Áo dài sẽ vượt qua thời gian và phong cách

Áo dài không chỉ đơn thuần là một loại trang phục dân tộc; nó còn chứa đựng cả một bề dày lịch sử truyền thống văn hóa, tính triết lý, những quan niệm về thẩm mỹ, nghệ thuật và tinh thần dân tộc của người Việt Nam.

Dưới đây là những chia sẻ về Áo dài của Nhà văn Elena Pucilo Truong (Italia)

Bà bắt đầu yêu Áo dài từ khi nào?

Có lẽ từ khi gặp chồng tôi- Nhà văn Trương Văn Dân.

Mấy mươi năm trước, lúc mới quen chồng tôi, khi đó là một chàng sinh viên Việt mới sang Ý du học, anh đã kể cho tôi nghe rất nhiều điều về Áo dài: Thời sinh viên, nhiều lần anh chạy xe đạp ra cổng trường nữ trung học lúc tan trường để chờ …ngắm các nữ sinh. Đó là một biển người thướt tha trong chiếc áo dài trắng tinh khôi cùng với mái tóc huyền tung bay theo gió. Được anh cho xem những hình ảnh này, đến giờ vẫn còn làm tôi xúc động  khi nhìn thấy các nữ sinh mặc áo dài trắng, thong thả dắt chiếc xe đạp trước cổng trường.

Tôi cũng có chiếc áo dài đầu tiên của mình khi về Việt Nam lần đầu để tổ chức đám cưới vào năm 1985. Mấy năm sau, đi dự đám cưới của hai người bạn Ý ở Milano, tôi cũng thấy cô dâu mặc áo dài mà cô đã rất thích và đặt may trong một chuyến du lịch ở Việt Nam. Dù Áo dài chỉ có một màu hay được thêu những hoa văn tuyệt đẹp – chiếc áo vẫn khiến người mặc luôn lịch sự và quyến rũ.

Giờ đây, dù đã có rất nhiều năm sống ở Việt Nam nhưng tôi không lúc nào không hâm mộ chiếc Áo dài truyền thống của đất nước này.

Theo bà, Áo dài có những nét độc đáo như thế nào?

Áo dài là trang phục truyền thống của Việt Nam. Từ chiếc áo dài trắng của các cô gái trẻ đi học - sự chuyển tiếp từ thời thơ ấu sang tuổi thiếu niên,  cho đến chiếc áo dài màu đỏ trong các lễ cưới - đánh dấu sự khởi đầu của một gia đình.

Trong các buổi lễ quan trọng  hay tham dự một bữa tiệc, khi trên người có mặc Áo dài, người phụ nữ nào cũng cảm thấy mình như một “bà hoàng”, bởi trên chiếc áo có tất cả sự phong phú của các đường thêu, màu sắc luôn thay đổi tùy theo tính chất và đặc tính của vải.  Và đây, chỉ cần một cơn gió là 2 tà áo múa may uyển chuyển, như trình diễn những vũ khúc của ánh sáng và những tia phản chiếu.

Thoạt nhìn, trông Áo dài cũng tương tự như các loại trang phục của các đất nước Á châu khác; thế nhưng, khi có gió hay người mặc nó chuyển động, hai tà áo sẽ bay bay, làm bước đi của người phụ nữ thanh thoát và uyển chuyển hơn- đây là một trong những nét rất độc đáo của Áo dài.

Bà kỳ vọng gì về việc áo dài có thể sẽ trở thành một di sản trên thế giới?

Tôi đã có cơ hội đến thăm Bảo tàng Áo dài ở TPHCM ,và thấy những đặc điểm của trang phục truyền thống này đã thay đổi như thế nào theo thời gian.

Tuy thời trang có thay đổi nhưng vẻ đẹp của chiếc Áo dài vẫn lung linh và luôn được người nước ngoài đánh giá cao. Bản thân tôi đã tham dự một đám cưới ở Ý và chiếc áo của cô dâu trẻ người nước ngoài là một chiếc Áo dài có đính ngọc trai. Tôi tin rằng, Áo dài không chỉ là một chiếc áo, mà nó còn đại diện cho sự thanh lịch và vẻ đẹp của Việt Nam trên toàn thế giới, vượt qua thời gian và phong cách.

Cám ơn những chia sẻ của bà.

Nhà văn Elena Pucilo-  nguyên Giảng viên bộ môn Ngôn ngữ và Văn minh Pháp tại trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn TPHCM. Bà đã có nhiều bài viết về Áo dài.

Tập truyện“Một phút tự do”đã nhận được giải thưởng (năm 2015) của Hội Nhà văn TPHCM; cuốn truyện “Vàng Trên Biển Đá Đen” cũng được dịch ra Tiếng Việt và đoạt Giải thưởng dịch thuật của hội Nhà Văn TP. HCM (năm 2018).

Theo Ngày Mới Saigon

Từ khóa : Áo dài, trang phục dân tộc, lịch sử truyền thống văn hóa, Nhà văn Elena Pucilo Truong