Những màu sắc riêng trong món bánh cuốn
Từ cùng một nguyên liệu là bột gạo được tráng mỏng tang, nhưng đi qua mỗi tỉnh thành của Tổ quốc, bánh cuốn lại ẩn chứa một hương vị rất riêng, thơm ngon khó tả
Từ cùng một nguyên liệu là bột gạo được tráng mỏng tang, nhưng đi qua mỗi tỉnh thành của Tổ quốc, bánh cuốn lại ẩn chứa một hương vị rất riêng, thơm ngon khó tả.
Khác với những nơi khác, bánh cuốn Thanh Trì không có nhân mà chỉ có một lớp bột mỏng được tráng qua mỡ hành. Có lẽ nhờ vậy mà bánh có được vị ngọt thanh và mát lành của bột gạo. Một điều nữa đem lại hương vị đặc trưng cho bánh cuốn Thanh Trì là nước chấm. Nước chấm bánh được pha từ nước mắm ngon, giấm nếp, hành khô, ớt tươi. Một số nơi có tinh dầu cà cuống cho thêm vào thì càng đúng vị hơn.
Bánh cuốn Thanh Trì có vị thanh mát đặc trưng
Bánh cuốn được ăn cùng với giò chả Ước Lễ - một đặc sản nổi danh khác của Hà Nội, đậu phụ và rau thơm. Chỉ như vậy thôi nhưng món ăn này đã rất vừa miệng, đậm đà và khó quên.
Cũng giống với các loại bánh cuốn khác, vỏ bánh cuốn trứng cũng được làm từ bột gạo xay nhuyễn hòa tan đều với nước rồi tráng thành một lớp mỏng. Điểm khác biệt rõ rệt của bánh cuốn trứng Lạng Sơn nghe cái tên là bạn cũng có thể đoán ra là nhân bên trong bánh là lòng đào trứng gà thơm ngậy. Món bánh cuốn này ăn cùng với nước chấm được làm từ nước dùng ninh xương ống, thêm ít hành, mùi, tiêu, ớt…hoặc nước dấm pha chút xì dầu nhưng ngon nhất vẫn là chấm cùng nước thịt kho. Khác với loại bánh cuốn nhân thịt khác, khi ăn bánh cuốn trứng bạn sẽ cảm thấy vị dẻo quánh của bánh cuốn quyện với vị ngậy thơm của trứng thêm chút đậm đà của món nước chấm khiến món ăn này thật tuyệt vời.
Bánh cuốn trứng xứ Lạng
Bánh cuốn trứng đặc sản Lạng Sơn Việt Nam này cũng giống những món bánh cuốn khác, bạn phải ăn lúc nó vừa ra lò xong còn nóng hổi mới cảm nhận được vị ngon ngọt dẻo thơm của nó. Lòng đỏ trứng chưa chín kỹ vẫn còn lòng đào nên ăn rất ngon ngậy ngậy. Trứng làm nhân nơi đây đều là trứng gà nuôi thả rừng nên trứng rất thơm, ăn lòng đỏ không hề bị tanh dù chưa chín.
Ăn lúc còn nóng hổi thì mới cảm nhận được vị ngon dẻo của nó
Khác với bánh cuốn ở các vùng miền, bánh cuốn Tiền Hải có hương vị rất riêng, cách làm và thưởng thức cũng rất bình dị, gần gũi của người dân miền biển. Bánh cuốn Tiền Hải là bánh chay, không có nhân thịt, mộc nhĩ. Để làm được mẻ bánh cuốn ngon, người dân vẫn duy trì quá trình xay bột thủ công, dù tốn nhiều thời gian nhưng sẽ mang lại hương gạo đặc trưng, giúp cho lớp bánh khi tráng bên ngoài mỏng, mềm nhưng không bị nhũn và rách khi cuộn lại.
Bánh cuốn Tiền Hải là bánh chay, không có nhân thịt, mộc nhĩ
Bánh cuốn Tiền Hải phải ăn kèm với chả quế và rau thơm. Chả không quá ngấy, miếng được thái đầy đặn, ăn có vị giòn và thơm. Rau thơm được phủ lên trên đĩa bánh cuốn rất tươi ngon. Gắp bánh cuốn dầm với nước chấm rồi đưa lên miệng, ta sẽ cảm nhận được vị thơm dịu của hạt gạo có hương vị tự nhiên được nuôi dưỡng từ vùng đất Thái Bình màu mỡ. Pha nước chấm cũng là một nghệ thuật, phải dùng thứ nước mắm nguyên chất của người dân địa phương làm từ những mẻ tép biển, bảo đảm không mặn quá, không chua quá mà cũng không cay quá. Bánh tráng, nước chấm hòa cùng với vị thơm ngọt của chả quế, thanh mát của rau thơm và mùi thơm của hành khô phi giòn tạo nên cảm giác khó quên cho thực khách.
Bánh cuốn Kênh là loại bánh cuốn chay được tráng mỏng dạng lá mềm và mướt có thể cuộn tròn hoặc có thể để tự nhiên. Nhân bánh được làm từ mộc nhĩ,nấm hương và nấm tai mèo chứ không có thịt nạc như các loại bánh cuốn khác nhưng hấp dẫn vô cùng vì chuẩn vị và cho thực khách cảm giác ăn rất nhẹ nhàng,dễ nuốt không bị ngấy.
Bánh cuốn làng Kênh là thứ quà quý tiến vua
Bánh cuốn làng Kênh muốn ngon không thể pha nước chấm tùy tiện, mà phải là thứ nước mắm ngon nguyên chất được pha chuẩn tỷ lệ với nước lọc, giấm thanh, thêm một ít nước cốt chanh, ớt và vài giọt cà cuống. Nhờ thứ nước chấm đó mà miếng bánh cuốn làng Kênh bỗng phô bày mọi vẻ đẹp của mình, trở nên ngon nhã khôn cùng, thứ tinh tuý mà bánh cuốn nóng không bao giờ có thể so sánh.
Nước chấm bánh cuốn được pha theo phương pháp bí truyền
Thứ bánh đó, khi bỏ vào miệng, cứ tuồn tuột như trượt nước, miếng bánh cứ thế mà trôi từ khoang miệng xuống cuống họng và hút xuống dạ dày, để lại một thứ mùi thơm thật dễ chịu của hương lúa trổ đòng, của hương chanh cốm ngắt vội trong vườn nhà đẫm hơi mưa.
Bánh được tráng mỏng, mướt bóng được quệt với nhân rồi cuốn lại. Nhân bánh gồm có tôm nõn, thịt ba chỉ băm nhỏ cộng với hành phi phủ phía ngoài bánh. Đặc biệt, nhân bánh cuốn xứ Thanh được làm từ tôm sông Mã, cho vị ngọt lừ, đậm đà. Bánh bày ra đĩa, nhẹ nhàng rắc phía trên những vẩy hành phi vàng ruộm, loáng thoáng ánh xanh mướt của cọng mùi ta.
Đủ mọi sắc màu và hương vị hòa quyện trong một món ăn
Bánh cuốn Thanh Hóa thường ăn nóng nên nước chấm có thể được làm nguội. Nước mắm cốt nổi tiếng được ủ chượp từ cá vùng biển xứ Thanh pha lên, dậy mùi chanh, tiêu, ớt, sóng sánh sắc nâu sáng và vị đậm đà. Người thưởng thức có thể dùng kèm dăm miếng thịt băm nướng vàng thơm, hay miếng giò lụa gói nhỏ, đậm hương lá chuối.
Thành phẩm món bánh cuốn xứ Thanh
Bánh cuốn ở những nơi khác nhau lại ghi danh với phong vị riêng trong danh sách những thức cuốn nổi tiếng trên toàn quốc, nếu có dịp hãy ghé và thưởng thức hết để cảm nhận được hết những đặc sắc trong món bánh cuốn ở mỗi vùng miền này nhé.
>> Xem thêm: Tour du lịch Miền Bắc
Hồng Ánh Theo Báo Du lịch
Theo www.dulichvietnam.com.vn
Từ khóa : bánh cuốn