Khám phá tiềm năng du lịch làng nghề Nam Định
Là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng Bắc Bộ, Nam Định được biết đến với những làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống như: ươm tơ, dệt lụa, thêu ren, chạm khắc gỗ, mây tre đan, đúc đồng, trồng hoa cây cảnh… Trong đó, nổi tiếng có làng trồng hoa cây cảnh Vị Khê, làng chạm khắc gỗ La Xuyên, làng đúc đồng Tống Xá, làng sơn mài Cát Đằng… Sự hình thành và phát triển của các làng nghề truyền thống với những sản phẩm mang nhiều giá trị văn hoá đặc sắc đã góp phần đa dạng hoá sản phẩm du lịch của tỉnh Nam Định.
Thuộc địa phận xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên có lịch sử gần 10 thế kỷ. Theo thần tích của làng thì ông tổ làng nghề mộc có tên là Ninh Hữu Hưng, quê ở xã Chi Phong, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, ông về đây lập ấp, truyền nghề cho người dân địa phương. Từ nơi đây đã có rất nhiều nghệ nhân giỏi tỏa đi, tham gia xây dựng cố đô Hoa Lư, kinh đô Thăng Long, kinh thành Huế và nhiều đình, đền, chùa, miếu, lăng, phủ ở mọi miền đất nước.
Các sản phẩm nghề thủ công gồm: tranh khảm, đồ gỗ mỹ nghệ, hoành phi, câu đối, sập gụ, tủ chè được trang trí rồng bay, phượng múa, lân chầu rất tinh xảo. Bên cạnh đó là các sản phẩm thông dụng như hương án, bát biểu, tượng, cửa, võng,... Sản phẩm lớn của họ là những công trình kiến trúc với toà ngang dãy dọc được điểm xuyết bằng những mái cong cổ kính.
Nghệ thuật chạm khắc gỗ của các nghệ nhân làng La Xuyên được thể hiện một phần ở ngôi đình làng. Đó là một quần thể kiến trúc bề thế gồm đình, đền, phủ, miếu với nhiều mảng phù điêu, chạm trổ tinh xảo còn lại mãi với thời gian.
Nói đến làng quê từng có sản phẩm sơn mài nổi tiếng nhất miền Bắc, phải nói đến làng nghề sơn mài Cát Đằng ở xã Yên Tiến, huyện Ý Yên. Theo sử sách ghi lại, nghề sơn mài làng Cát Đằng có từ khoảng thể kỷ 11, do hai ông tên là Ngô Dũng và Đinh Ba (từng làm quan trong triều thời vua Đinh) đến làng ở và truyền dạy nghề cho trai tráng trong làng.
Các sản phẩm sơn mài Cát Đằng không chỉ nổi tiếng bởi chất lượng tốt và giá trị nghệ thuật cao, mà còn do kỹ thuật sơn sáng tạo. Ngoài phương pháp làm truyền thống từ các loại gỗ tốt, những nghệ nhân Cát Đằng đã sáng tạo ra cách làm sơn mài trên nứa và nâng lên thành bí quyết. Những sản phẩm sơn mài Cát Đằng rất đa dạng, kết tinh giá trị tinh thần và vật chất to lớn. Nếu có dịp đến thăm các lăng tẩm, cung đình xưa ở Huế, Đà Nẵng, Hà Nội..., du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rất nhiều đồ trang trí nội, ngoại thất bắt nguồn từ làng nghề Cát Đằng. Ngoài ra, sơn mài Cát Đằng là mặt hàng xuất khẩu được ưa chuộng ở rất nhiều quốc gia như Mỹ, EU, Nhật Bản, Nga và các nước ASEAN, góp phần quảng bá hình ảnh một Việt Nam với nhiều giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc.
Gần làng chạm khắc gỗ La Xuyên là làng nghề đúc đồng Tống Xá, thuộc xã Yên Xá, huyện Ý Yên. Vào cuối thế kỷ 12, ông tổ nghề đúc đồng Nguyễn Minh Không đã truyền nghề cho nhân dân địa phương, trải qua 900 năm, làng nghề ngày càng phát triển.
Làng nghề đúc đồng Tống Xá có nhiều sản phẩm nổi tiếng từ lâu đời. Trước kia một số thợ trong làng đã từng đúc các đồ tế tự cho các đình chùa. Ngoài các sản phẩm truyền thống như lư đồng, tượng đồng, các đồ kỷ niệm, đồ lễ, còn có các đồ lưu niệm vừa mang tính thẩm mỹ nghệ thuật lại có hiệu quả sử dụng cao.
Làng nghề đúc đồng Tống Xá được biết đến với những công trình lớn được ghi nhận đó là: Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ cao 16,2m, nặng 220 tấn trong dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử; tượng vua Lý Thái Tổ cao 10,1m, nặng 45 tấn nhân dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội; tượng 14 vị Vua thời Trần đặt tại quần thể di tích lịch sử văn hoá Thiên Trường; tượng Phật tổ Như Lai bằng đồng đúc liền khối 35 tấn tại núi Non Nước (huyện Sóc Sơn, Hà Nội); tượng Tam thế Phật tổ Như Lai chùa Bái Đính (Ninh Bình) nặng 50 tấn…..
Những người sành chơi cây ở đất Bắc hẳn đều biết làng cây cảnh Vị Khê thuộc xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Làng Vị Khê là một trong 7 khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh. Với lịch sử hơn 700 năm, làng cây cảnh Vị Khê từng là nơi cung cấp hoa, cây cảnh phục vụ nhu cầu chơi hoa, cây cảnh của vua quan và quý tộc thời Trần. Ông tổ nghề của làng là tướng công Tô Trung Từ - một nhân vật có tên trong chính sử nhà Lý.
Ngày nay, đến làng Vị Khê, du khách sẽ được chủ vườn giới thiệu rất nhiều loại cây cảnh có giá trị và đã trở thành thương hiệu nổi tiếng cả một vùng đồng bằng Bắc Bộ, đó là giống cây vạn tuế (Trong số 18 cây trồng trước lăng Bác, có tới 14 cây do các lão nghệ nhân làng Vị Khê đóng góp); đó là giống trà bạch, lan hạc đính – loài cây quý hiếm xưa thường mang tiến vua; đó là cây la hán, cây tùng, cây cần thăng mới lấy giống từ Châu Đốc ra; cây đử quyên tím, cây hồng vàng được mang về từ xứ sương mù Đà Lạt; hay hàng chục loại cây quen thuộc khác như đào, mai, mộc, ngọc lan, thông, cau dẻ… Trong làng hiện còn lưu giữ bộ cây thế 300 năm tuổi, đã từng đoạt giải thưởng cung đình Huế. Từ làng Vị Khê, các loại cây cảnh, cây thế, cây bonsai được cung cấp cho các công viên, các khu du lịch, thành phố và xuất khẩu ra nước ngoài.
Đặc biệt, vào dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, các tác phẩm “Thăng Long”, “Chùa Một Cột”, “Khuê Văn Các” và nhiều tác phẩm cây cảnh có giá trị của Vị Khê đã được trưng bày tại Đại lễ, góp phần quảng bá nghề trồng hoa cây cảnh, được du khách đánh giá cao.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng tại địa phương, một số làng nghề ở đây về cơ bản đã bảo đảm các tiêu chí: Có cảnh quan mang đậm bản sắc làng quê Việt Nam, có nghề truyền thống lâu đời, ngành nghề và sản phẩm làng nghề có tính độc đáo, có hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng tốt, vệ sinh môi trường bảo đảm để xây dựng các tour, tuyến du lịch và thu hút khách du lịch. Trong những năm qua, các làng nghề truyền thống này đã thu hút được sự quan tâm của khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan.
Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm về quản lý và tổ chức khai thác, phát huy thế mạnh của sản phẩm du lịch làng nghề nên hiệu quả, sức thu hút của sản phẩm du lịch địa phương đối với khách du lịch còn nhiều hạn chế.
Để khai thác có hiệu quả sản phẩm du lịch từ các làng nghề truyền thống, Nam Định cần có những biện pháp đồng bộ, tích cực như: nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, tu bổ tôn tạo cảnh quan môi trường, giữ gìn bản sắc văn hoá làng xã, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền quảng bá giới thiệu tiềm năng du lịch từ các làng nghề trên các phương tiện thông tin đại chúng và các ấn phẩm tuyên truyền du lịch của ngành…
Theo Tổng Cục Du Lịch (Phạm Phương (TTTTDL) tổng hợp)
Từ khóa : chạm khắc gỗ,đúc đồng,sơn mài