Ghé TP.HCM đừng quên thưởng thức món bánh canh thần thánh!

Lâu lắm rồi mới được tan ca sớm, chạy ngang xe đồ chay hẻm đối diện hẻm chợ Ve Chai Võ Văn Tần (quận 3, TP HCM) thấy hơi vắng nên lạng vào. Nhìn sơ qua cái bàn: Bánh canh thần thánh!

Chen vào ngồi chưa nóng chỗ thì thiên hạ lũ lượt kéo tới kẻ ăn liền, người mua về nhao như cái chở. Hết chỗ ngồi và bà chủ thì bắt đầu rối như canh hẹ. Nhờ tới trước nên tô ra trước. Lặn đũa một lượt, quơ mớ cọng bánh canh tròn lẳn lên mà thấy bao nhiêu sầu hận cuộc đời tan biến. Bánh canh thật là điều kỳ diệu của cuộc đời này, nó luôn làm mình thấy hạnh phúc lâng lâng.

Xe đồ chay vỉa hè chỉ có 2 cái bàn nhỏ, 1 cái bàn lớn và 1 cái bàn lớn của bà già bán nước (ngồi phải kêu nước uống, không thì đứng ăn nha).

Món chay món mặn mình đếm chưa tới chục mà bà chủ xe đồ chay này này khoe có tới 21 món bán luân phiên theo ngày chứ không có chuyện trùng nhau. Món cố định luôn là bì cuốn và hoành thánh chiên.

Hẻm chợ Ve Chai - nơi xe đồ chay thần thánh thường đến mỗi chiều tối

Mình đã thử được tầm 5-6 món gì ở đây nhưng chấm nhất là bánh canh, bún bò viên và bún măng. Tô cơ bản 18.000 đồng với 2 nấm đông cô, 1 tàu hủ, 2 hoành thánh chiên, vài lát nấm rơm, vài cục củ cải đỏ, su su. Với các món có đặt trưng riêng thì thêm măng, bò viên chay hay tàu hủ ky chiên giòn.

Có lẽ do nấu nhiều đồ la ghim và có bí quyết riêng nên nước lèo ngọt lịm (không phải từ bột ngọt và đường). Món "độc" của quán có lẽ là hoành thánh chiên với nhân đậu xanh ngon khó cưỡng, đế người khó tánh nhất cũng phải gật gù khen ngon.

Quán lúc nào cũng đông khách, ngày chay thì khỏi chen chân nên dù ngon lắm, thèm lắm nhưng ít khi ghé vì không chỗ để xe, không chỗ ngồi.

Bà chủ người nhỏ xíu, thời trẻ chắc có một gương mặt khá nét. Bán đắt, một mình xoay trở với hàng tá việc nên đôi khi hơi cáu gắt với khách. Nhìn bà chị đôi khi mắc mệt vì mặt mày đỏ bừng, tay chân quờ quạng vì rơi vào cái vòng quay câu hỏi liên tu bất tận: Của em có chưa, hôm nay món gì, để xe ở đâu chị, ngồi ở đâu, cho em 1 tô không giá, đừng lấy tàu hủ nghen, cho thêm vài cục hoành thánh chiên…

Cũng có vài người phụ nhưng có vẻ như bà chị vẫn quá tải, vẻ mặt cứ luôn có cảm giác: "Tui là tui phải kìm lắm đó nghen, vì mưu sinh nên tui phải chịu khó đó, không thì tui chửi à!".

Lại nói món bánh canh thần thánh. Cũng phải tám kiếp rồi mới được ăn lại ở quán này, ghé lần nào cũng toàn hủ tíu, hoành thánh lá, cháo bát bửu, bún mắm, bún huế, bún riêu,… Rút điện thoại ra định chụp hình tô bánh canh và cảnh bà chủ đang tả xung hữu đột nhưng thấy thiên hạ sốt ruột đứng sau lưng chờ tới lượt nên thấy nhột, cất điện thoại, ăn cho lẹ để người ta còn có chỗ ngồi.

Thơm ngon tới giọt cuối cùng, muốn làm thêm tô nữa, đang lần lựa thì nghe bả hét con bé phụ: "Trời ơi, nước lèo cạn queo rồi, kêu đem ra nãy giờ mà cứ làm gì đâu không". Thôi đành tiếc nuối trả tiền về, để lại đám người còn kiên nhẫn đứng chờ.

Bánh canh cọng dẹp của Phan Rang

Bánh canh cọng tròn ú như bánh lọt của miền Tây

Bánh canh cọng trong dai của Sài Gòn

Bánh canh, món ám ảnh tuổi thơ và đến tận bây giờ. Hồi ở Tây Ninh chỉ biết bánh canh là cọng bún bự mà nhiều xứ gọi là bún bò và bánh canh xắt dạng dẹp có áo bột năng.

Đi học Sài Gòn và ăn chơi tứ xứ mới biết có nhiều loại bánh canh khác: Bánh canh bột lọc của Sài Gòn; bánh canh tự làm, tự xắt của mấy tỉnh Bắc Trung Bộ; bánh canh cũng làm từ bột gạo nhưng cọng dẹp như ở Huế; bánh canh cọng nhuyễn như tóc của Phú Yên, mũm mĩm như bánh lọt của miền Tây…

Thời mới ra giang hồ, dị ứng nhất là cọng bánh canh bột lọc của Sài Gòn, gì mà trong trong dai dai như cọng nhựa. Nhưng rồi ăn riết cũng ghiền, mỗi thứ mỗi loại có cái ngon riêng.

Có người hỏi sao mê bánh canh dữ vậy. Ờ không biết nữa, chắc vì nó đẹp trắng tròn đầy đặn dễ cưng, chắc vì nó trơn dễ nuốt và chắc vì có ngâm nó lâu chút trong nước lèo cũng không bị nở bã như hủ tíu hay cọng bún.

Bánh canh chay Tây Ninh

Đã và đang nuôi một giấc mơ là mở một quán bánh canh chay đặc trưng Tây Ninh ở Sài Gòn. Loại bánh canh cọng bự tròn, nấu ninh trong nước lèo chứ không phải trụng rồi mới chan. Nước lèo thì ngoài la ghim phải có nấm rơm khô, tàu hủ ki ngọt và đặc biệt rau nêm không được thiếu ngò gai.

Nấm rơm khô ngâm nở rồi ninh thật lâu trong nước lèo sẽ tạo màu vàng cánh gián. Tàu hủ ki ngọt chiên giòn rồi thả vào nồi nước lèo nấu cho mềm ra. Cái đặc biệt của tàu hủ ki ngọt là tạo độ ngọt dịu và mùi thơm đặc trưng cho nước dùng

Đã là đồ chay thì không được thiếu tàu hủ. Thích dùng tàu hủ trắng loại non nhưng không quá mềm, để nguyên miếng ninh trong nước lèo cho thấm gia vị. Lúc ăn thì xắn một miếng chấm với muối ớt có chút hành phi và chanh.

Từng mê chuyện bếp núc nhưng biết là mình chưa đủ khả năng nấu nướng cũng như kinh doanh. Nhưng có lẽ giấc mơ bán bánh canh sẽ còn nuôi mãi và có ngày sẽ thực hiện. Ở Tây Ninh, có nơi bán tô bánh canh chay có 3.000 đồng. Dĩ nhiên không nhiều nhưng mỗi sáng 1 ra gọi 1 tô kèm ổ bánh mì chấm nước lèo thì đã no cái bụng.

Tự nghĩ nếu bán ở Sài Gòn thì mình lấy giá bao nhiêu cho ổn ta, chắc 5.000 đồng/tô thôi, cho học sinh và người bình dân ấy mà!

Mơ thì mơ vậy, chuyện lời lỗ cũng không biết ra sao nhưng tự nhiên nghĩ mình mà làm một cái xe đẩy ở Sài Gòn này, nếu đắt hàng quá như bà chị ở Võ Văn Tần thì liệu mình có giữ được bình tĩnh mà ghìm cơn mệt mỏi, bực dọc xuống không ta?

Theo www.24h.com.vn

Theo Hà Giang (Người lao động)

Từ khóa : bánh canh