3.160 tỷ đồng làm đường trên cao giảm tắc nghẽn cho Tân Sơn Nhất

BizLIVE - Thông tin được đưa ra tại cuộc họp về dự án đầu tư xây dựng Hệ thống đường trên cao giảm ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 23/9.

Ảnh minh họa.
Chủ đầu tư dự án là liên danh 3 doanh nghiệp: Tổng công ty 319 - Bộ Quốc phòng, Công ty TNHH DV TM SX XD Đồng Mekong, CTCP Hạ tầng Đông Á.
Đại diện chủ đầu tư cho biết, hiện nay thường xảy ra ùn tắc nội bộ vào giờ cao điểm trong khu vực đón trả khách tại nhà ga quốc nội và trên đường Trường Sơn. Chính vì vậy, chủ đầu tư đề xuất xây dựng Hệ thống đường trên cao với một nhóm các cầu tổ chức giao thông một chiều (vượt qua nút giao Hoàng Văn Thụ) với tổng cộng phạm vi dự án dài khoảng 4.875m, bề rộng phần cầu tuyến chính 3 làn xe.
Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.160 tỷ đồng (bao gồm cả kinh phí GPMB thu hồi đất khoảng 5ha), thời gian thi công 18 tháng. Ngoài ra, theo chủ đầu tư, trong tương lai, sân bayTân Sơn Nhất hoàn toàn có thể xây dựng nhà ga T3 kết nối với hệ thống đường trên cao này.
Sau khi nghe báo cáo nghiên cứu của chủ đầu tư và ý kiến của các vụ liên quan, Thứ trưởngBộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật khẳng định, việc giải tỏa ách tắc cho sân bay Tân Sơn Nhất và nâng công suất của sân bay Tân Sơn Nhất lên 40 triệu hành khách/năm là vô cùng cần thiết.
Tuy nhiên, theo ông Nhật, việc đầu tư hệ thống đường trên cao này thuộc thẩm quyền của TP. Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông vận tải ủng hộ và sẽ tham gia ý kiến với UBND TP. Hồ Chí Minh về vấn đề này.
Trước mắt, Thứ trưởng Nhật yêu cầu Nhà đầu tư gửi hồ sơ để ACV nghiên cứu, xem xét việc vừa khai thác vừa xây dựng tuyến đường này ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của sân bay Tân Sơn Nhất. Nhà đầu tư tiếp tục nghiên cứu về tổng vốn đầu tư sao cho có tính khả thi cao.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Nhật yêu cầu chủ đầu tư cần cẩn trọng trong vấn đề GPMB (thu hồi đất) tránh tình trạng khi quyết định triển khai Dự án lại vướng mắc về vấn đề này.
Thứ trưởng cũng yêu cầu các vụ liên quan của Bộ, nhất là Ban PPP cần khẩn trương nghiên cứu nội dung của dự án, làm báo cáo trình lãnh đạo Bộ xem xét có ý kiến với TP. Hồ Chí Minh trong tháng 10/2016.
Trước đó, hồi tháng 6, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII) cũng đề xuất xây dựng đường trên cao số 1 dài 9,5 km nối sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm TP. HCM với kinh phí khoảng 15.000 tỷ đồng. Tuyến đường có hướng từ nút giao Lăng Cha Cả (giáp giới quận Tân Bình - Phú Nhuận) rồi chạy dọc đường Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long - Phan Xích Long nối dài - cầu Phú An (phường 22, quận Bình Thạnh).
Cửa ngõ Tân Sơn Nhất là một điểm nóng về ùn tắc về giao thông vào giờ cao điểm do lượng xe lưu thông quá lớn. Thời gian gần đây, kẹt xe ở khu vực này còn xảy ra cả vào ban trưa. Để giảm ùn tắc, từ ngày 10/9, Sở Giao thông vận tải TP.HCM sẽ cấm xe tải hoạt động từ 6h đến 22h hàng ngày trên một số tuyến đường dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất như Trường Sơn, Phạm Văn Hai, Thăng Long...

Theo MẠNH NGUYỄN (BizLive.vn)

Từ khóa : Tân Sơn Nhất