nghệ thuật với nhiều hình muông thú.
Bên trong xưởng chế tác của anh Vũ Hồng Thanh ở làng cổ Đông Giao.
Anh Vũ Hồng Thanh chăm chú đẽo gọt bên một tác phẩm tạc từ gốc gây của mình.
Đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân tạc tượng làng Đông Giao đã làm nên những tác phẩm độc đáo.
Một trong những sản phẩm đặc sắc của làng Đông Giao là tượng cảnh được chạm khắc từ gốc và rễ cây. Những khúc gốc và rễ cây tưởng như vô tri vô giác, không dùng được vào việc gì nhưng qua sự tài hoa, khéo léo của người thợ bỗng trở thành những bức tượng sinh động.

Rễ cây được đưa từ rừng về, qua con mắt lành nghề, người thợ sẽ ước lượng hình dáng, kiểu thế cho tượng. Qua vài bản phác thảo ngay trên khúc rễ, người thợ sẽ tiến hành đục đẽo, chạm khắc. Căn cứ theo độ cao, thấp, dày, mỏng của thân gỗ, tiếp đến là các họa tiết hoa văn của tác phẩm mà người thợ sẽ quyết định thời gian hoàn thành một bức tượng. Hình ảnh trên mỗi bức chạm khắc cũng là những hình ảnh thân thuộc trong tâm thức dân gian người Việt như: tượng Phật, tượng bát tiên, tượng tam đa Phúc – Lộc – Thọ… Mỗi bức tượng là sự sáng tạo không ngừng của óc quan sát, trí tưởng tượng, sự cẩn trọng, tôn kính của người thợ. Càng đi sâu vào các họa tiết, sự cẩn thận, tỉ mỉ trong mỗi nét chạm càng được quan tâm, chăm chút bởi hồn cốt, sắc thái biểu cảm trên mỗi bức tượng phụ thuộc rất nhiều vào các đường nét này.

 
Một số tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ của làng Đông Giao:
 
Tượng Phật Di Lặc tạc từ rễ cây.
Tượng Phật Di Lặc tạc từ rễ cây.
Tượng Phật Di Lặc tạc từ gốc cây.
Tượng muông thú tạc từ gốc cây.
Tượng chim công đang múa tạc từ gốc cây
Kế tục truyền thống cha ông, các sản phẩm chạm khắc gỗ Đông Giao ngày nay không chỉ nổi tiếng trong vùng mà còn được nhiều khách hàng trong và ngoài nước yêu thích, ưa chuộng./.
 
Bài: Hữu Tuấn - Ảnh: An Thành Đạt
Theo Báo Ảnh Việt Nam

Từ khóa : chạm khắc