Các “đại gia” Thụy Điển săn cơ hội tại Việt Nam

BizLIVE - Một đoàn doanh nghiệp hùng hậu gồm các “ông lớn” trong nhiều lĩnh vực đang có mặt tại Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội đầu tư và mở rộng kinh doanh tại đây.

Bà Marie Sjodin Enstrom, Giám đốc điều hành (Đông Nam Á) của Scania mong muốn xuất khẩu xe buýt nhanh sang Việt Nam. Ảnh: Minh Tuấn.
 
Bộ trưởng phụ trách Thương mại Thụy Điển Ann Linde dẫn đầu một đoàn doanh nghiệp hùng hậu nhất từ trước đến nay gồm gần 20 công ty lớn của nước này đang có mặt tại Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội kinh doanh.
Đoàn gồm các doanh nghiệp lớn hoạt động trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, chế biến thực phẩm, công nghệ, chế tạo ô tô, giáo dục và tài chính. Trong đó có các nhánh sản xuất xe buýt, xe tải và xe hơi của Tập đoàn Volvo, Scania, Axis Communication, Ericsson, SAAB, Tetra Pak và Setra Group.
 
Các doanh nghiệp này muốn khai thác những nhu cầu đang cấp thiết của Việt Nam như: các giải pháp về giao thông tại các đô thị lớn, xây dựng nguồn năng lượng bền vững, giảm ô nhiễm môi trường và đào tạo nhân lực cho những thành phố công nghiệp hiện đại.
 
Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 6%/năm trong vòng hai thập kỷ qua đã kéo theo sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam, dự kiến đạt 33 triệu người vào năm 2020 so với 12 triệu người năm 2012.
 
Bên cạnh đó, mức độ đô thị hóa cũng diễn ra nhanh chóng. Dân cư sống tại các thành phố Việt Nam dự kiến tăng gấp đôi năm 2012 lên 52 triệu người vào năm 2025. Việc gia tăng số dân ở các thành thị cũng làm tăng nhu cầu sử dụng năng lượng, di chuyển thường xuyên hơn và tăng tiêu dùng hàng hóa. Đây chính là những cơ hội mà đoàn doanh nghiệp Thụy Điển nhắm đến.
Học hỏi từ một trong những nước sạch nhất châu Âu
 
Phát biểu tại diễn đàn “Giải pháp xây dựng xã hội bền vững – Chia sẻ kinh nghiệp giữa Thuyh Điển và Việt Nam” được tổ chức sáng ngày 6/10 tại Hà Nội, Bộ trưởng Ann Linde đã chia sẻ những kinh nghiệm phát triển của Thụy Điển, từ một nước nghèo nhất châu Âu cách đây hơn một thế kỷ đến một trong những quốc gia sáng tạo và phát triển nhất thế giới.
 
Theo bà Linde, giống như Việt Nam, Thụy Điển đã trải qua quá trình chuyển đổi kinh tế trong hàng thế kỷ. Việc nâng cao nhận thức về môi trường dựa trên quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế và đặt ra các quy định đầy nghiêm ngặt về môi trường đã đưa Thụy Điển trở thành một trong những quốc gia có giải pháp phát triển bền vững hàng đầu thế giới.
 
Tại Thụy Điển, năng lượng tái tạo hiện chiếm trên 50% nhu cầu năng lượng. Chính phủ nước này đặt ra tham vọng đưa tỷ lệ năng lượng hóa thạch về 0% đến năm 2040. Tỷ lệ sử dụng dầu mỏ tại nước này chỉ còn 20% so với mức 70% trong những năm 1970, trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng năm lượng.
Bên cạnh đó, Thụy Điển tập trung đầu tư cho phát triển giáo dục thông qua đầu tư cho các tài năng, khuyến khích tư duy phản biện và khám phá các phương pháp giáo dục mới. Mô hình “học tập suốt đời” của quốc gia này giúp người dân liên tục cập nhật kiến thức và phát triển kỹ năng mới.
“Đưa phát thải nhà kính về 0% là ước mơ của mọi quốc gia”
 
Tại hội thảo, ông Tăng Thế Hùng, Phó vụ trưởng, Tổng cục Năng lượng thuộc Bộ Công thương, cho biết Việt Nam có nhu cầu rất lớn về phát triển các nguồn năng lượng để đảm bảo mức tăng trưởng GDP bình quân đạt 7%/năm trong giai đoạn 2016-2030. Theo đó, công suất các nguồn phát điện mới phải đạt khoảng 10%/năm.
Dự kiến, nhu cầu điện thương phẩm đạt khoảng 235-245 tỷ kWh vào năm 2020, con số này tăng lên 352-379 tỷ kWh vào năm 2025. Đồng thời, nhu cầu điện sản xuất và nhập khẩu sẽ tăng lên 265-278 tỷ kWh vào năm 2020 và 400-431 tỷ kWh vào năm 2025.
 
Việt Nam đặt mục tiêu tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 7% năm 2020 và trên 10% năm 2030. Nhiệt điện vẫn là nguồn cung cấp năng lượng chính cho Việt Nam, chiếm khoảng 50% nhu cầu điện vào năm 2025.
 
Với nhu cầu lớn như vậy, “việc đưa lượng phát thải nhà kính về 0% như Thụy Điển là ước mơ của mọi quốc gia. Việt Nam cũng ước ao không sử dụng năng lượng hóa thạch”, ông Hùng bộc bạch.
Thụy Điển sẽ đầu tư vào đường sắt, xe buýt nhanh ở Việt Nam?
 
Tuyến BRT ở Hà Nội sắp được đưa vào vận hành? Ảnh: doisongphapluat.com
 
Trình bày về áp lực phát triển hạ tầng giao thông và nhu cầu vận tải của Việt Nam trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ an toàn giao thông, Bộ Giao thông vận tải, cho biết vận tải bằng đường bộ vẫn chiếm ưu thế.
 
Việt Nam hiện có hơn 700km đường cao tốc, nhưng chỉ một số đoạn lắp hệ thống điều khiển giao thông thông minh (ITS). Đèn tín hiệu giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội vẫn chưa được kết nối.
Chính phủ cần tới 6-8 tỷ USD/năm để đầu tư cho giao thông đô thị, tuy nhiên ngân sách nhà nước chỉ đảm bảo được 50%, còn lại là từ các nguồn tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài, ông Thạch cho biết.
“Giấc mơ phát triển giao thông của Việt Nam còn tương đối dài. Phát triển giao thông đô thị cần dựa vào giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân và tăng ứng dụng giao thông thông minh. Tuy nhiên, các trụ cột này ở Việt Nam vẫn còn hạn chế”, ông Thạch nói.
 
Ông Thạch cho biết, Bộ Giao thông vận tải đề xuất Thụy Điển cung cấp thêm thông tin sử dụng xe buýt chạy bằng biogas và ứng dụng loại năng lượng này trong vận tải hành khách công cộng tại Việt Nam.
 
Bộ này cũng đề nghị các doanh nghiệp Thụy Điển nghiên cứu, xem xét đầu tư các dự án đường sắt, xe buýt nhanh (BRT) ở các đô thị lớn, và đầu tư thí điểm hệ thống quản lý giao thông thông minh trong khu vực các thành phố lớn, ông Thạch nói thêm.
 
Trao đổi với phóng viên BizLIVE, ông Mariano Colombo, đại diện của hãng xe Scania cho biết Tập đoàn này rất muốn tham gia vào các dự án BRT của Việt Nam, đặc biệt ở hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh.
Ông Colombo cũng khuyến nghị Việt Nam nên sử dụng các xe BRT có uy tín, bởi các xe giá rẻ sẽ nhanh chóng xuống cấp. “Đồ rẻ là đồ ôi”, ông nhấn mạnh.  

Theo MINH TUẤN (BizLive.vn)

Từ khóa : cơ hội đầu tư,mở rộng kinh doanh