Tôi tự hào với dòng chữ “Made in Vietnam”

Không chỉ đến hôm nay, sau khi đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”,  Huy Long An (tên thường gọi của ông Võ Quan Huy- Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình) mới nổi tiếng, mà hơn chục năm trước cái tên này đã được giới đầu tư nông nghiệp ở  miền Nam biết đến.

Huy Long An nổi tiếng không chỉ vì từ hai bàn tay trắng, đến nay đã có được diện tích canh tác ớt, cao su, tôm,…rất lớn với gần 1.000ha; mà ông còn là một “Nông dân hiện đại”, thể hiện ý chí mạnh mẽ sau hơn chục lần thất bại cay đắng - vẫn kiên quyết gắn bó với đất, vừa làm vừa học để đưa kỹ thuật hiện đại vào nuôi trồng và nghiên cứu thị trường để nông sản Việt Nam có được chổ đứng ở nước ngoài.

Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình

 

Trong “hành trình” hơn 40 năm gắn bó với nông nghiệp, gần đây, ông lại được nhắc đến là nông dân đầu tiên đưa thương hiệu chuối FOHLA “Made in Vietnam” sang nhiều thị trường nước ngoài.  Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

Chuối là cây chủ lực ở nhiều địa phương và là mặt hàng xuất khẩu quan trọng ở nước ta. Trên thế giới, chuối là một trong những loại trái cây được tiêu thụ nhiều nhất vì giá trị dinh dưỡng cao.

Năm 2014, sau khi xây dựng trang trại bò Úc hơn 1.000 con ở xã Hiệp Hòa (tỉnh Long An), tôi đã dùng phân bò cải tạo đất phèn và bắt đầu trồng thử nghiệm chuối – đây là loại chuối có màu vàng đẹp, dẻo, thơm và không quá ngọt.

2 trang trại chuối của chúng tôi (hơn 40 ha ở Long An và hơn 70 ha tại huyện Trảng Bàng - tỉnh Tây Ninh) đều trồng theo quy trình sạch với hàng trăm nhân công cùng chuyên gia kỹ thuật giàu kinh nghiệm đến từ Philippines. Để đáp ứng yêu cầu của các nước, tôi xây dựng hệ thống sản xuất khép kín theo quy trình VietGAP từ giống, khâu chăm sóc cho đến đóng gói đưa vào kho lạnh tại trang trại.

Do đó, về chất lượng, tôi tự hào với dòng chữ “Made in Vietnam” dán trên từng nải chuối và có cơ sở cũng như quyết tâm giữ vững được chất lượng này.

Năm 2015, tôi đăng ký thương hiệu chuối FOHLA (viết tắt của Fruit of Huy Long An). Đến nay, chúng tôi đã xuất khẩu sang nhiều nước như Dubai, Singapore, Nhật ,… trong đó đặc biệt có chuỗi hệ thống bán lẻ Don Kihote của Nhật với số lượng lớn và thường xuyên.

Nhật là một trong những thị trường khó tính nhất trên thế giới. Để làm ăn với người Nhật, theo ông cần phải đáp ứng những tiêu chí gì?

 Nhân dân Nhật rất có cảm tình với nhân dân Việt Nam do mối quan hệ hữu nghị lâu năm và nền văn hoá khá tương đồng, nên theo giới doanh nhân Nhật cho biết: nếu sản phẩm Việt Nam đạt chất lượng là họ sẽ mua ngay.

Trước khi người Nhật muốn nhập sản phẩm, họ cần biết chúng tôi có đáp ứng được tiêu chuẩn của họ không. Tiêu chuẩn của họ là VietGAP+ (gồm tiêu chuẩn VietGAP cộng với yêu cầu riêng của người Nhật).

Khi họ sang Việt Nam, nhiệm vụ của tôi là làm cho họ biết sản phẩm chuối Việt Nam an toàn như thế nào. Ngoài việc trình bày cho họ thấy quy trình sản xuất rõ ràng, tôi đón tiếp họ với tinh thần cởi mở và minh bạch; phải kiên nhẫn để họ phân tích mùi, vị và có thời gian kiểm tra dư lượng,… Tôi cũng phải xem việc trả lời những thắc mắc của họ là nhiệm vụ trong việc đàm phán (để bán được sản phẩm phải trả lời họ ít nhất là 5 lần).

Việc đáp ứng những tiêu chí này đối với ông có khó không?

 Trước đây khi nuôi tôm, tôi cũng đã nhiều lần làm việc với người Nhật và biết họ muốn gì. Do đó, khi quyết định trồng chuối, tôi đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ như thiết kế trang trại, quy trình sản xuất theo đúng tiêu chuẩn để sẵn sàng đón tiếp họ.

Tôi nghĩ, không chỉ bán hàng xuất khẩu mà ngay cả bán hàng trong nước cũng phải làm như vậy – nhà sản xuất cần phải thay đổi cho kịp văn hoá tiêu dùng hiện nay, vì người Việt cũng đã có những yêu cầu cao hơn cho sức khoẻ của mình và họ cũng có nhiều sự lựa chọn hơn về thực phẩm an toàn.

Được biết, ông đã từng thất bại nhiều lần, bí quyết nào đưa ông đến thành công hôm nay?

Tôi khởi nghiệp từ cây mía và luôn hàm ơn nó vì đã giúp tôi xây dựng được cơ nghiệp. Để có được ngày hôm nay, tôi đã phải thay đổi hơn 20 loại cây trồng và vật nuôi, phải đánh đổi vốn liếng, mồ hôi và nước mắt cho những lần thất bại; thậm chí, tôi phải làm đủ nghề từ chạy máy cày, đốn mía thuê và phải thuyết phục hàng quán cho mua gạo nợ để nuôi nhân công,..

Cứ sau mỗi lần thất bại, tôi lại rút ra bài học, không nãn chí, vừa làm vừa học với những chuyên gia nông nghiệp hàng đầu để đưa kỹ thuật hiện đại vào nuôi trồng, luôn theo dõi thông tin, chính sách dành cho nông nghiệp trong nước và nghiên cứu thị trường nước ngoài cho những nông sản mới,...

Từ đó, tôi nghiệm ra rằng: làm nghề nông không hề dễ dàng vì bị phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan như nhân công, thời tiết, dịch bệnh, thị trường. Nghề nông không chỉ vẽ lên giấy là  được, mà phải làm tận tâm tận lực, tận gốc tận rễ thì mới thành công. Bí quyết của tôi là quyết tâm cộng với trí tuệ và tầm nhìn - nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay, cần phải nghiên cứu thị trường để biết khi nào là cơ hội của các loại nông sản mình sẽ làm và phải làm với khả năng tốt nhất của mình.

Để nông sản Việt Nam có được chổ đứng trong giai đoạn hội nhập hiện nay, theo ông cần những yếu tố nào?

Để nông sản Việt Nam phát triển, theo tôi, cần phải có sự liên kết. Nông dân nên được tư vấn và làm theo quy trình phối hợp với các nhà khoa học thì mới có những nông sản tốt được. Phải tìm hiểu, nghiên cứu thị trường rồi mới tổ chức sản xuất - tránh tình trạng bắt chước “nhà nhà cùng làm” đến khi làm xong thì không bán được hoặc làm không được thì cùng mất. Nông dân cũng phải thay đổi tư duy trong bán hàng, phải sản xuất theo yêu cầu của khách hàng với chất lượng tốt nhất và phải xem tiêu chí “đẹp - sạch” là mục tiêu thì mới chinh phục được thị trường hiện đại.

 Về phía nhà nước, vai trò chủ đạo trong sản xuất rất quan trọng. Để hỗ trợ nông dân và giúp cho họ hiểu những chính sách cũng như kỹ thuật tiên tiến đòi hỏi các chuyên viên không chỉ có trí tuệ, kiến thức, mà còn phải có một tấm lòng gắn bó với nông dân thông qua cách hướng dẫn, chuyển tải thông tin phù hợp với văn hoá của họ một cách cụ thể thì họ mới hiểu và làm theo được.

Ngoài ra, tôi cũng có 2 điều đang trăn trở. Đó là, chuối FOHLA rất an toàn cho sức khoẻ và giá trị dinh dưỡng cao nhưng chúng tôi chưa có điều kiện giới thiệu rộng rải với người tiêu dùng trong nước.  

Điều trăn trở thứ hai là thời gian gần đây, một số thông tin chưa chính xác của truyền thông về quy trình ủ chuối chín khiến người tiêu dùng rất hoang mang. Theo tôi, những thông tin trên đã làm khó nông dân rất nhiều vì trong quá trình sản xuất có những loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở một mức độ nào đó mà không nguy hiểm cho người dùng. Nên chăng, trước khi đưa thông tin gì về lĩnh vực này thì người viết nên hỏi các chuyên gia để biết chính xác hơn và truyền tải được “đúng người đúng việc” đến với công chúng.

Có thể nói, hiện nay ông đang thành công về mọi mặt. Ông còn mơ ước nào chưa thực hiện không ?

 Cho đến hôm nay hầu như lúc nào trong tôi cũng luôn có những ý tưởng mới để làm việc. Tôi cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những nông dân khác với mục đích có thể giúp nhiều nông dân Việt khá hơn.

Tôi nghĩ, mình rất may mắn khi cả 2 con trai đều theo nghề nông. Một đứa chuyên về kỹ thuật và một đứa lo về quản trị. 3 cha con chúng tôi làm việc rất đều tay nên công ty cũng đạt được nhiều  thành quả nhất định.

Mong rằng, Nhà nước tiếp tục tạo cơ chế thông thoáng để các gia đình nông dân nói riêng và nông nghiệp Việt Nam nói chung được phát triển ngày càng bền vững.

Theo Ngày Mới Sài Gòn - NXB Thanh Niên

Từ khóa : Võ Quan Huy,Huy Long An - Mỹ Bình